![]() |
Doanh nghiệp gỗ Việt tăng “chất” cho sản phẩm xuất khẩu |
Mục tiêu xuất khẩu trên 18 tỷ USD
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2025 đạt 1,42 tỷ USD, giảm 9,7% so với tháng 12/2024 và giảm 3,7% so với tháng 1/2024. Các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2025 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 780 triệu USD, giảm 4,8%; Nhật Bản với 166 triệu USD, tăng 2,8%; Trung Quốc với 139 triệu USD, giảm 17,5%... so với cùng kỳ năm 2024.
Trong tháng 1/2025, Hoa Kỳ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 54,9% trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Đáng chú ý, năm 2025, ngành gỗ và lâm sản được giao nhiệm vụ xuất khẩu trên 18 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường xuất khẩu chính mang lại triển vọng xuất khẩu cho ngành gỗ, trong đó, dẫn đầu là thị trường Mỹ, nhưng áp lực cạnh tranh mạnh từ các nhà cung cấp khác như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, điều này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng. Sau đó là thị trường EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tiếp tục mang lại lợi thế thuế quan, mở rộng cơ hội cho gỗ và sản phẩm chế biến. Còn tại thị trường Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng cao do sự phát triển đô thị hóa và xây dựng.
Theo Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 16,3 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ba địa phương Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM đạt trên 9,32 tỷ USD, chiếm gần 53,74% giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước.
Đơn cử, là địa phương có giá trị xuất khẩu ngành gỗ lớn thứ 2 cả nước sau Bình Dương với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tỉnh Đồng Nai bình quân hằng năm chiếm 12 - 14% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước, đứng thứ 2 sau Bình Dương (chiếm khoảng 38%). Ngành gỗ tỉnh Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều dự án về gỗ kỹ thuật, xác định xu hướng phát triển bền vững trong ngành gỗ và tiềm năng thị trường cho sản phẩm gỗ kỹ thuật trong tương lai,...
Đồng hành, tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp
Theo báo cáo của MBS Research, năm 2025, Mỹ sẽ tiếp tục là một thị trường sáng sủa cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam, đặc biệt là khi thị trường nhà ở của nước này phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm nay. Các chuyên gia nhận định, sự phục hồi của thị trường nhà ở Mỹ, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, sẽ tiếp tục là động lực chính duy trì đà tăng trưởng của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2025. Giá cước vận chuyển giảm kết hợp với nhu cầu tăng cao dự kiến sẽ giúp cải thiện lượng đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Trong năm 2025, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ thực hiện thêm hai đợt cắt giảm lãi suất, qua đó lãi suất cho vay mua nhà tại Mỹ sẽ hạ nhiệt, góp phần phục hồi thị trường nhà ở, giúp sản lượng tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Không chỉ vậy, các nhà xuất khẩu kỳ vọng các chính sách thuế của nhiệm kỳ Tổng thống mới về trung và dài hạn sẽ giúp các sản phẩm gỗ của Việt Nam giành thêm thị phần từ xu hướng chuyển dịch của người tiêu dùng tại Mỹ.
Xác định những cơ hội và thách thức, các doanh nghiệp gỗ và nội thất đã chủ động đổi mới sản xuất và tích cực tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng. Là một doanh nghiệp có hơn 20 năm tham gia xuất khẩu đồ nội ngoại thất, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt 14 - 15 triệu USD, đại diện Công ty cổ phần Chế biến gỗ nội thất Thành Tâm cho biết, công ty tập trung vào các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, Nhật Bản, EU và Australia. Cùng với các thị trường truyền thống, doanh nghiệp đã tích cực chuyển hướng tiếp cận các thị trường tiềm năng ở khu vực Bắc Mỹ để phát triển thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng tham khảo thị hiếu của người tiêu dùng để cho ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền cao, phù hợp với xu hướng quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của thị trường xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 của Việt Nam đứng trước cơ hội cũng như thách thức mới từ các chính sách thương mại quốc tế, đặc biệt là từ thị trường Mỹ sẽ có những thay đổi đáng kể. Do đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, ngành gỗ tiếp tục định hướng là đồng hành, tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đồng hành cùng hiệp hội thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng cường sử dụng nguồn gỗ hợp pháp.
Ông Nguyễn Phương - Phó Chủ tịch Dowa cho biết, để phát triển bền vững, doanh nghiệp ngành gỗ cần phải gia tăng nội lực của mình. Cụ thể, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết doanh nghiệp, liên kết các hiệp hội ngành nghề chế biến gỗ tại các địa phương lại với nhau.
Năm 2025, giá trị xuất khẩu lâm sản phấn đấu đạt khoảng 2,5 tỷ USD và đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2030, tỉnh Đồng Nai cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia đầu tư, khai thác, chia sẻ lợi ích và tham gia đầu tư phát triển, khai thác giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu là hướng đến kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, đa mục đích, đa giá trị, sử dụng bền vững tài nguyên rừng.
Để đáp ứng nhu cầu sẽ tăng trở lại, nhất là vào nửa cuối năm 2025, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm gỗ cho thị trường đối ứng, không ngừng cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi, tập trung giảm các chi phí, trong đó có chi phí logistics để tạo thế cạnh tranh bền vững.
Dưới góc độ quản lý nhà nước các bộ, ngành, Chính phủ cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Qua đó, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cho các doanh nghiệp.