|
Doanh nghiệp, doanh nhân là tài sản quốc gia và quý hơn các mỏ vàng mỏ bạc, vì càng khai thác càng tạo nguồn lợi cho phát triển đất nước. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được xem là kim chỉ nam để cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
|
Nghị quyết muốn đi vào cuộc sống phải dựa vào những gì cuộc sống đang diễn ra. Thế giới đang chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ. Cùng với đó, vai trò, vị thế của đất nước được nâng cao, tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Song song với sự phát triển của đất nước, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp đang có những chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đóng góp xứng đáng vào xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hiện nay, nhiều quan điểm, chủ trương của Đảng có liên quan tới doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần được cụ thể hoá một cách đồng bộ.
Trong bối cảnh đó, ngày 10-10-2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị Quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (sau đây gọi là Nghị quyết 41). Với tinh thần ủng hộ, giúp đỡ và làm điểm tựa cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Nghị quyết 41 được kỳ vọng sẽ tạo động lực, luồng gió mới giúp doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển, vươn ra thế giới.
Nghị quyết 41 ra đời trong thời kỳ mới, có nhiều nội dung và thông điệp mang tính đột phá. Những quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết đề ra có tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 173-KH/TU ngày 30/11/2023; UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 12/01/2024 đề ra mục tiêu: “Phát triển đội ngũ doanh nhân Thanh Hóa lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý; có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, văn hóa, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật, làm giàu chính đáng; có năng lực quản trị tiên tiến, trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhanh và bền vững, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, hình thành một số doanh nghiệp lớn tầm cỡ trong nước và khu vực Đông Nam Á; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh, làm chủ một số chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp”.
Mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có khoảng 40.000 doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GRDP của tỉnh. Đến năm 2045, phấn đấu phát triển đội ngũ doanh nhân Thanh Hóa có quy mô lớn; có năng lực, trình độ, vị thế trong nước, khu vực và quốc tế.
Tại Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân tỉnh Thanh Hóa hiện nay”, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, là địa phương luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, Thanh Hóa đã sớm được hưởng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Nếu như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị vạch ra những đường hướng lớn về một Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, thì Nghị quyết số 37 của Quốc hội như một đòn bẩy cơ chế, thôi thúc tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, từng bước hiện thực hóa khát vọng về một Thanh Hóa “kiểu mẫu”. Tỉnh Thanh Hóa luôn quan niệm “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Lợi ích của doanh nghiệp là mục tiêu trước mắt và lâu dài của tỉnh”.
Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu và khát vọng phát triển tỉnh Thanh Hóa như tinh thần Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, thì một trong những yêu cầu, đòi hỏi quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Thanh hóa lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực và thế giới.
Trao đổi với phóng viên về những điểm mới, nổi bật trong Nghị quyết 41, ông Lương Trọng Thành, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa khẳng định, Nghị quyết số 41 là mốc mới đánh dấu sự phát triển nhận thức, sự cầu thị, đổi mới, quyết tâm chính trị của Đảng về doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam.
Nghị quyết tạo động lực mới, vị thế mới để mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ mới cả về số lượng và chất lượng của cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp. Từ đó đủ sức đảm nhiệm tốt sứ mệnh vinh quang và trọng trách, gánh vác nhiệm vụ tiên phong, trở thành một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đưa nước ta không ngừng vươn lên, hiện thực hoá khát vọng hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
|
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 22,5% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp do nữ làm chủ đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Đối với hộ kinh tế cá thể, đa phần chị em giữ vai trò chủ hộ hoặc nắm giữ vị trí quan trọng đối với kinh tế gia đình.
Vui mừng trước việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty CP Điện lực Thanh Hoá bày tỏ:
“Đọc nội dung Nghị quyết, tôi cảm thấy mình được trân trọng. Tôi hiểu rằng, ngoài việc kinh doanh thì chúng tôi đang đóng góp cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Nội dung Nghị quyết 41 đề cao vai trò của những chủ doanh nghiệp là phụ nữ. Thực tế, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam cao nhất khu vực Đông Nam Á. Những doanh nhân nữ xứ Thanh rất kỳ vọng sẽ được nhà nước quan tâm hơn nữa. Tôi mong sẽ có nhiều chương trình đào tạo về kĩ năng giao tiếp, quản trị cho nữ doanh nhân trong thời gian tới để giúp phụ nữ nâng cao vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp”.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty CP Điện lực Thanh Hoá, Nội dung Nghị quyết 41 đề cao vai trò của những chủ doanh nghiệp là phụ nữ. Tôi mong sẽ có nhiều chương trình đào tạo về kĩ năng giao tiếp, quản trị cho nữ doanh nhân trong thời gian tới để giúp phụ nữ nâng cao vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp”.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, Nghị quyết 41 là sự mong mỏi và kỳ vọng của doanh nghiệp. Nghị quyết 41 ra đời đã vực dậy tinh thần của tất cả doanh nghiệp đang rơi vào cảm giác bất an, giúp doanh nghiệp bình tâm quay trở lại với con đường mình đi. Trước mắt doanh nghiệp vẫn đối mặt khó khăn thử thách, Nghị quyết như kim chỉ nam soi đường dẫn lối cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức.
“Tôi rất tâm đắc với nội dung không thể tách dời đội ngũ doanh nhân ra khỏi cộng đồng doanh nghiệp, phải gắn nhiệm vụ của doanh nhân với sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân; Lắng nghe, tập hợp, phản ảnh, phối hợp giải quyết tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, doanh nghiệp; Tham gia xây dựng, phản biện và giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, pháp luật liên quan; Tham gia đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, thúc đẩy khởi nghiệp, tập hợp, liên kết, hợp tác, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng, vận động, thúc đẩy, khuyến khích doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh; Tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu”- Ông Cao Tiến Đoan nhấn mạnh.
Ông Đỗ Đình Hiệu - Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình chia sẻ: “Từ nội dung Nghị quyết 41, tôi tin rằng trong giai đoạn tới cộng đồng doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thể chế ổn định, mang tính chất lâu dài để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Trao đổi với phóng viên, Giáo sư, Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ - Uỷ viên UBTW MTTQ Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Hợp Lực (Thanh Hóa) chia sẻ, Nghị quyết 41của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới ra đời vào hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Chiến tranh thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thời kỳ hậu Covid-19, suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh “sống mòn”, “chết yểu”,...
Đặc biệt, chúng ta đã và đang thực hiện có hiệu quả chủ trương chống tham nhũng tiêu cực, tinh gọn bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Chưa bao giờ tinh thần triệt phá tham nhũng, làm sói mòn nền kinh tế đất nước được thực hiện quyết liệt như bây giờ. Nghị quyết 41 ra đời đúng thời điểm nóng và được cộng đồng doanh nghiệp vui mừng đón nhận. Nhiệm vụ nặng nề đặt ra là doanh nghiệp phải làm gì để đáp ứng kỳ vọng của Bộ Chính trị và sự phát triển của kinh tế đất nước.
Ông Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh: "Tôi rất tâm đắc với quan điểm nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp mà Nghị quyết 41 đưa ra. Bởi thực tế, doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển từ quy mô gia đình nên tư duy quản lý, quản trị doanh nghiệp thiếu và yếu. Đại đa số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc tạo ra thật nhiều của cải vật chất, ít và thiếu kiến thức về kinh tế, chính trị xã hội. Nhiều doanh nghiệp do không hiểu hết pháp luật dẫn đến những việc làm sai trái, vướng vào vòng lao lý và gây hậu quả đau lòng. Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế mà đang tồn tại những “lỗ hổng” như trên thì sẽ rất bất ổn".
Bộ Chính trị rất kịp thời ban hành Nghị quyết 41 để củng cố lại đội ngũ doanh nghiệp, doanh nghiệp có đủ năng lực, phẩm chất, kiến thức phù hợp với tình hình mới và trở thành nòng cốt của nền kinh tế.
Về nội dung, không hình sự hóa quan hệ kinh tế trong Nghị quyết 41, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho rằng, đây là “thông điệp” rất rõ ràng của Đảng để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân vững tin vào con đường mình đã lựa chọn. Trong Nghị quyết 41 có một cụm từ là “xem xét xây dựng thể chế đối với trường hợp mà các doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm thì lựa chọn một thể chế phù hợp, một chế tài phù hợp và không hình sự hóa”. Điều này thể hiện giới hạn được quy định rất rõ và cũng không có nghĩa là doanh nhân muốn làm gì thì làm. Hiểu nôm na không hình sự hóa là vi phạm đến đâu xử phạt đến đấy, không tăng nặng, không nghiệm trọng hóa. Không vì một doanh nhân mà làm chết đi một doanh nghiệp. Đây là quyền về tài sản và quyền về kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Đệ diễn giải, không hình sự hóa quan hệ kinh tế nhằm giảm thiểu các thiệt hại trong quá trình xử lý, điều này rất trúng với mong đợi của giới doanh nhân và xã hội. Nhờ vậy doanh nghiệp yên tâm hoạt động đúng quy định, hội nhập quốc tế. Thực tế từ chủ trương chống tiêu cực của Đảng và Nhà nước mà một số bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cũng dựa vào làm quá với doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến kinh tế kém phát triển, một phần là cũng do hình sự hoá quan hệ kinh tế, thanh tra kiểm tra quá nhiều. Bởi lẽ, doanh nghiệp hiểu biết pháp luật kém, chỉ vướng một rắc rối nhỏ là họ sợ. Vì vậy, rất cần sự hướng dẫn kịp thời, thanh kiểm tra theo quy định, không hình sự hoá quan hệ kinh tế nhằm vực dậy tinh thần hưng phấn, hăng say lao động sản xuất, dám nghĩ dám làm của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị quyết 41 nâng tầm vị thế doanh nhân thể hiện rất rõ ở việc tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan. Đúng là chúng ta nên mạnh dạn đưa một số doanh nghiệp có tâm, có tài vào các tổ chức chính trị của đất nước. Nếu chúng ta đưa họ vào vai trò lãnh đạo, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế thì chắc chẵn sẽ rất hiệu quả. Bởi vì, doanh nhân là những người đã kinh qua thương trường, có thể họ chưa thuộc về lý thuyết nhưng lại là một cuốn sách kiến thức thực tiễn kinh doanh dày dặn. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn doanh nhân đưa vào các tổ chức chính trị phải kỹ lưỡng, chặt chẽ đúng người, đúng việc.
“Có thể khẳng định, nội dung Nghị quyết 41 ngoài việc nhấn mạnh tầm quan trọng và nâng cao vị thế doanh nhân, cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức Hội doanh nghiệp. Chúng tôi đang chờ đợi các bộ, ban, ngành trung ương, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt để Nghị quyết sớm đi vào đời sống doanh nghiệp” - Ông Nguyễn Văn Đệ nói.
Từ lúc có nghị quyết đến việc thực thi vẫn còn là một quãng đường dài nhưng ít nhất, Nghị quyết 41 đã chuyển đi thông điệp mạnh mẽ, chuyển từ tiếng nói của Chính phủ đến cộng đồng doanh nghiệp một cách rất ý nghĩa. Nghị quyết ra đời đúng vào Ngày Doanh nhân Việt Nam, điều này đã truyền động lực và tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục phấn đấu, vươn lên làm giàu.
Nội dung và ảnh: Minh Hiền
Đồ họa: Trang Anh