Rau quả tiền triệu "Made in Vietnam"

00:00 12/10/2020

Nhiều loại rau quả quý đã được trồng thành công ở Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế cao.

Những ai mê nấm mối - loài nấm trước đây chỉ mọc tự nhiên ở những nơi nhiều cây - giờ đây có thể thưởng thức thực phẩm đắt đỏ này quanh năm. Theo Hội Nông dân TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 10 cơ sở trồng được nấm mối, bán ra cả triệu đồng/kg nhưng vẫn luôn cháy hàng.

Nấm mối không còn là “quà trời cho”

Nấm mối ngon miệng, lại giàu giá trị dinh dưỡng nhưng chỉ xuất hiện trong khoảng hơn 1 tháng đầu mùa mưa nên được nông dân coi là “quà trời cho”. Ông Lê Thanh Liêm, Chủ Nông trại Nấm Quê Hương (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh), được coi là người tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ nghiên cứu ra mô hình trồng nấm mối nhân tạo. Hiện nay, nông trại cung cấp phôi nấm cho tất cả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho đến tỉnh Quảng Ngãi và đang hướng phát triển mô hình ra các tỉnh phía Bắc. Mỗi tháng, nông trại bán được từ 20.000-25.000 bịch phôi nấm.

Ông Liêm cho biết: “Trồng 50 m2, vốn đầu tư khoảng 150 triệu đồng, mỗi tháng thu hoạch mang về lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Muốn trồng nấm mối trước hết phải có nhà trồng mẫu, khu sản xuất, đóng phôi, phòng vô trùng, việc xây dựng nhà trồng nấm mối phải bảo đảm đúng kỹ thuật, phải có lưới chống côn trùng xâm nhập, phải bảo đảm độ ẩm, nước sạch...”.

Ảnh: TL

Ảnh: TL.

Khu nhà trồng mẫu của Nông trại Quê Hương hiện có hơn 8.000 phôi và phân phối phôi nấm cho người trồng, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho họ. Trung bình mỗi bịch phôi sau 20-25 ngày nuôi trồng sẽ cho ra 300 gram nấm, thu hoạch liên tục sau 3 tháng thì thay phôi mới. Mỗi ngày nông trại cung cấp hơn 50 kg nấm cho hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch và các nhà hàng khu vực TP.HCM.

Dù đã sở hữu 4 trang trại nấm hữu cơ, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nấm Thảo Nguyên Xanh (quận 9, TP.HCM) chỉ dám đầu tư thử nghiệm 50 m2 nhà sản xuất nấm mối do chi phí sản xuất quá cao. Thay vì sử dụng máy làm lạnh như trồng các loại nấm khác, Hợp tác xã dùng tấm cách nhiệt, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và hệ thống điều khiển trung tâm để trồng nấm mối, chi phí cho 50 m2 nhà xưởng tốn khoảng 100 triệu đồng.

 

Tại xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), ông Trần Văn Tấn cũng đầu tư trại nấm mối 200 m2 với chi phí 750 triệu đồng. Mỗi  ngày ông Tấn thu gần 20 kg nấm mối. “Nấm mối khá khó trồng. Để đạt các yêu cầu về chất lượng, sản lượng, cần phải đầu tư nghiêm túc. Với nông dân, đây là một khoản đầu tư khá lớn, rủi ro không nhỏ, dù doanh thu từ trại nấm mối hằng ngày khá cao, sản lượng hiện không đủ cung cấp cho thị trường”, ông nói.

Trên địa bàn xã Nhơn Đức có 3 cơ sở sản xuất nấm mối với sản lượng gần 100 kg/ngày. Hợp tác xã Thảo Nguyên Xanh thu được khoảng 10 kg nấm mối mỗi ngày. Hằng ngày Hợp tác xã phải mua thêm nấm mối từ các trang trại vệ tinh mới đủ cung cấp cho thị trường. Nấm mối được Hợp tác xã bán với giá từ 400.000-450.000 đồng/kg.

Trái cây ngoại quý hiếm được "nội địa hóa"

Vỏ ngoài trắng điểm xuyết chấm đỏ, hương vị thơm ngọt đặc biệt, loại dâu tây trắng này được gọi là dâu tây Bạch Tuyết, xuất xứ từ Nhật. Đây là loại dâu thơm ngon, quý hiếm nhất thế giới đã được trồng thành công tại Đà Lạt. Hiện giống dâu này có giá bán lên tới cả triệu đồng mỗi kg tại vườn.

Hơn 1 năm trước, Trang trại Hoa Thắng Thịnh ở phường 7, Đà Lạt đã làm việc với các đối tác từ Nhật để chuyển giao nguồn cây giống dâu Bạch Tuyết, hay còn gọi là dâu anh đào thuần chủng từ Nhật xách tay về Việt Nam trồng thử nghiệm. Đến nay, giống dâu tây này đã cho trái và chất lượng tương đương hàng nhập từ Nhật. Dâu tây Bạch Tuyết được trồng trong nhà kính, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về an toàn sinh học.

Theo đại diện Trang trại Hoa Thắng Thịnh, so với các giống dâu khác, chi phí để trồng và chăm sóc loại dâu này gấp 20 lần, trong khi sản lượng dâu chỉ bằng 10-15%. Tùy kích cỡ mà giá bán lẻ mỗi kg dâu Bạch Tuyết dao động từ 800.000-1.000.000 đồng/kg tại vườn. Khách hàng muốn thưởng thức loại dâu này phải đặt trước 1-2 ngày. Từ khi cây bắt đầu cho trái đến nay, trung bình mỗi ngày trang trại chỉ xuất ra thị trường khoảng 5 kg dâu tây Bạch Tuyết.

 

Cũng tại trang trại này, giống nho đen Mỹ và giống nho sữa Hàn Quốc không hạt được nhập về sản xuất từ cuối năm 2018. Kể từ đầu tháng 5.2020, giống nho Mỹ trên diện tích 2.000 m2 đã bước vào thu hoạch mỗi ngày từ 50-60 kg, giá bán mỗi kg từ 300.000 đồng trở lên. Còn 1.000 m2 diện tích giống nho sữa Hàn Quốc chính thức thu hoạch từ cuối tháng 6.2020, mỗi ngày đạt sản lượng trên dưới 20 kg. Dự kiến từ vụ thu hoạch năm thứ 2 trở đi, nho đen Mỹ và nho sữa Hàn Quốc sẽ tăng năng suất từ 20% trở lên.

Cũng ở Đà Lạt, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sinh học sạch (Bio Fresh) với trang trại hoa, trái tại hồ Than Thở hiện sở hữu các loại giống dâu tây, phúc bồn tử và hàng chục giống hoa và cây ăn trái quý hiếm. Tất cả là để đầu tư nhân rộng trong Khu du lịch canh nông dưới tán rừng ở Thái Phiên, Đà Lạt, quy mô khoảng hơn 20 ha.

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, chủ nhân trang trại, cho biết các loại cây trồng giá trị kinh tế cao ở đây được nhập từ châu Âu, Mỹ đưa về khảo nghiệm qua 10 năm ở các vùng sinh thái thuộc huyện Lạc Dương và Đà Lạt, sau đó chọn tạo từng loại giống cây tương ứng với quy trình kỹ thuật sản xuất hiệu quả nhất, đặc biệt hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học trong quá trình canh tác. Trang trại còn nhân giống khoảng 10.000 cây sung Mỹ, hàng ngàn cây Kiwi mua về từ Úc cùng hàng trăm cây giống giá trị cao khác nhập từ châu Âu, tất cả đang trong thời kỳ “thuần hóa” sinh trưởng thích nghi với môi trường sinh thái mới.

Cẩm Tú