![]() |
Bộ Tài chính đề nghị Meta lập văn phòng đại diện tại Việt Nam |
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ tham dự chương trình đầu tư SelectUSA 2025, đoàn công tác Bộ Tài chính Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ và làm việc với đại diện cấp cao của Tập đoàn Meta, nhằm thúc đẩy hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời đề nghị Meta nhanh chóng xác định hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Cụ thể, tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, với quy mô doanh thu đáng kể tại Việt Nam, Meta cần sớm nghiên cứu và triển khai việc thiết lập hiện diện thương mại chính thức, thông qua thành lập doanh nghiệp hoặc văn phòng đại diện. Đây là bước đi phù hợp với xu thế phát triển và là cơ sở để tăng cường kết nối chính sách, thúc đẩy hợp tác công nghệ cao giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu mở và thiết bị thực tế ảo.
Ông Minh cũng cho biết, cuối năm 2023, Meta cùng một số nhà cung cấp nước ngoài đã nộp hồ sơ đề nghị áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Ireland đối với hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, ông đề nghị Meta cần tiếp tục bổ sung thông tin để đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời làm rõ cơ sở pháp lý liên quan trong bối cảnh hoạt động thương mại của Meta ngày càng mở rộng tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, bà Đào Thanh Hương – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) – khẳng định, Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ số, đổi mới sáng tạo – những lĩnh vực mà Meta có thế mạnh. Bà bày tỏ mong muốn Meta sớm thiết lập hiện diện thương mại tại Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đồng thời khẳng định cam kết lâu dài với thị trường.
Theo bà Hương, việc nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Intel, Apple đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam là minh chứng cho môi trường chính sách ổn định, đáng tin cậy và thuận lợi. Điều này mở ra cơ hội cho Meta mở rộng hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Về phía Meta, bà Molly Montgomery - Giám đốc Chính sách công phụ trách thị trường Mỹ - ghi nhận các đề xuất từ phía Việt Nam và cho biết công ty sẽ có nghiên cứu, đề xuất cụ thể trong thời gian tới. Bà đánh giá Việt Nam là thị trường ngày càng quan trọng, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà máy sản xuất toàn cầu đang chuyển dịch về đây. Meta cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến thuế quan với Chính phủ Mỹ.
“Chính sách ổn định và rõ ràng là điều kiện tiên quyết để Meta và các tập đoàn công nghệ toàn cầu yên tâm mở rộng đầu tư”, bà Montgomery nói và cho rằng cần tăng cường đối thoại giữa chính phủ với chính phủ, cũng như giữa chính phủ với doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác thực chất.
Ở góc độ đổi mới sáng tạo, ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) – cho biết, Việt Nam đang triển khai nhiều hành động cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ cao và ngành bán dẫn. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 182 về thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, với trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực AI, công nghệ cao và bán dẫn. Hạ tầng phục vụ phát triển AI cũng đang được đầu tư mạnh mẽ.
Ông cũng nhắc lại chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến trụ sở Meta trong năm 2023, tại đó hai bên đã đề cập đến các yếu tố nền tảng để phát triển AI tại Việt Nam gồm hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực. Đến nay, theo ông Hoài, Việt Nam đã sẵn sàng cho cả ba yếu tố này, tạo điều kiện thuận lợi để Meta phát triển hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam trong thời gian tới.