Cơ hội cho gỗ Việt Nam từ xu hướng mua sắm “xanh” của các thị trường lớn Xuất khẩu gỗ đón tin vui đầu năm, lạc quan mục tiêu mục gần 18 tỷ USD |
![]() |
Năm 2025 ngành gỗ tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD |
Tổng cục Hải quan cho biết, trong quý IV/2024, ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7,4% so với quý III/2024 và tăng 17,3% so với quý IV/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với quý III/2024 và tăng 17,4% so với quý IV/2023.
Tính chung, trong năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2023.
Nếu so sánh với con số kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 (15,8 tỷ USD), kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2024 đã vượt khoảng 500 triệu USD. Cùng với gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 1,04 tỷ USD trong năm 2024, giúp tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 17,3 tỷ USD.
Năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, vượt qua nhiều thách thức để tiến gần đến mục tiêu đề ra.
Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành gỗ, chủ động tìm kiếm thị trường, tham gia hội chợ triển lãm và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tiêu dùng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu phục hồi, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ, đã tạo cơ hội cho ngành gỗ tăng tốc xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam đã thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng và mở rộng hiện diện tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ.
Mặc dù, đạt được kết quả khả quan, nhưng ngành gỗ vẫn đối mặt với nhiều thách thức như yêu cầu kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp từ các thị trường xuất khẩu chính, nguy cơ gian lận thương mại, áp lực cạnh tranh và biến động kinh tế toàn cầu.
Những thách thức thị trường mà ngành gỗ phải đối mặt như: Các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… ngày càng thắt chặt yêu cầu về xuất xứ gỗ, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao kiểm soát chuỗi cung ứng; các thị trường như Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều là các đối thủ cạnh tranh mạnh trong khu vực; nguy cơ suy giảm kinh tế tại các thị trường lớn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy, ngành gỗ cần chuẩn bị kỹ để vượt qua thách thức và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng từ 6,5 tỷ USD lên mốc đỉnh 16,25 tỷ USD vào năm 2024. Ngành gỗ đặt mục tiêu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 18 tỷ USD, tăng gần 10% so với 2024. Trước những biến động từ thị trường nhập khẩu thế giới, ngành tự tin đạt mục tiêu này.
Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD.
Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.
Để chinh phục mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho rằng, công tác xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại nhiều hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) lưu ý các doanh nghiệp cần tập trung vào bốn chiến lược chính: tiếp tục đa dạng hóa thị trường, ứng dụng công nghệ số để xây dựng chuỗi cung ứng, phát triển sản phẩm xanh và bền vững. Cùng với đó, doanh nghiệp cần thúc đẩy liên kết hợp tác và sản xuất các vùng miền, tránh "giẫm chân" nhau, dẫn đến cạnh tranh trong xuất khẩu.