LS. Đặng Phương Chi: Để giấy phép môi trường không mang tính hình thức

11:58 01/04/2023

Luật BVMT được đánh giá có nhiều điểm mới về việc cấp giấy phép môi trường nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, nhưng quá trình triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc. LS. Đặng Phương Chi – Công ty Luật TNHH TGS đã có những chia sẻ.

Ảnh minh họa

Môi trường là một trong những vấn đề nóng luôn được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế công nghiệp, môi trường cũng ngày càng bị đe dọa bởi các hoạt động của con người.

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 (“Luật BVMT”) có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã đưa ra nhiều quy định mới về thời điểm, thời hạn nộp hồ sơ xin cấp phép môi trường, chi phí thẩm định cấp giấy phép môi trường cho các loại dự án. Đây là điều kiện cần và đủ, bảo đảm các cơ sở trước khi đi vào vận hành, hoạt động phải thực hiện đúng các quy định của luật để phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ ô nhiễm môi trường.

Mặc dù Luật BVMT được đánh giá có nhiều điểm mới về việc cấp giấy phép môi trường nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, nhưng quá trình triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc. Luật sư Đặng Phương Chi – Công ty Luật TNHH TGS đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Xin bà cho biết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai khi Luật Bảo vệ môi trường?

LS. Đặng Phương Chi: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sau khi ra đời đã có rất nhiều sự thay đổi cũng như điểm mới, đặc biệt trong đó là vấn đề cấp Giấy phép môi trường (GPMT). Theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục theo tiến độ công trình. Theo đó, một số giấy phép môi trường thành phần được lồng ghép trong cùng một loại giấy phép, gọi chung là GPMT. Khi thi hành Luật này trên thực tế sẽ giảm thủ tục hành chính đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường và kiểm soát chặt chẽ hơn các trường hợp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Để triển khai những quy định mới về cấp phép môi trường, hiện nay, một số địa phương đã ban hành quyết định về việc thay đổi một số thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường/UBND cấp huyện/UBND cấp xã trên địa bàn. Đơn cử, Hà Nội mới đây đã ra Quyết định số 1040/QĐ-UBND công bố danh mục 11 thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường, trong đó có quy định về thời hạn cấp phép, cấp phép lại, cấp đổi giấy phép môi trường. Theo đó, các cơ quan chức năng phải cấp phép môi trường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ; trong thời hạn 15 ngày đối với các dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Dự án đầu tư, cơ sở đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và đáp ứng các yêu cầu sau đây: Không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không thuộc trường hợp phải quan trắc khí thải tự động, liên tục, quan trắc định kỳ theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Đối với các dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ sản xuất (trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường); Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có thay đổi số lượng nguồn phát sinh nước thải, bụi, khí thải làm phát sinh các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, phát sinh thêm thông số ô nhiễm mới vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng lưu lượng nước thải, bụi, khí thải làm gia tăng hàm lượng các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng mức độ ô nhiễm tiếng ồn, độ rung; thay đổi nguồn tiếp nhận nước thải và phương thức xả thải vào nguồn nước có yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt hơn..., việc cấp lại giấy phép môi trường phải thực hiện trong thời gian là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

Qua thực tế triển khai thực hiện GPMT thời gian qua tôi thấy một số vướng mắc, bất cập như:

Thứ nhất, đối tượng có GPMT gồm cả dự án, cơ sở đang hoạt động, cơ sở đang hoạt động có điều chỉnh, thay đổi quy mô, công suất hoặc hết hạn GPMT thành phần, dẫn đến trùng lấn, khó xác định đối tượng.

Thứ hai, việc quy định 03 mẫu báo cáo đề xuất cấp GPMT (Phụ lục VIII, IX, X của Nghị định 08/2022/NĐ-CP), 03 hình thức thành lập (Hội đồng thẩm định, Tổ thẩm định, Đoàn kiểm tra) ứng với các loại hình dự án, cơ sở gây khó khăn khi xác định đối tượng và áp dụng quy trình thẩm định.

Thứ ba, đối với các dự án thuộc loại hình sản xuất linh kiện điện tử theo Quy định tại phụ lục II Danh mục các dự án thuộc loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy mô từ 01 triệu sản phẩm/năm trở lên, thuộc đối tượng thẩm định ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước khi dự án đi vào vận hành thử nghiệp công trình bảo vệ môi trường thì cấp GPMT. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều dự án sản xuất linh kiện điện tử chủ yếu là lắp ráp hoặc gia công một phần, một công đoạn trong quá trình sản xuất ra sản phẩm linh kiện điện tử, chỉ thuê nhà xưởng diện tích nhỏ hoặc đầu tư vào khu công nghiệp gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục môi trường trình cấp Bộ phê duyệt (cả báo cáo ĐTM và cấp GPMT) do thủ tục trình Bộ mất nhiều thời gian hơn ảnh hưởng đến tiến độ đưa dự án vào sản xuất của doanh nghiệp; mặt khác, lĩnh vực điện tử thường xuyên có sự thay đổi về sản phẩm, công nghệ sản xuất để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Thứ tư, trong quá trình thẩm định còn cần xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi, việc xác định cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi cũng gặp khó khăn do nhiều công trình nhỏ chưa rõ cấp quản lý. Các dự án trong KCN, CCN đã phải xin tham vấn cơ quan quản lý hạ tầng KCN, CCN, nhưng thành viên Hội đồng thẩm định cũng có đơn vị quản lý hạ tầng các KCN, CCN, dẫn đến tình trạng cùng 01 cơ quan quản lý hạ tầng KCN, CCN phải cho ý kiến 02 lần với cùng 01 hồ sơ.

Các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sản xuất thời gian qua phản ánh việc thực hiện thủ tục xin cấp mới, cấp lại GPMT gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý, theo bà doanh nghiệp cần phải lưu ý điểm gì khi làm hồ sơ GPMT?

LS. Đặng Phương Chi: Mặc dù có nhiều điểm mới, nâng cao chất lượng BVMT nhưng quá trình triển khai thực hiện các quy định của luật còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong đó bao gồm khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư liên quan đến Luật BVMT năm 2020 là cơ sở, căn cứ để thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án. Được biết, theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện báo cáo ĐTM làm cơ sở thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. Tuy nhiên hiện chưa có bộ đơn giá phân tích và quan trắc môi trường. Vì vậy, chủ đầu tư không có cơ sở để báo cáo ĐTM. Liên quan đến thủ tục môi trường thực hiện các dự án, nhiều chủ đầu tư cho rằng một số điều khoản của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, phạm vi áp dụng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo quy định, các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải lập ĐTM. Như vậy, các dự án được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhưng nếu có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì vẫn phải lập ĐTM. Thực tế có một số dự án sử dụng rất ít đất lúa nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục ĐTM, điều này gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Hiện nay Luật BVMT quy định doanh nghiệp phải hoàn thành các tiêu chí về bảo vệ môi trường sau đó mới gửi hồ sơ để nhà nước phê duyệt. Do đó, doanh nghiệp cần phải lưu ý đến thời điểm làm hồ sơ GPMT. Ở đây tiềm ẩn một rủi ro, đó là khi doanh nghiệp bỏ tiền, thậm chí là rất nhiều tiền để hoàn thành công trình bảo vệ môi trường xong cơ quan quản lý vẫn không duyệt GPMT. Doanh nghiệp nào rơi vào hoàn cảnh đó sẽ thiệt hại rất lớn, vì vậy phải cân nhắc thật kỹ trước khi làm các thủ tục xin GPMT.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 30, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Điểm a, Khoản 3, Điều 44 Luật Bảo vệ Môi trường thì các dự án, cơ sở phải gửi hồ sơ đề nghị xin cấp Giấy phép môi trường trước khi hết hạn 6 tháng. Tuy nhiên hiện nay một số doanh nghiệp phải đợi đến khi giấy phép cũ hết hạn thì mới nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường do đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo nghị định số 45/2022/NĐ-CP: Đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định.

Theo bà, các cấp quản lý nhà nước có cần tạo ra cơ chế mở, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…trong quá trình cấp mới, cấp lại GPMT nhằm hạn chế tối đa việc áp dụng Nghị định định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong giai đoạn hiện tại hay không?

LS. Đặng Phương Chi: Trong thời gian tới đây, cần đẩy mạnh việc xây dựng, nâng cao hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm khuyến khích các chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp GPMT bằng bản điện tử. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ứng dụng hệ thống kỹ thuật số trong việc thu phí thẩm định cấp giấy phép môi trường sẽ góp phần hạn chế được tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu của một số cán bộ, công chức, tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư, cơ sở sản xuất và giảm các tiêu cực phát sinh; đồng thời tăng cường được sự giám sát của các cơ quan nhà nước, của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan cần kịp thời ban hành những văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hồ sơ, trình tự thủ tục trong việc cấp, cấp đổi, thu hồi giấy phép môi trường. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án xây dựng kinh tế - xã hội. Ngoài ra còn góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Đối với các đơn vị, tổ chức,  doanh nghiệp, cơ sở sản xuất….cần phối hợp với các cấp có thẩm quyền như nào trong quá trình xin cấp mới, cấp lại nhằm đảm bảo quyền lợi, đồng thời đảm bảo tiến độ sản xuất?

LS. Đặng Phương Chi: Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong một số trường hợp nhất định, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi tiếp tục được sử dụng cho đến hết thời hạn của những loại giấy phép này hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2022) trong trường hợp các giấy phép này không xác định thời hạn. Như vậy, pháp luật hiện hành đã rất tạo điều kiện để các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoàn thiện hồ sơ, hoàn thiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng để vừa có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, vừa có thời gian hoàn thiện để đáp ứng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về điều kiện được cấp Giấp phép môi trường.

Do vậy các doanh nghiệp cần tiến hành rà soát, kiểm tra và kịp thời xây dựng bổ sung các hạng mục công trình cần thiết để có thể đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện được cấp Giấy phép môi trường, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra do những vướng mắc liên quan đến việc cấp Giấy phép.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú ý và nộp hồ sơ đề nghị cấp mới hoặc cấp lại giấy phép môi trường trong đúng thời hạn luật định. Tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy", khi hết hạn giấy phép cũ mới thực hiện việc đề nghị cấp phép, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập, đời sống của người lao động trong doanh nghiệp.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong suốt quá trình cấp giấy phép môi trường để việc cấp giấy phép được diễn ra một cách thuận lợi nhất. Điều vừa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, vừa đảm bảo thuận lợi cho hoạt động quản lý của nhà nước, tránh tình trạng đơn thư, khiếu kiện kéo dài của doanh nghiệp liên quan tới hoạt động cấp Giấy phép môi trường.

An Nguyên (thực hiện)