Tin giả, mặt trái của mạng xã hội
Với hơn 10 năm xuất hiện ở Việt Nam và cộng đồng người sử dụng lên tới 61 triệu, Facebook đang là mạng xã hội số gây ảnh hưởng rất lớn tới muôn mặt đời sống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, đi đôi với những giá trị tích cực mà mạng xã hội này đem lại, mặt tiêu cực cũng dần bộc lộ một cách rõ ràng hơn, gây tác động xấu tới xã hội, tiêu biểu trong số này là nạn tin giả, tin sai sự thật.
Độc giả cần lưu ý khi có thông tin giả trên Facebook. Ảnh: Thanh Hải |
Khi mạng xã hội bị lợi dụng
Giống nhiều quốc gia khác, Facebook có mặt ở Việt Nam cũng là lúc tin giả được sinh ra. Ban đầu các thông tin dạng này chỉ nhằm mục đích câu like cũng như gây ra sự chú ý của cộng đồng dành cho người đưa tin hoặc được xem như một phương pháp hữu hiệu nhằm tăng lượng tương tác để quảng cáo hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng. Tuy nhiên, theo thời gian, tin giả lại được sử dụng vào những hành động tiêu cực hơn như đả kích cá nhân, gây hoang mang dư luận thậm chí là nhằm xuyên tạc chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tiêu biểu trong thời gian gần đây, lợi dụng các sự kiện như dịch tả lợn châu Phi và thịt lợn nhiễm sán, một số tài khoản Facebook đã đăng tải các thông tin sai sự thật và đã phải nhận những mức phạt hành chính đích đáng từ phía cơ quan quản lý. Và lý do được các chủ tài khoản này biện minh cho hành động của mình cũng hết sức "ngô nghê" như nghe người khác nói nên đăng tin hoặc tạo sự chú ý nhằm bán hàng online. Một điểm chung nữa giữa các chủ tài khoản kể trên là không hề kiểm chứng thông tin mà mình đã đăng tải có chính xác hay không thông qua các kênh tin tức chính thống.
Không chỉ người dùng phổ thông, nhiều DN cũng khốn đốn vì nạn tin giả bủa vây. Pepsi Việt Nam là một trong những DN thấm thía tình trạng này nhất khi liên tục trở thành nạn nhân vào các năm 2016 và 2018. Mặc dù các thông tin tiêu cực như vậy đều được các cơ quan chức năng bác bỏ nhưng tốc độ lan truyền của chúng vẫn ở mức chóng mặt khi chỉ trong vòng 6 ngày đã có tới hơn 65.000 lượt chia sẻ cũng như gần 94.000 lượt tiếp cận. Không chỉ thiệt hại lớn về doanh thu mà sau mỗi lần gặp phải tin giả, DN cũng tốn rất nhiều chi phí cùng thời gian để lấy lại hình ảnh trong mắt người dùng.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn, tin giả cũng là một công cụ đắc lực để các cá nhân bất mãn và thế lực thù địch sử dụng nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Đáng nói, mặc dù những tài khoản Facebook nói trên như Việt Tân, Dân làm báo... đều đăng tải các thông tin sai sự thật, không có kiểm chứng nhưng luôn nhận được sự chia sẻ, lan truyền của không ít người dùng có nhận thức kém về độ xác thực của thông tin. Mới đây nhất, Lê Minh Thể (Cần Thơ) đã bị lĩnh án 2 năm tù do hành vi thường xuyên livestream tuyên truyền, nói xấu Đảng và Nhà nước, phá hoại sự đoàn kết Nhân dân.
Không thể hồn nhiên "like và share"
Cần lưu ý, từ 1/1/2019, Luật An ninh mạng đã chính thức có hiệu lực, đi kèm với đó tung tin giả, tin sai sự thật là một trong những hành vi bị cấm, tùy theo tính chất có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí là phạt tù. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng lớn người dùng Facebook tại Việt Nam không nắm được quy định pháp luật này và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tin giả có thể được lan truyền một cách chóng mặt trên môi trường mạng xã hội.
Theo luật sư Nguyễn Thúy Kiều (Đoàn Luật sư Hà Nội), sở dĩ thông tin giả, tin sai sự thật có "đất sống" trên Facebook là do sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dùng. Mặc dù các thông tin dạng này được chia sẻ trên thế giới ảo nhưng với quy định trong các bộ luật dân sự, hình sự, đặc biệt là Luật An ninh mạng thì trách nhiệm của người đăng tải, lan truyền sẽ là thật.
Tại Điều 8 và 9 Luật An ninh mạng đã nêu rõ: Nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác trên không gian mạng. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Do đó người dùng mạng xã hội cần phải thận trọng trước những thông tin mình nhận được, nên xác minh lại tính chính xác trước khi chia sẻ lên không gian mạng. Trong đó đặc biệt chú ý tới những thông tin có khả năng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức hoặc an ninh quốc gia. Điều này là rất cần thiết bởi đã có không ít trường hợp bị phạt hành chính cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự vì đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng, luật sư Nguyễn Thúy Kiều cảnh báo.
Có cùng quan điểm, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, đối với nhiều người dùng Việt, Facebook đang là kênh chính giúp theo dõi thông tin về cuộc sống. Và một xu hướng của không ít người là thích chia sẻ những câu chuyện trên mạng có nội dung gây sốc hoặc có thể thu hút sự chú ý từ những người dùng khác. Rồi thêm một người vào đọc và tin tức tiếp tục được lan truyền, thậm chí nhiều người còn mặc định tin vào nội dung mà họ chia sẻ là đúng thay vì kiểm tra lại từ các nguồn chính thống.
Cũng cần chú ý, chính sự "hồn nhiên" chia sẻ các thông tin giả rất dễ khiến người thực hiện vướng phải những rắc rồi không cần thiết, đặc biệt là về mặt pháp lý. Đã có nhiều ví dụ nhãn tiền về những hậu quả dạng này do bắt nguồn từ tính "vô tư" của người dùng mạng xã hội. Vì vậy, trước các thông tin trên Facebook, người dùng nên "like và share có ý thức" -ông Nguyễn Ngọc Sơn đưa ra lời khuyên.
(Còn tiếp)
Hà Thanh