Tập trung hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 Ngành công nghiệp hóa dược trước mục tiêu tăng trưởng 8 - 11%/năm |
Theo chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 14/2, sau khi thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước thì các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Thời gian qua, Trung ương, Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025 và hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
![]() |
Quốc hội thảo luận về mục tiêu tăng trưởng 8% (Ảnh: Quochoi.vn) |
Trước đó, sáng 12/2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Để làm rõ hơn về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, nhằm cung cấp những phân tích sâu sắc về các chỉ tiêu tăng trưởng quan trọng này.
Thưa ông, liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 không?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Mục tiêu đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2025 là một thách thức không nhỏ, nhưng không phải là điều bất khả thi. Để đạt được con số này, Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội quốc tế, đặc biệt là khi nền kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi. Nếu những tín hiệu tích cực từ kinh tế toàn cầu tiếp tục, cộng với việc nâng cao hiệu quả của các chính sách nội bộ, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng từ 7,3% đến 7,8%, một mức tăng trưởng khả quan và rất gần với mục tiêu.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít yếu tố cần phải đối mặt. Nếu lạm phát cao tiếp tục là vấn đề lớn và tình hình thương mại quốc tế bất ổn, chúng ta có thể gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng ở mức cao. Trong trường hợp này, tăng trưởng có thể chỉ dừng lại ở mức 6,8% đến 7,3%, không đạt được kỳ vọng ban đầu.
Nhưng nếu nền kinh tế Việt Nam có thể linh hoạt và nắm bắt được các cơ hội, đồng thời giảm thiểu được những thách thức, thì mục tiêu 8% là hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí có thể vượt qua mức này, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.
Vậy theo ông, những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 8% ?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Một yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 chính là tình hình kinh tế thế giới và lạm phát. Nếu nền kinh tế toàn cầu ổn định và duy trì mức tăng trưởng tích cực, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tận dụng những xu hướng thuận lợi này. Điều này sẽ giúp quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng nội địa, cũng như thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc tận dụng tốt những cơ hội này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế, không chỉ góp phần vào tăng trưởng GDP mà còn thúc đẩy các ngành nghề và doanh nghiệp trong nước phát triển.
Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn hoặc có những biến động lớn như khủng hoảng tài chính, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng hoặc lạm phát gia tăng, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng sẽ gặp không ít khó khăn. Những yếu tố này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành xuất khẩu, làm giảm hiệu quả tiêu dùng trong nước, cũng như có thể hạn chế khả năng thu hút đầu tư từ nước ngoài. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng sẽ trở nên khó khăn hơn, và Việt Nam sẽ phải tìm kiếm những biện pháp điều chỉnh phù hợp để đối phó với tình hình.
Ngoài ra, một yếu tố không kém phần quan trọng để hỗ trợ sự tăng trưởng là cải cách thể chế và tinh gọn bộ máy nhà nước. Việc thực hiện các cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và giảm thiểu các thủ tục hành chính sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế. Tinh gọn bộ máy nhà nước không chỉ giúp giảm chi phí hành chính, mà còn tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới và nâng cao năng suất lao động trong nền kinh tế. Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, đồng thời cũng góp phần tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
![]() |
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính |
Thứa ông, nền kinh tế Việt Nam cần cải cách gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng này?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới, Việt Nam cần thực hiện một cuộc cải cách mạnh mẽ và toàn diện về hệ thống pháp lý cũng như cơ chế quản lý. Một trong những yêu cầu quan trọng là tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Việc giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh nguồn lực đầu tư công, đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các dự án trọng điểm, để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, cần phải được thiết kế linh hoạt và dễ tiếp cận, khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam. Việc phát triển thị trường xuất khẩu cũng cần được ưu tiên, nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam ra toàn cầu.
Cuối cùng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, việc cải cách các quy định pháp lý và hoàn thiện hệ thống chính sách là điều kiện tiên quyết. Những thay đổi này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản hành chính, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định và vững mạnh.
Vậy cộng đồng doanh nghiệp cần làm gì để góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2025?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Doanh nghiệp cần tập trung vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh quá trình số hóa nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, các chiến lược tiếp thị mạnh mẽ như khuyến mãi, quảng bá sản phẩm, và chăm sóc khách hàng sau bán hàng cần được đẩy mạnh để không chỉ gia tăng độ nhận diện mà còn thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn "xanh" không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu lớn đến các thị trường khó tính, nơi yêu cầu sản phẩm phải đạt chất lượng và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cao. Các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng với xu hướng này để không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững mà còn đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước.
Xin cảm ơn ông !