Ngày 10-10-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Với tinh thần ủng hộ, giúp đỡ và làm điểm tựa cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam, nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo động lực, luồng gió mới giúp doanh nghiệp (DN), doanh nhân Việt Nam phát triển, vươn ra thế giới.
Nghị quyết mới của Bộ Chính trị nhận được sự kỳ vọng lớn từ cộng đồng DN, nhờ những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển, phản ánh thực tế và nhu cầu của giới doanh nhân và xã hội.
Làn gió mát trong bối cảnh nóng
Ngày 9-12-2011, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết 09 đã tạo bước tiến rất lớn cho sự phát triển của doanh nhân, DN Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, môi trường chính sách có nhiều thay đổi. Sau hơn 1 thập kỷ, tình hình đất nước và thế giới có nhiều biến đổi, đặc biệt là quy mô kinh tế, sản xuất, kinh doanh của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, cần có một chủ trương, chiến lược mới để phát triển đội ngũ DN, doanh nhân.
So với Nghị quyết số 09, Nghị quyết 41 lần này đã có nhiều điểm mới. Theo TS.Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định: “Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41 diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã có nhiều kết quả tốt. Vậy vì sao một nghị quyết đang có hiệu quả tốt vậy, lại ban hành ra Nghị quyết 41. Có thể thấy rằng, sau hơn 10 năm, tình hình địa chính trị thế giới đã có nhiều chuyển dịch, rồi cả chiến tranh, dịch bệnh. Nghị quyết muốn đi vào cuộc sống phải dựa vào những gì cuộc sống đang diễn ra và dựa vào xu thế chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng. Những thành tố này thì tại thời điểm ban hành Nghị quyết 09 chưa trở thành xu thế bắt buộc các doanh nghiệp, cho nên Nghị quyết 41 ra đời để thích ứng với bối cảnh mới. Nếu như Nghị quyết số 09 ra đời trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì Nghị quyết 41 là trong thời kỳ mới” .
Trong Nghị quyết 09-NQ/TW cách đây hơn 10 năm, Bộ Chính trị xác định, đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mới đây, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Trong đó, Nghị quyết 41 nhấn mạnh đây là một trong những lực lượng “nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là một điểm rất mới.
Theo TS Tô Hoài Nam, muốn làm nòng cốt thì phải có 2 điều kiện cần, thứ nhất là phải có chất lượng và thứ 2 là đáp ứng số lượng. Tại Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu phải có 2 triệu DN và trong số đó phải khoảng 45% - 50% có hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, trong số đó phải xuất hiện 1 số doanh nghiệp có thương hiệu, không chỉ ở đất nước mà còn trên toàn cầu để làm nhiệm vụ dẫn dắt được các DN khác nhỏ hơn đi theo. “Muốn làm được nhiệm vụ dẫn dắt này ắt phải có văn hóa kinh doanh và lòng tự tôn dân tộc. Tôi nghĩ, đây là một thách thức không hề nhỏ”, TS Tô Hoài Nam chia sẻ.
Vui mừng trước việc Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 41 về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch VINASME kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam bày tỏ: “Đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng thì nghị quyết 41 này là làn gió mát ra mắt vào bối cảnh nóng, khơi gợi tinh thần của cộng đồng doanh nghiệp. Từ lúc có nghị quyết đến việc thực thi vẫn còn là một quãng đường dài nhưng ít nhất, Nghị quyết 41 đã chuyển đi thông điệp mạnh mẽ, chuyển từ tiếng nói của Chính phủ đến cộng đồng doanh nghiệp một cách rất ý nghĩa. Nghị quyết ra đời đúng vào Ngày Doanh nhân Việt Nam, điều này đã truyền động lực và tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục phấn đấu, vươn lên làm giàu.
Là doanh nhân giữ vị trí Giám đốc Công ty Cổ phần liên kết Việt – Nhật, bà Trần Khanh rất tâm đắc với các nội dung trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Theo bà Khanh, Nghị quyết tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân và đề cao hơn, đó là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. “Với tôi là một người đi kinh doanh cảm thấy được trân trọng, tôi hiểu rằng, ngoài việc kinh doanh thì chúng tôi đang đóng góp cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tôi mong ngày càng nhiều DN hơn nữa có thể biết và hiểu được giá trị của Nghị quyết, tiếp tục nghiên cứu và phát huy tinh thần của Nghị quyết 41 vào đời sống doanh nhân của mình”, bà Khanh chia sẻ.
Vị thế của doanh nghiệp tư nhân đã ẩn vào trong niềm tin của người dân
Nghị quyết 41 hiện cũng rất quan tâm tới các DN nhỏ và vừa khi yêu cầu "Có chính sách tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ..."
Về nội dung nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS.Tô Hoài Nam chia sẻ: “Về mặt nhận thức trong hệ thống chính trị, trong nhân dân, trong DN thì cộng đồng doanh nhân đã được nâng tầm sau hơn 10 năm. Hiện nay, có nhiều dịch vụ, người dân thích sử dụng của doanh nghiệp tư nhân hơn. Thậm chí, trong thời gian gần đây, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngay cả một số lĩnh vực thiết yếu như điện hay xăng dầu, người dân đang mong muốn được nhiều doanh nghiệp cạnh tranh hơn. Đây là niềm tin đối với doanh nhân tư nhân Việt, tin rằng họ cũng có thể làm những công việc lớn, Ngoài ra, điều này cũng thể hiện được việc DN tư nhân đã dần được nâng tầm hơn, điều này dường như đã ẩn vào trong niềm tin của người dân”.
"Nghị quyết 41 đã khẳng định 3 lát cát để nhận diện cộng đồng doanh nhân. Thứ nhất là có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng hùng cường; thứ hai là có tinh thần tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thứ ba là có bản lĩnh thị trường. Tuy nhiên, theo TS.Tô Hoài Nam, doanh nhân Việt Nam trải qua đợt dịch COVID-19 đã bộc lộ ra một tố chất khác nữa, đó là ‘bình tĩnh chống đỡ’. “Người bình tĩnh chống đỡ khó khăn khác với người có ý chí xông lên, đây là 1 tố chất lợi thế được phát hiện ra trong quá trình thử lửa 2 năm COVID và hơn 1 năm hậu COVID”, TS Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo TS Tô Hoài Nam, trong Nghị quyết 41 đã nhắc lại việc thúc đẩy đại diện của doanh nhân tham gia vào cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam. Theo ông, nội dung này đã nâng tầm vai trò cộng đồng doanh nhân.
Ở góc độ nghiên cứu của Viện, ông Nguyễn Kim Hùng nhận thấy rằng, trong việc phát triển kinh tế, có rất nhiều doanh nghiệp khi đã vươn lên đến giai đoạn không phải lo cơm áo gạo tiền hằng ngày, thì Nghị quyết 41 đã góp phần thúc đẩy một số doanh nhân, DN thực sự có một khát vọng cống hiến, không chỉ là phát triển kinh tế còn là tham gia vào công tác chính trị xã hội, tổ chức dân cử. “Có thể đâu đó 20 năm nữa, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều thành phần doanh nghiệp tư nhân đóng góp được nhiều hơn trong câu chuyện kiến thiến thể chế thay vì chỉ lĩnh xướng thể chế mang vào hoạt động tổ chức kinh doanh. Đây chính là điểm mới của Nghị quyết 41 so Nghị quyết 09 năm 2011”, ông Hùng nhận định.
Nghị quyết 41 đề ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thúc đẩy vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp
Nghị quyết 41 ra đời với kỳ vọng sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần để xây dựng đội ngũ DN Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong thời gian tới, theo TS Tô Hoài Nam, cần phải coi doanh nghiệp, người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ và tạo điều kiện để phát triển hết mức.
Để làm được điều này, TS.Tô Hoài Nam đã kiến nghị một số giải pháp. Đầu tiên là cần cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Nam chia sẻ: “Đầu tiên phải hiểu môi trường kinh doanh của chúng ta so với hơn 10 năm trước đã thuận lợi hơn, bình đẳng hơn và minh bạch hơn, điều này là 1 thực tế đang diễn ra. Nhưng chỉ nói một vế là chưa đủ. Hạn chế của chúng ta là thể chế, cơ chế thị trường chưa đồng bộ. Vì trong cơ chế thị trường đòi hỏi nhiều yếu tố để tạo nên một môi trường cạnh tranh tốt. Điểm đến của chúng ta cần phải ngang tầm với nhiệm vụ. Tôi cho rằng, về mặt thể chế chúng ta phải tập trung một số nhiệm vụ, trong đó quyền tài sản và quyền kinh doanh phải được coi trọng”.
Cũng theo TS Tô Hoài Nam, trong Nghị quyết 41 có một cụm từ là “xem xét xây dựng thể chế đối với trường hợp mà các doanh nhân, DN vi phạm thì lựa chọn một thể chế phù hợp, một chế tài phù hợp và không hình sự hóa”. Điều này thể hiện giới hạn được quy định rất rõ và cũng không có nghĩa là doanh nhân muốn làm gì thì làm. “Điều này mở ra 1 vị thế mới, hiểu nôm na không hình sự hóa là vi phạm đến đâu xử phạt đến đấy, không tăng nặng, không nghiệm trọng hóa. Không vì một doanh nhân mà làm chết đi một doanh nghiệp. Đây là quyền về tài sản và quyền về kinh doanh”, TS Tô Hoài Nam nhận định.
Ngoài ra, cũng cần mở rộng cơ chế đối thoại và tham vấn. Phân tích về giải pháp này, TS Tô Hoài Nam cho rằng, một cộng đồng muốn kinh doanh tốt, muốn thể chế tốt phải xem xét đánh giá tác động mọi khía cạnh. Nhiều văn bản nếu chỉ lấy ý kiến của cơ quan nhà nước là chưa đủ mà phải mở rộng cơ chế đối thoại, phải lấy cái thực chất để tôn trọng sự phản biện, tôn trọng thực tiễn và ý kiến của cộng động doanh nghiệp.
Cuối cùng TS Tô Hoài Nam cho rằng, trong thời gian tới cần giải quyết được cải cách thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính là gắn với đời sống xã hội, mà muốn giải quyết thì phải từng bước xóa bỏ đặc quyền.
Bàn về giải pháp cần có cho phát triển doanh nhân và DN, với vai trò là Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam, ông Nguyễn Kim Hùng kiến nghị: “Thể chế vẫn là con đường soi sáng quan trọng đối với doanh nghiệp, doanh nhân nhưng cũng là rảo cản trên con đường phát triển của cộng đồng DN, doanh nhân. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên chuyển đổi số, theo tôi toàn bộ thể chế có thể số hóa, 1 nghị quyết 1.000 trang nhưng với công nghệ có thể tìm ra cái lõi rất nhanh. Ngoài ra, tôi mong cộng đồng doanh nhân Việt Nam có thể ngày càng được tin tưởng, giao nhiều quyền, nhiều chức năng nhiệm vụ hơn. Tôi tin nhiều nhiệm vụ doanh nghiệp tư nhân có thể làm tốt và hiệu quả. Chúng ta nên đồng hành cùng DN thay vì quản lý quá khắt khe và hạn chế quyền tiếp cận. DN có thể đang thực sự cần nhiều hơn những điều mà Nghị quyết 41 khẳng định”.
Đại diện doanh nghiệp, bà Khanh cho rằng: “Rõ ràng ở Việt Nam, đội ngũ chủ doanh nghiệp là nữ đông đảo hơn rất nhiều nước châu Á. Bản thân tôi đã làm việc với rất nhiều đối tác người Nhật và nhận thấy rằng, khi người Nhật sang Việt Nam, họ rất khâm phục về sự hiện diện của đội ngũ đông đảo nữ doanh nhân trên mọi mặt trận. Tôi kỳ vọng, thông qua Nghị quyết này, doanh nghiệp do nữ làm chủ sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa. Phụ nữ Việt Nam trong kinh doanh rất kiên trì, dẻo dai và linh hoạt. Tôi mong sẽ có nhiều chương trình đào tạo về kĩ năng giao tiếp, quản trị cho nữ doanh nhân trong thời gian tới để giúp phụ nữ nâng cao vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp”.
“Bộ Chính trị ra Nghị quyết về doanh nhân. Đây thực sự là một nguồn động lực, “luồng gió” mới. Nghị quyết 41 đã khẳng định vị thế của đất nước: Một đất nước có mạnh hay không thì nền kinh tế phải mạnh, nền kinh tế mạnh thì doanh nghiệp phải mạnh, và doanh nghiệp mạnh thì doanh nhân phải mạnh…”, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam nhìn nhận.
"Ngày 10.10.2023 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW “về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đó là “kim chỉ nam”, là “kinh thư” vô giá để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vững tin và tiến bước cùng các giai tầng xã hội chung lòng dựng xây Tổ quốc hùng cường, phát triển" - Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Bào Trinh