PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, Trường Đại học Ngoại thương |
Tại Hội thảo trực tuyến về xu hướng kinh tế - đầu tư 2025, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, Trường Đại học Ngoại thương, cho biết, năm 2024 đã đặt ra nhiều bài toán hóc búa, và năm 2025 sẽ không phải ngoại lệ. Một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt là sự cạnh tranh gay gắt từ làn sóng sản phẩm Trung Quốc chất lượng cao, giá thành thấp. Các sản phẩm này đang ào ạt tràn ra thị trường quốc tế khi Trung Quốc, với tham vọng siêu cường của mình, dư thừa năng lực sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Sự hiện diện mạnh mẽ này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Ngoài ra, làn sóng cách mạng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang thay đổi toàn diện cách vận hành của doanh nghiệp trên toàn cầu. Dự đoán trong năm 2025, AI tổng hợp – với khả năng tư duy gần giống con người – có thể xuất hiện, làm bùng nổ các mô hình kinh doanh mới. Những doanh nghiệp như “tỷ đô 1 người”, nơi phần lớn công việc được tự động hóa bởi AI, sẽ không còn là viễn cảnh xa vời. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay tìm hiểu về chuyển đổi số, chưa có sự chuẩn bị cần thiết để thích nghi với xu hướng mới. Đây chính là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt trong việc duy trì vị thế và cạnh tranh trên thị trường.
Thêm vào đó, sức mua nội địa suy giảm càng khiến áp lực lên doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường trong nước, khiến bài toán tăng trưởng càng trở nên khó khăn. Ông Minh nhận định, nếu doanh nghiệp Việt vẫn bám chặt vào các phương thức truyền thống mà không chịu đổi mới, nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường là rất cao.
Tuy nhiên, trong khó khăn luôn tồn tại cơ hội.
Ông Minh nhấn mạnh, thách thức lớn cũng mở ra cánh cửa cho những doanh nghiệp biết tận dụng và dám thay đổi. Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế đáng kể về địa chính trị khi đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các quốc gia lớn, tạo được sự ổn định trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Bên cạnh đó, quyết tâm chính trị trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiên phong.
Các nghị quyết, chính sách như Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá trong phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số đã tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp Việt bắt kịp xu hướng toàn cầu. Ông Minh ví von, việc chuyển đổi số và sản xuất xanh chính là “chìa khóa” để doanh nghiệp Việt vươn mình ra biển lớn, thực hiện khát vọng quốc gia phát triển vào năm 2045.
Trong bối cảnh thế giới có nguy cơ bất ổn và khó dự đoán, ông Minh cho rằng, doanh nghiệp cần linh hoạt và nhạy bén để nắm bắt cơ hội từ các xu hướng công nghệ mới. Điển hình là câu chuyện các tập đoàn lớn tại Nhật Bản từng cạnh tranh nhau nay phải hợp lực trong cuộc đua xe điện và năng lượng sạch để tránh nguy cơ bị tụt lại phía sau. Hay như VinFast – một doanh nghiệp Việt Nam – đã thành công trong việc khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế nhờ biết tận dụng xu hướng chuyển đổi năng lượng và công nghệ.
“Chậm chân trong cuộc đua xe điện và cuộc đua năng lượng, nhiên liệu mới, 3 tập đoàn ô tô lớn tại Nhật Bản, vốn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau, mới đây đã bắt tay đàm phán để tạo ra liên minh mới, tránh nguy cơ 'sao đổi ngôi'. Họ đã đoàn kết lại để tìm kiếm cơ hội mới. VinFast cũng là một ví dụ điển hình của việc biết nắm bắt cơ hội”, ông Minh phân tích.
Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp đã tổ chức đào tạo “Chuyển đổi số doanh nghiệp đến cốt lõi” tại trụ sở Công ty Cổ phần Cơ điện Trần Phú (Trần Phú) |
Ông Minh cũng đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp Việt cần tìm cách đồng hành với các đối tác quốc tế, đặc biệt là những “ông lớn” trong ngành để mở rộng tầm ảnh hưởng và khai thác các cơ hội tiềm năng. “Nếu vượt qua được những ‘đại hồng thủy’, doanh nghiệp Việt sẽ không còn sợ hãi trước những ‘trận lụt’ nhỏ trên hành trình chinh phục thị trường toàn cầu,” ông khẳng định.
Năm 2025 sẽ là phép thử đối với sự linh hoạt, khả năng thích nghi và tầm nhìn chiến lược của các doanh nghiệp. Những người dũng cảm, dám nghĩ lớn và hành động quyết đoán sẽ tìm được “khe cửa hẹp” để vươn lên. Thách thức lớn chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chứng minh bản lĩnh và định hình vị thế trên trường quốc tế.