Bài liên quan |
Xuất khẩu gỗ kỳ vọng mang về 15,5 - 16 tỷ USD trong năm 2024 |
Xuất khẩu gỗ đón tin vui đầu năm, lạc quan mục tiêu mục gần 18 tỷ USD |
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu lâm sản trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt hơn 8,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang chịu nhiều biến động lớn về chính trị và chính sách thương mại, ngành gỗ được dự báo khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD đã đề ra từ đầu năm.
![]() |
Xuất khẩu gỗ Việt đối mặt nhiều thách thức, doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường |
Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong bảy nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trong nửa đầu năm 2025 đã giảm so với cùng kỳ năm 2024, khi kim ngạch xuất khẩu tăng tới 23,5%.
Mặc dù sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng xuất khẩu gỗ vẫn phụ thuộc vào năm thị trường chính: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 9,4 tỷ USD trên tổng 17 tỷ USD xuất khẩu năm 2024, tương đương 56%.
Hiện nay, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam, đưa hơn 130 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu vào danh sách điều tra. Không chỉ Mỹ, thị trường EU cũng áp dụng nhiều quy định mới như Quy chế sản phẩm không phá rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững (CSRD). Thị trường Nhật Bản cũng có những quy định khắt khe hơn về nguồn gốc nguyên liệu và biến động chi phí năng lượng, ảnh hưởng đến mặt hàng viên nén gỗ.
Ngoài rào cản kỹ thuật và thương mại, doanh nghiệp ngành gỗ còn chịu áp lực lớn từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, do nguồn cung bị hạn chế, cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia – những nước có lợi thế về công nghệ và chi phí.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng các doanh nghiệp đang chuẩn bị tham gia các cuộc điều trần với phía Hoa Kỳ nếu cần thiết, nhằm bảo vệ ngành gỗ trong nước và chứng minh tính hợp pháp, minh bạch của chuỗi cung ứng. Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ để tháo gỡ các rào cản.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, trong 5 năm qua, ngành chế biến gỗ đã 3 lần bị điều tra thương mại từ phía Mỹ nhưng đều không bị áp thuế phòng vệ. Các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá cao về sự hợp tác, minh bạch giấy tờ và quản lý chuỗi cung ứng.
Theo ông Hoài, ngành gỗ là lĩnh vực nhạy cảm vì liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, do đó doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng chế biến xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành gỗ cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung vào các khu vực mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ, châu Phi, Nam Mỹ và Đông Âu – nơi đang có nhu cầu lớn về nội thất và sản phẩm gỗ xây dựng.
Ngành gỗ Việt Nam cũng cần hướng tới việc toàn bộ sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp, đạt chứng chỉ rừng bền vững. Trên 80% cơ sở chế biến và bảo quản gỗ cần đạt trình độ công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Một tín hiệu tích cực là tiến trình đàm phán FTA giữa Việt Nam và Ấn Độ đang mở ra cơ hội giảm thuế nhập khẩu gỗ từ 10% xuống còn 5%, tạo điều kiện thuận lợi để thâm nhập thị trường Nam Á. Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam bày tỏ niềm tin: “Việt Nam vẫn sẽ là nhà cung ứng đồ gỗ lớn nhất cho thị trường Mỹ nếu doanh nghiệp tiếp tục chuẩn hóa chuỗi cung ứng và quản trị minh bạch.”