Nông sản ùn ứ vì xuất tiểu ngạch

00:00 12/10/2020

Những mặt hàng chỉ xuất khẩu qua đường biên mậu sẽ gặp nhiều khó khăn khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát biên giới, đôi khi chỉ một động thái nhỏ từ phía họ cũng đủ khiến cho cả ngành hàng nông sản của Việt Nam lao đao, lâm cảnh “mất giá”.

Những ngày vừa qua, thông tin hàng trăm xe container chở thanh long không thể thông quan sang thị trường Trung Quốc một lần nữa cho thấy mức độ phụ thuộc của nông sản vào thị trường này qua đường tiểu ngạch.

Rủi ro từ buôn bán tiểu ngạch

Lý giải nguyên nhân hàng trăm xe container ùn ứ ở cửa khẩu, ông Trần Anh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu tỉnh Lào Cai, cho biết là do doanh nghiệp (DN) đầu mối phía Trung Quốc trong quá trình làm thủ tục thông quan cho xe thanh long của Việt Nam đã xảy ra vi phạm nên vô hình trung một số lô đầu kéo liên quan đến DN vi phạm kia bị liệt vào danh sách hạn chế không được qua biên giới.

Đúng thời điểm thanh long chín rộ nên số xe vận tải loại quả này từ các tỉnh miền trong đổ về nhiều đột biến khiến cửa khẩu trở nên quá tải chứ không phải do phía Trung Quốc siết chặt kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đơn vị này đã cử cán bộ tìm kiếm và được biết một số cầu cân phía bên Trung Quốc bị hỏng khiến thời gian thông quan bị chậm lại. Mặt khác, vừa qua, phía Trung Quốc phát hiện một số cán bộ hải quan của họ tiếp tay cho buôn lậu. Chẳng hạn, xe chở thanh long nhưng lại tuồn thêm hàng khác trong xe đó.

Năm 2018, số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy có tới 90% sản lượng thanh long của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Điều đó dẫn tới khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát thương mại biên giới, ngành hàng thanh long sẽ gặp khó. Trong tháng 6, giá thanh long chính vụ mua tại vườn ở Bình Thuận đạt mức kỷ lục 30.000 đồng/ kg, nhưng sau đó giảm xuống mức 14.000 – 16.000 đồng/kg.

Hơn nữa, Bộ NN&PTNT cũng cho biết với tổng sản lượng nhập khẩu chiếm 70 – 80% thị phần, Trung Quốc là thị trường XK nông sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, có tới 60 – 70% nông sản Việt Nam XK sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch khiến giá trị nông sản XK thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, cho hay sở dĩ Việt Nam mới chỉ có 9 loại trái cây được XK chính ngạch sang Trung Quốc vì chúng ta vẫn coi đây là thị trường dễ tính, trong khi quốc gia láng giềng với Việt Nam là Thái Lan đã có 23 loại rau quả xuất chính ngạch vào Trung Quốc. Đây là điều bất lợi cho DN Việt nếu muốn đẩy mạnh XK vào Trung Quốc.

Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn cũng nhận định làm ăn với Trung Quốc, đa phần các DN có tư tưởng thích buôn bán tiểu ngạch, thủ tục đơn giản. Xưa nay, DN thường đưa hàng hóa thâm nhập vào tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (những tỉnh giáp biên giới, buôn bán qua lối mở, đường mòn) mà bỏ qua thị trường ở điểm cuối – đầu của chuỗi giá trị, đầu vào cho các nhà máy chế biến ở các tỉnh Thâm Quyến, Thượng Hải, nơi thu được nhiều giá trị nhất.

Thách thức tiêu chuẩn chất lượng

Bởi vậy, theo ông Sơn, cần thiết phải đẩy mạnh XK nông sản sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, trong đó Nhà nước cần định ra hệ thống về mã số vùng trồng để phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Mặt khác, để hạn chế sự thao túng của thương lái, ông Sơn cũng cho rằng nói đến thương mại trước hết phải nói đến DN, doanh nhân. Song đội ngũ DN, doanh nhân của Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp quá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN, đã thế lại phân tán, yếu và thiếu liên kết. Chưa kể, đội ngũ nông dân cũng sản xuất theo kiểu tiểu nông, manh mún.

Do vậy, nông dân cần liên kết lại với nhau trong các tổ hợp tác, hợp tác xã, DN phải gắn kết với nhau trong các hiệp hội. Giữa nông dân và DN phải liên kết trong một chuỗi giá trị. “Chúng ta phải sắp xếp một đội ngũ như thế thì mới có thể nói đến tiêu chuẩn và thương hiệu, năng lực cạnh tranh. Đây cũng là yếu tố quyết định sống còn việc chúng ta có thể đứng vững hay không”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nếu nông sản Việt Nam muốn chắc chân tại thị trường Trung Quốc, nhà sản xuất cũng như các DN XK của Việt Nam cần khẳng định chất lượng, hiểu và tuân thủ các quy định nhập khẩu của quốc gia này.

Tuy nhiên từ thực tế, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho hay nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Nguyên nhân của tình trạng này là công nghệ trước và sau thu hoạch còn lạc hậu. Việc tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu marketing, phân phối, tiêu thụ còn hạn chế.

“Vấn đề là nông sản Việt Nam chưa có một đơn vị, cá nhân hay cơ quan chủ quản nào đứng ra để có thể xây dựng thương hiệu dưới một cái tên riêng nào đó của Việt Nam. Ngoại trừ ngành lúa gạo, năm 2018, Bộ NN&PTNT đang chủ trì xây dựng thương hiệu gạo quốc gia”, đại diện này cho hay.

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết có đến hơn 80% hàng nông sản của Việt Nam được bán ra thị trường thế giới thông qua thương hiệu nước ngoài. Điều này chính là nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam khó cạnh tranh với các mặt hàng tương tự, ngay cả khi đã XK chính ngạch sang Trung Quốc.

Bộ NN&PTNT cũng nhận định những khó khăn gặp phải khi XK chính ngạch sang Trung Quốc là việc nâng cao nhận thức (người sản xuất, người phân phối, cơ quan quản lý, DN, hiệp hội ngành hàng) để sản xuất theo thị trường, hàng hóa đạt chất lượng cao. Sản phẩm của nhiều địa phương vẫn chưa theo kịp thông lệ thị trường, quá trình canh tác, nuôi trồng còn tồn dư chất bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng để đẩy mạnh XK chính ngạch sang Trung Quốc, ngành nông nghiệp phải tái cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm chế biến. Các bộ ngành, DN cần phải đồng loạt chuyển động.

Lê Thúy