Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 11 tháng của năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 8,5 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 5,3 tỷ USD, tương ứng tăng 11% và 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng với mặt hàng gạo đã thay đổi trong nhiều năm qua với việc người tiêu dùng đã chuyển hướng tiêu dùng gạo chất lượng thay vì số lượng. Nhiều nước và người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến sản phẩm lúa gạo ngon, nhiều dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe mà còn yêu cầu sản xuất ra hạt gạo phải thân thiện với môi trường. Điều đó cho thấy ngành lúa gạo của Việt Nam đang đứng trước thử thách và cơ hội đan xen.
Thương hiệu gạo ST là minh chứng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các thương hiệu gạo mang đẳng cấp thế giới. |
Điều này cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam lại một lần nữa được đặt ra. Yêu cầu này không khỏi khiến nhiều người ngạc nhiên bởi thị trường các nước biết nhiều về gạo xuất khẩu của Việt Nam nhưng hầu như không có một thương hiệu gạo nào của Việt Nam “đóng đinh” được với tâm trí người tiêu dùng các nước. Những tên tuổi như ST25 vẫn còn là quá hiếm hoi. Trong khi đó, nói đến gạo Thái Lan là một loạt các thương hiệu như Thái Hom Mali hay gạo Jasmine (hoa nhài), gạo Pathum Thani, Ấn Độ có gạo Basmati, Nhật Bản có gạo Japonica.
Công bằng mà nói, vấn đề xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam đã được đặt ra từ lâu. Đơn cử, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định thương hiệu gạo Việt Nam sẽ được phát triển ở 3 cấp độ: Thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp.
Đặc biệt, đề án này nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cần song hành 3 trục gồm: Có sản phẩm, doanh nghiệp tốt; hệ sinh thái tốt; gắn kết thành thương hiệu lớn hướng tới lợi ích chung.
Phân tích về các điều kiện đủ để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp lúa gạo cho rằng, gạo Việt Nam hiện tốt nhất thế giới cả về chất lượng, quy trình, dư lượng thuốc trừ sâu… Bằng chứng cho việc này là nhiều quốc gia từ chỗ thuần túy “đong” gạo của Việt Nam đã ngỏ ý muốn Việt Nam đảm nhận vai trò lớn hơn là bảo đảm an ninh lương thực, bên cạnh việc bảo đảm nguồn cung. Điều kiện cần ở đây thể hiện rõ việc đặt lòng tin vào chất lượng, chuỗi cung ứng, tiến độ giao hàng của gạo Việt Nam.
Liên quan đến các điều kiện đủ, các chuyên gia cho rằng, đó là cần tập trung khắc phục cho được các tồn tại cụ thể là khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường. Đặc biệt trong vấn đề xây dựng thương hiệu ở Việt Nam, ngoài tiêu chuẩn độ thuần, cần hạn chế hóa chất để gạo có hương vị tự nhiên (giảm thuốc hóa học bằng thuốc hữu cơ, giảm phân hóa học bằng phân sinh học), tránh lúa chín thời điểm mưa dầm hoặc nắng quá gắt thì sẽ giữ được độ thơm.
Việc Chính phủ thông qua Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 không chỉ là bước ngoặt mới, là nền tảng mở đường cho sự phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam giai đoạn mới mà còn tạo những tiền đề quan trọng để thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam ở các cấp độ.
Bài học của các quốc gia thành công về xây dựng thương hiệu gạo không có gì mới, phần lớn đến từ việc xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và thế giới, cũng như có chính sách hỗ trợ nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử.
Hiện việc phát triển thương hiệu gạo Việt còn một số khó khăn, như xây dựng lòng tin về chất lượng, thiếu hỗ trợ pháp lý trong việc bảo hộ thương hiệu quốc tế và chưa chú trọng thị trường nội địa.
Trong bối cảnh đó, rõ ràng cần có sự tập trung nhất định cho công tác xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam với việc nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng phát triển thương hiệu gạo và chỉ dẫn địa lý; đa dạng hóa sản phẩm gạo xuất khẩu; phát triển sản phẩm gạo giá trị gia tăng; đổi mới công nghệ trong sản xuất gạo; đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, khẳng định vị thế thương hiệu gạo.