Kết nối yếu - nguyên nhân từ doanh nghiệp
Các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong suốt gần 2 thập kỷ qua. Cả nước có hơn 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 98% có quy mô nhỏ và vừa.
Cùng với sự bùng nổ về số lượng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của quốc gia thông qua tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động, góp phần quan trọng giảm khoảng cách giàu nghèo, phát triển các cơ hội đầu tư vào các thị trường ngách. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, hình thành nên những cụm liên kết ngành điện tử, dệt may, thủy sản...
Tuy nhiên, do quy mô nhỏ bé nên DNNVV Việt Nam chưa có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Đa số doanh nghiệp có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực nhỏ bé cả về lượng và chất. Đặc biệt, mối liên kết của các DNNVV cũng như giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn còn nhiều hạn chế. Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan (30%) hay Malaysia (46%).
“Hiện chúng ta đang bị rời rạc trong một nền kinh tế. Đây là vấn đề lớn của Việt Nam, nếu không lan tỏa, kết dính thì không tạo thành một cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế phát triển không bền vững, không huy động được hết các nguồn lực. Doanh nghiệp nước ngoài cho rằng doanh nghiệp trong nước không có đủ sản phẩm chất lượng, tiêu chuẩn để tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của họ; trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam trả lời rằng do không biết cách nào để tham gia chuỗi cung ứng nên không dám đầu tư.” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam còn thấp theo tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu bơi lẽ các doanh nghiệp hiện vẫn còn áp dụng những công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, chưa chuẩn hóa đầy đủ, thiếu nhân viên có tay nghề, rào cản ngôn ngữ, trình độ quản lý còn kém, độ tin cậy thấp.....
Ông Trần Mạnh Vũ – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Xây lắp điện – cơ Thuận Phát nêu rõ “ Vấn đề các DNNVV đều gặp phải hiện nay đó là chưa có đầu mối để kết nối, các doanh nghiệp rời rạc, thiếu liên kết đặc biệt là liên kết với các đầu chuỗi giá trị. Năng lực về công nghệ, hội nhập, marrketing,.. của hầu hết các doanh nghiệp đều yếu. Bên cạnh đó, chính sách của chính phủ có nhiều nhưng trong lĩnh vực chế tạo, đặc biêt trong 2 cái ngành dự án ưu tiên trong giai đoạn đầu: điện tử và cơ khí còn ít.”
DNNVV Việt Nam chưa có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất
Bà Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam nêu ra quan điểm “Điều khó khăn nhất với DNNVV đó là năng lưc. Năng lực của các doanh nghiệp hiện còn yếu. Nhất là trong lĩnh vực chế tạo như công nghiệp hỗ trợ thì kém xa so với DNNVV trên toàn cầu. Câu chuyện ở đây không những về chất lượng mà còn về giá cả vì vậy việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là một thách thức rất lớn. Các doanh nghiệp FDI rất nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp trong nước, hơn ai hết họ là người muốn tìm nhà cung ứng gần nhất để không phải nhập khẩu. Tuy nhiên do doanh nghiệp của mình yếu bên cạnh đó chính phủ trong những năm trước chưa có những chương trình hỗ trợ hiệu quả để giúp doanh nghiệp. Vì vậy hiện nay cũng chỉ có một số ít doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng và nếu có tham gia chuỗi thì họ cũng phải tự dùng nội lực của bản thân, tự cố gắng trong thời gian rất dài.”
Cơ hội mở ra
Cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò rất quan trọng đối với tương lai kinh tế của Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP, tạo ra 63% việc làm, nhưng có ít doanh nghiệp được kết nối vào chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink nhận định, Việt Nam cần phát triển có chiều sâu các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì họ là xương sống của tăng trưởng kinh tế, và như vậy mới cải thiện được thu nhập cho người lao động và chủ doanh nghiệp.
Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 24/9 đã khởi động Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” do USAID tài trợ (USAID LinkSME).
Theo Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene, dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa có ngân sách 22,1 triệu USD, thực hiện đến năm 2023. Hiện tại dự án hỗ trợ các ngành điện tử và kim khí và sẽ mở rộng sang các ngành khác.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng dự án LinkSME gắn kết quá trình cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể với quá trình nghiên cứu, cải cách theo ngành cũng như gắn kết những chỉ đạo cải cách từ Chính phủ với những nỗ lực thay đổi từ dưới lên, từ bản thân doanh nghiệp. Dự án góp phần tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống của môi trường kinh doanh thông qua các hoạt động cải cách thể chế, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; đồng thời tạo ra các thay đổi cơ bản về khả năng hội nhập, kết nối với khu vực và quốc tế cũng như với chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tham gia dự án, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi đang quan tâm tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước và tăng hàm lượng nội địa hóa sản phẩm; tiếp cận với quy trình, thủ tục đấu thầu mua sắm của doanh nghiệp đầu chuỗi; được hỗ trợ kỹ thuật về nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi. Doanh nghiệp đầu chuỗi được kết nối với các nhà cung cấp là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã được đánh giá về khả năng cung ứng và hiểu về nhu cầu của doanh nghiệp đầu chuỗi; được cung cấp thông tin chi tiết hơn về dòng sản phẩm, khả năng, năng lực, năng suất của nhà cung cấp và điểm mấu chốt là giảm chi phí khi kết nối với các nhà cung cấp trong nước.
Nguyễn Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Dụng cụ Cơ khí Xuất khẩu cho biết “ Dự án này cực kỳ hữu ích đối với các DNNVV bởi một phần yếu của bản thân doanh nghiệp tôi cũng như các doanh nghiệp tại Việt Nam khác là câu chuyện kết nối. Việc kết nối với các khách hàng lớn hầu như là không có nếu như không có những chương trình hỗ trợ của các Hiệp hội. Doanh nghiệp Việt Nam thường không có thói quen tìm đến các Doanh nghiệp lớn để làm việc. Tham gia dự án này chúng tôi được hỗ trợ bồi dưỡng ký năng quản lý, hỗ trợ kỹ thuật… ngoài ra doanh nghiệp còn đc kết nối vs các doanh nghiệp đầu chuỗi tạo mối liên hệ làm ăn lâu dài.”
Hà Linh