Tối ưu hóa mạng lưới sân bay: Không bỏ quên sân bay nhỏ |
Dù lãnh đạo tỉnh Kon Tum khẳng định việc xây sân bay Măng Đen là cần thiết nhằm thu hút du khách cũng như đầu tư vào địa phương này, nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư sân bay này là lãng phí.
Theo dự kiến, vị trí cảng hàng không sẽ được xây dựng tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, cách trung tâm TP. Kon Tum khoảng 45km về phía Đông Bắc, cách Cảng hàng không Pleiku khoảng 73km về phía Đông Bắc, cách cảng hàng không Phù Cát khoảng 105km về phía Tây Bắc, cách cảng hàng không Chu Lai khoảng 93km về phía Tây Nam.
Khu vực dự kiến quy hoạch cảng hàng không nằm hoàn toàn trên khu vực đồi núi với diện tích dự kiến 350ha, công suất quy hoạch dự kiến đến năm 2030 khoảng 1 triệu hành khách/năm (được định hướng cải tạo dây chuyền để khai thác vượt công suất cho giai đoạn sau năm 2030); cấp sân bay 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới.
Nếu đem công suất sân bay Măng Đen so sánh với số khách du lịch theo quy hoạch thì chỉ đáp ứng 40% năm 2030 và 20% vào năm 2045.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến cho Cảng hàng không Măng Đen ước tính giai đoạn đầu gần 5.000 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho công tác giải phóng 330 tỷ đồng (chiếm 6,6%); vốn của nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP) khoảng hơn 4.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 93,4%.
Dự kiến, thời gian hoàn vốn cho dự án Cảng hàng không Măng Đen trong khoảng hơn 48 năm.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định rằng vấn đề lớn trong quy hoạch sân bay hiện nay không chỉ nằm ở việc quy hoạch sân bay Măng Đen mà là cả mạng lưới cảng hàng không trên toàn quốc. Tư duy quy hoạch dường như ưu tiên xây dựng sân bay ở nhiều địa phương mà thiếu sự cân nhắc về hiệu quả khai thác, dẫn đến tình trạng đua nhau xây sân bay lớn. Điều đáng lo ngại là mạng lưới này tập trung chủ yếu vào các sân bay lớn, phục vụ tàu bay lớn, trong khi các sân bay nhỏ và tàu bay nhỏ bị bỏ quên.
Ngoài một số sân bay gần đô thị lớn hoạt động hiệu quả, nhiều sân bay tỉnh có lượng khách ít, hiệu quả khai thác thấp, buộc Nhà nước phải bù lỗ.
Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Thiện Tống đề xuất đầu tư vào mạng lưới sân bay nhỏ, sử dụng tàu bay nhỏ làm vệ tinh cho các sân bay lớn. Ông cũng nhấn mạnh rằng trước khi quy hoạch sân bay mới, Cục Hàng không và Bộ Giao thông vận tải cần đưa ra các cơ sở rõ ràng, dựa trên nhu cầu thực tế và tiềm năng khai thác.
Ông Tống cho rằng một hướng đi khả thi là xây dựng các sân bay nhỏ làm trung chuyển cho sân bay lớn trong vùng.
Khu vực Tây Nguyên hiện có các sân bay lớn như Buôn Ma Thuột, Liên Khương và Pleiku. Du khách muốn đến Măng Đen có thể bay từ Hà Nội, TP.HCM hoặc các điểm đến khác đến những sân bay này, sau đó tiếp tục hành trình bằng máy bay nhỏ trong chặng ngắn, phục vụ nhu cầu du lịch.
Việc sử dụng máy bay nhỏ có trần bay thấp không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải mà còn mang đến trải nghiệm du lịch ngắm cảnh từ trên không. Nhờ đó, quy mô đầu tư vào sân bay Măng Đen không cần quá lớn, giúp giảm diện tích đất cần sử dụng và tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác.
Ngoài ra, loại hình máy bay nhỏ với khả năng khai thác linh hoạt còn phù hợp cho các nhiệm vụ công vụ và cấp cứu y tế. Theo tính toán, nếu áp dụng mô hình này, sân bay Măng Đen chỉ cần khoảng 100ha đất thay vì 350ha, và vốn đầu tư sẽ giảm xuống còn 1/3 so với phương án hiện đang đề xuất.
Phương án phát triển sân bay nhỏ làm vệ tinh không chỉ áp dụng cho Tây Nguyên mà còn có thể triển khai hiệu quả ở các vùng khác:
Miền Bắc: Xây dựng sân bay Nội Bài làm trung tâm, kết nối với các sân bay nhỏ khai thác tàu bay nhỏ ở khu vực vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc để trung chuyển hành khách về Hà Nội.
Miền Trung: Phát triển hệ thống sân bay vệ tinh hỗ trợ sân bay lớn như Đà Nẵng và Cam Ranh.
Miền Nam: Xây dựng mạng lưới sân bay nhỏ quanh sân bay Tân Sơn Nhất và Cần Thơ, tăng cường khả năng kết nối và giảm tải cho các sân bay lớn.
Việc này sẽ tối ưu hóa hiệu quả khai thác vận tải hàng không, tránh cuộc đua xây dựng sân bay không cần thiết ở mỗi tỉnh như hiện nay.
Phối cảnh Cảng hàng không Măng Đen. Ảnh minh họa |
Theo đề án nghiên cứu đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng, sân bay Măng Đen dự kiến được xây dựng tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Khu vực quy hoạch nằm hoàn toàn trên địa hình đồi núi, với tổng diện tích khoảng 350ha. Dự án này dự kiến cần khoản đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng, với nguồn vốn chủ yếu được huy động từ các nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Theo thông tin khảo sát của TTO, khu vực quy hoạch sân bay hiện là vùng rừng trồng sản xuất, không có khu dân cư sinh sống, và đang thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Kon Plông. |