Bài liên quan |
Xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 12,15 tỷ USD |
Dự báo kém tích cực với xuất khẩu gỗ và lâm sản cuối năm |
Xuất khẩu gỗ kỳ vọng mang về 15,5 - 16 tỷ USD trong năm 2024 |
Ngành gỗ Việt Nam bước vào năm 2025 với tín hiệu khởi sắc khi kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu tháng 1 đạt 738,8 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu lạc quan sau một thời gian dài ngành gỗ đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông Trần Lam Sơn, nhà sáng lập Công ty Thiên Minh Furniture, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh vào năm 2022, ngành gỗ rơi vào tình trạng khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, lượng hàng tồn kho lớn và chi phí vận tải tăng cao. Nhiều doanh nghiệp chứng kiến lượng đơn hàng giảm từ 40-60%, buộc các nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhận thấy rằng quy mô của ngành không thu hẹp mà tiếp tục có tiềm năng phát triển. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giữ chân lao động, đổi mới công nghệ và tối ưu quy trình sản xuất để chờ đợi thị trường phục hồi.
![]() |
Xuất khẩu gỗ đón tin vui đầu năm, lạc quan mục tiêu mục gần 18 tỷ USD |
Từ quý IV/2024, nhu cầu tại các thị trường lớn như EU và Mỹ tăng mạnh, đặc biệt với các đơn hàng phục vụ mùa mua sắm xuân - hè 2025. Doanh nghiệp phải liên tục tăng công suất để đáp ứng tiến độ giao hàng. Trong bối cảnh này, xu hướng mua hàng của khách có sự thay đổi khi đơn hàng được chia nhỏ, đặt theo tiến độ bán hàng, buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng. Nhờ ứng dụng chuyển đổi số và cải tiến công nghệ, nhiều đơn vị đã nâng cao khả năng sản xuất và giao hàng nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đồng thời, mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (B2C) qua các nền tảng thương mại điện tử cũng được mở rộng. Chi phí vận chuyển, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, là một thách thức lớn, nhưng các hiệp hội ngành gỗ đã hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu để đàm phán với các hãng tàu, giúp giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm gỗ Việt Nam.
Triển vọng xuất khẩu ngành gỗ năm 2025 được đánh giá tích cực với mục tiêu xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này còn phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu, chính sách thương mại và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), nhấn mạnh rằng công tác xúc tiến thương mại là nhiệm vụ quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới. Ông cũng đề xuất Bộ Công Thương phát đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết sử dụng gỗ hợp pháp nhằm nâng cao uy tín ngành gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việc EU lùi thời hạn thực thi Quy định chống phá rừng (EUDR) đến cuối năm 2025 cho doanh nghiệp lớn và giữa năm 2026 cho doanh nghiệp nhỏ giúp giảm áp lực tuân thủ. Trong khi đó, các tiêu chuẩn về giảm phát thải nhà kính của Mỹ và EU dự kiến có hiệu lực từ năm 2027, đòi hỏi doanh nghiệp phải có kế hoạch thích ứng sớm. Theo ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành nông - lâm nghiệp có thêm thời gian điều chỉnh chiến lược và chuỗi cung ứng, đồng thời cần tận dụng giai đoạn này để tối ưu chi phí, đầu tư công nghệ và chuyển đổi số nhằm tăng năng suất và năng lực cạnh tranh.
Để nâng cao giá trị sản phẩm và giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, ngành gỗ cần tập trung vào sáng tạo thiết kế, xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn nguyên liệu bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp cần tối ưu hóa chi phí, mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm thị trường mới để tăng năng lực cạnh tranh. Với các yếu tố thuận lợi từ thị trường và chiến lược phát triển phù hợp, ngành gỗ Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 20-30% trong năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn.