Bài liên quan |
Doanh nghiệp ngành công nghiệp hóa dược: Gian nan tìm hướng phát triển |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định 270/QĐ-TTg ngày 13/2/2025, phê duyệt "Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Chương trình đặt ra mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp hóa dược trong nước, từng bước nâng cao tỷ lệ sản xuất và sử dụng nguyên liệu nội địa, đồng thời gia tăng xuất khẩu các sản phẩm hóa dược nhằm đóng góp vào chiến lược phát triển ngành hóa chất và dược phẩm của Việt Nam.
Đến năm 2030, ngành công nghiệp hóa dược phải đáp ứng 20% nhu cầu nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước, cung cấp 50% nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm nội địa, đồng thời đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10% mỗi năm đối với các sản phẩm hóa dược thiên nhiên như dược chất, cao định lượng và tinh dầu giàu hoạt chất.
Xa hơn, đến năm 2045, ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam cần vươn lên thành một ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, có khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành dược phẩm toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng sản xuất đạt từ 8 - 11% mỗi năm.
![]() |
Ngành công nghiệp hóa dược trước mục tiêu tăng trưởng 8-11%/năm |
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, chương trình tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thu hút đầu tư phát triển ngành hóa dược, bảo đảm ưu đãi tối đa về thuế, đất đai, tài chính cho các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp trong nước cũng như các tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hóa dược theo phương pháp tổng hợp hóa học và sinh tổng hợp hóa học. Việc đầu tư vào chiết tách, tinh chế các sản phẩm hóa dược thiên nhiên theo chuỗi giá trị khép kín, từ nuôi trồng, khai thác dược liệu đến sản xuất và phân phối sản phẩm, cũng được đặc biệt quan tâm. Một nhiệm vụ quan trọng khác là xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất nguyên liệu hóa học thiết yếu, đặc biệt là hóa chất cơ bản và các sản phẩm từ dầu mỏ phục vụ cho ngành hóa dược.
Song song với đó, chương trình nhấn mạnh vai trò của khoa học - công nghệ và đào tạo nhân lực. Việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm hóa dược chất lượng cao có thể thay thế hàng nhập khẩu sẽ được đẩy mạnh. Doanh nghiệp dược và hóa dược được khuyến khích trích lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ để đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Cùng với đó, ngành cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế nhằm thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài cũng như người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển ngành công nghiệp hóa dược tại Việt Nam.
Ngoài ra, cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp cũng là những giải pháp quan trọng. Chương trình đặt mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm hóa dược, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký sáng chế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm mới. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký lưu hành sản phẩm và thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc được sản xuất từ nguyên liệu hóa dược trong nước.
Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn 2045 không chỉ nhằm hiện đại hóa ngành công nghiệp này mà còn góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất nội địa, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa ngành hóa dược Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, hiện đại và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.