Kết luận Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật tổ chức hôm qua (24/11) theo hình thức truyền hình trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trên cả nước,Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. “Người ta nói. chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng. Cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật".
Kết luận trên của Thủ tướng khiến tôi nhớ đến công việc tham mưu sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ 2008 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Tổng cục).Tôi có gần 6 tháng nghiên cứu các tài liệu của cơ quan này để chủ biên cuốn sách “Tổng cục Đường bộ Việt Nam-Thành tựu &Sự kiện” (Nxb. Giao thông Vận tải ấn hành tháng 4/2020) nên biết khá rõ về vai trò của Tổng cục trong việc chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật về giao thông đường bộ để tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ và Quốc hội về lĩnh vực này. Trong đó, việc tổng kết; nghiên cứu, soạn thảo nội dung sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ 2008 đã được Tổng cục chuẩn bị từ nhiều năm, rất công phu và được coi là một trong những thành tựu nổi bật của Tổng cục; được nêu trong cuốn sách trên.
Khi nắm bắt được thông tin về dự thảo tách Luật Giao thông Đường bộ thành hai luật là Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Tổng cục đã có văn bản gửi lên lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị không tách Luật Giao thông Đường bộ thành 2 luật; trong đó phân tích, nêu rõ những bất cập nếu tách luật này. Thế nhưng, Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vẫn được đưa ra tại Kì họp thứ 10 của Quốc hội để lấy ý kiến các đại biểu. Kết quả là 62,7% phiếu phản đối tách Luật Giao thông Đường bộ và 66,74% phiếu không tán thành chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Trong đó, nhiều đại biểu phản ứng gay gắt việc tách luật, cho rằng, tách luật là khiên cưỡng, là áp đặt, không có cơ sở khách quan, khoa học, không thuyết phục và nhiều bất cập, lãng phí. Cuối cùng, Quốc hội thống nhất chuyển Dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khóa XV).
Kết quả trên phản ánh sự sáng suốt, thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội. Kết quả trên cũng phản ánh việc việc thiếu khách quan của cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo dự án luật; đã đưa ra những điều luật có lợi cho ngành mình? Mặt khác, chính sách pháp luật liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Khi xây dựng dự án luật, các ngành chưa phối hợp chặt chẽ với nhau để hoàn thiện dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; để khi đi vào cuộc sống, chính sách, pháp luật có “tuổi thọ” cao; không phải sửa đổi bởi sự chồng chéo, bất cập, lạc hậu...
Vậy mà, như sự việc nêu trên, khi xây dựng dự thảo dự án luật, “mạnh ai người ấy làm”?. Mặc dù cấp dưới (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã đề nghị cấp trên (Bộ Giao thông Vận tải) không nên tách luật và chuyển chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe sang cho Bộ công an, nhưng “ông bố” vẫn không nghe ý kiến của cơ quan tham mưu, và kết quả, như cử tri cả nước đã biết.
Trở lại vấn đề Thủ tướng nêu trên, nhiều năm qua, một số chính sách, pháp luật của ta vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn; có biểu hiện bị chi phối bởi cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm”. Để ngăn chặn tham nhũng ngay từ khâu xây dựng chính sách, tại Hội nghị trên, Thủ tướng chỉ đạo, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan… Thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng pháp luật.“Muốn một dự án luật hiệu quả, một nghị định phản ánh đúng tinh thần của luật đã được Quốc hội thông qua thì chúng ta phải đảm bảo chất lượng, không được hình thức”. Thủ tướng yêu cầu, cần khắc phục cho được sự phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan trong việc lấy ý kiến, lắng nghe lẫn nhau để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật...
Cao Thâm