![]() |
Meta đe dọa dừng hoạt động Facebook và Instagram tại Nigeria |
Theo France24, Meta đã đưa ra cảnh báo về việc có thể buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ Facebook và Instagram tại Nigeria nhằm “giảm thiểu rủi ro” từ các biện pháp cưỡng chế thi hành án phạt. Động thái này được đưa ra sau khi một tòa án tại Nigeria chính thức bác đơn kháng cáo của Meta đối với khoản tiền phạt 220 triệu USD do Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng Liên bang Nigeria (FCCPC) áp đặt.
FCCPC vào năm ngoái đã từng phạt Meta Platforms 220 triệu USD. Khoản phạt trên bắt nguồn từ kết quả điều tra của FCCPC và Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Nigeria (NDPC), được tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng 5.2021 đến tháng 12.2023. Khoản tiền phạt cũng là kết quả của các cuộc điều tra cho thấy việc chia sẻ dữ liệu trên các nền tảng mạng xã hội của Meta đã vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư tại Nigeria.
FCCPC cho biết Meta đã sử dụng dữ liệu của người dùng Nigeria trên các nền tảng của mình mà không có sự đồng ý của họ. Hành động này bị cáo buộc là lạm dụng vị thế thống trị thị trường của Meta, bằng cách áp đặt các chính sách quyền riêng tư bất lợi cho người dùng và phân biệt đối xử với người dân Nigeria so với người dùng ở các khu vực khác.
Trong tài liệu đệ trình lên tòa phúc thẩm, Meta nêu rõ công ty “có thể buộc phải đóng cửa các dịch vụ Facebook và Instagram tại Nigeria” để tránh những tác động tiêu cực từ biện pháp cưỡng chế. Phía Meta cho rằng quyết định xử phạt này “không tính đến các công cụ và cài đặt hiện có cho phép người dùng kiểm soát cách dữ liệu cá nhân của họ được thu thập và sử dụng”.
Người phát ngôn của Meta khẳng định công ty vẫn cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và đang tiếp tục theo đuổi các biện pháp pháp lý nhằm kháng cáo quyết định xử phạt. Trong khi đó, đại diện của WhatsApp cho rằng kết luận của FCCPC “gây hiểu lầm về cách thức hoạt động” của nền tảng này và cũng đang nỗ lực kháng cáo để bảo vệ lợi ích người dùng tại Nigeria.
Tuy nhiên, phía FCCPC đã phản bác gay gắt cảnh báo của Meta, gọi đó là “một động thái có tính toán nhằm thao túng dư luận và gây áp lực khiến ủy ban phải thay đổi quyết định”. Cơ quan này lưu ý rằng Meta từng bị xử phạt vì các vi phạm tương tự tại Texas (Mỹ), Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp và Australia, nhưng chưa từng đe dọa rút khỏi các thị trường đó. “Việc đe dọa rời khỏi Nigeria không miễn trừ trách nhiệm pháp lý của Meta trong khuôn khổ tố tụng,” FCCPC nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Ủy ban Truyền thông Quốc gia Nigeria, tính đến tháng 3.2025, nước này có khoảng 164,3 triệu thuê bao Internet. Facebook, WhatsApp và Instagram hiện là những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất tại Nigeria.
FCCPC cho biết hạn chót để Meta nộp khoản phạt 220 triệu USD là vào cuối tháng 6.2025. Vụ việc hiện vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế, đặt ra câu hỏi lớn về ranh giới giữa quyền quản lý dữ liệu quốc gia và ảnh hưởng của các “ông lớn” công nghệ toàn cầu.
Trong một động thái khác, mới đây nhất, Meta cũng bị Ủy ban châu Âu (EC) phạt 200 triệu euro (230 triệu USD) vì mô hình "đồng ý hoặc trả tiền" được giới thiệu vào tháng 11/2023. Theo mô hình này, người dùng Facebook và Instagram tại EU phải chọn giữa việc đồng ý cung cấp dữ liệu cho quảng cáo, hoặc trả phí để sử dụng dịch vụ không quảng cáo. EC đánh giá điều này không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA). Các quan chức EU vẫn đang đánh giá phiên bản mới của mô hình miễn phí với quảng cáo cá nhân hóa mà Meta giới thiệu vào tháng 11/2024.
Meta dự kiến kháng cáo lên Tòa án Công lý châu Âu. Giám đốc phụ trách vấn đề toàn cầu của Meta Joel Kaplan, cho rằng EC đang "cố gắng gây trở ngại cho những công ty Mỹ thành công" trong khi cho phép công ty Trung Quốc và châu Âu hoạt động theo tiêu chuẩn khác.