Đề xuất áp giá trần nhà ở xã hội gây tranh cãi Thủ tục hành chính rườm rà gây chậm tiến độ, tăng giá nhà ở |
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phục hồi chậm và nhu cầu nhà ở xã hội vẫn rất cấp thiết, thông tin Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất vay mua nhà ở xã hội về mức 6,1%/năm đang mang đến tín hiệu tích cực cho hàng triệu người thu nhập thấp.
Đây là lần thứ 5 liên tiếp từ tháng 7/2023 đến nay lãi suất vay ưu đãi của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được điều chỉnh giảm. Nếu so với thời điểm bắt đầu triển khai, mức lãi suất đã giảm hơn 2%, phản ánh rõ định hướng hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh giá bất động sản liên tục tăng cao.
![]() |
Lãi suất nhà ở xã hội giảm, cơ hội lớn cho người thu nhập thấp. |
Tính đến nay, mới chỉ có 3.400 tỷ đồng trong gói 120.000 tỷ được giải ngân, tương đương chưa đến 3% tổng quy mô. Bộ Xây dựng thừa nhận quá trình giải ngân diễn ra rất chậm, chủ yếu do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và một số chủ đầu tư không đủ điều kiện vay vốn.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đảm bảo các yêu cầu về dư nợ, tài sản đảm bảo để được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ngoài ra, danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn tại các địa phương chưa được công bố kịp thời, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn ngân hàng trong việc giải ngân.
Nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại lâu nay, Bộ Xây dựng kiến nghị sớm thành lập Quỹ nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ này sẽ đóng vai trò là nguồn vốn dài hạn, ổn định cho các dự án nhà ở xã hội trong tương lai, giúp giảm áp lực tín dụng ngắn hạn và tăng tính chủ động cho các chủ đầu tư.
Song song với việc giảm lãi suất vay, Bộ Xây dựng đã trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm phát triển nhà ở xã hội với loạt đề xuất cải cách sâu rộng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn cố hữu. Trong đó, điểm nhấn là việc tinh gọn hàng loạt thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, thiết kế, cấp phép và lựa chọn nhà thầu – những bước vốn tiêu tốn rất nhiều thời gian và gây ách tắc cho các dự án.
Bộ cũng đề xuất lồng ghép các quy trình liên quan đến phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và đầu tư xây dựng thành một quy trình thống nhất, vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng vừa giảm thiểu chồng chéo trong thẩm định. Việc rút ngắn thời gian xác định giá bán và giá thuê nhà ở xã hội cũng là một trong những biện pháp thiết thực nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trên thực tế.
![]() |
Bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) |
Theo bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), các thủ tục hành chính rườm rà lâu nay được xem là “nút thắt cổ chai” của thị trường đã được rà soát và đơn giản hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, để cải cách đi vào thực chất, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ từ các địa phương trong quá trình triển khai và giám sát thực hiện.
Dù Nhà nước đã tạo ra nhiều cơ chế thông thoáng hơn, bà Tống Thị Hạnh nhận định, để phân khúc nhà ở xã hội thực sự phát triển mạnh, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị và tài chính. Việc đảm bảo tiến độ là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là duy trì chất lượng công trình, kiểm soát giá thành và giữ mức giá phù hợp với khả năng chi trả của người dân có thu nhập trung bình và thấp.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn quen với mô hình đầu tư vào phân khúc trung và cao cấp vì lợi nhuận cao. Nếu muốn chuyển hướng sang nhà ở xã hội, họ cần tái cấu trúc chiến lược kinh doanh, chủ động nghiên cứu các chính sách ưu đãi và tăng cường hợp tác với chính quyền địa phương để tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ hiện có.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ 6,1%/năm được xem là cơ hội hiếm có, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xây dựng nhờ chính sách ưu đãi tín dụng.
Thực tế hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội vẫn đang ở mức rất cao, đặc biệt tại các khu công nghiệp và đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh... Hàng triệu công nhân và người lao động phải sống trong những khu trọ tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và không đảm bảo an toàn.