Ngành gỗ Việt Nam đang đối diện với những thách thức lớn từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Sự gia tăng các quy định pháp luật về gỗ hợp pháp tại các quốc gia này, cùng với xu hướng tiêu dùng xanh, buộc doanh nghiệp gỗ Việt phải nâng cao năng lực quản trị chuỗi cung ứng, tích hợp các tiêu chuẩn bền vững quốc tế để giảm thiểu rủi ro thương mại và gia tăng sức cạnh tranh. Trong bối cảnh Mỹ, dưới chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump, dự kiến áp dụng nhiều chính sách bảo hộ kinh tế mạnh mẽ, ngành gỗ phải đối mặt với áp lực lớn khi hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam thuộc thị trường này. Thay đổi chính sách tại Mỹ không chỉ làm tăng cạnh tranh từ các sản phẩm nội địa mà còn đặt ra nguy cơ bị áp thuế trừng phạt nếu không đảm bảo tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc.
Tại EU, dù ngành gỗ duy trì được đà tăng trưởng hai con số, nhưng các dự báo kinh tế bi quan gần đây từ OECD về Đức và Pháp do khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ. Tuy nhiên, ngành gỗ Việt Nam nhận được lợi thế khi EU lùi thời hạn áp dụng Quy định không gây mất rừng (EUDR) đến năm 2025 và 2026, tạo thời gian chuẩn bị thêm cho doanh nghiệp, nhất là trong việc thích nghi với các tiêu chuẩn mới và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Cơ hội cho gỗ Việt Nam từ xu hướng mua sắm “xanh” của các thị trường lớn. |
Trong bối cảnh đó, những xu hướng tiêu dùng xanh tại các thị trường lớn mang lại cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam khi đáp ứng được nhu cầu về vật liệu xây dựng và nội thất bền vững. Các chuyên gia cho rằng, sự dịch chuyển đầu tư và thương mại toàn cầu, cùng với các sáng kiến đổi mới trong chuyển đổi số, quản trị chuỗi cung ứng và phát triển bền vững, không chỉ giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với các biến động thị trường mà còn mở ra những cánh cửa đến các thị trường tiềm năng.
Việt Nam hiện khai thác khoảng 22-23 triệu m³ gỗ rừng trồng mỗi năm và có hơn 500.000 ha rừng được cấp chứng chỉ bền vững như FSC hoặc PEFC. Chính phủ đặt mục tiêu tăng diện tích rừng được chứng nhận lên 1 triệu ha vào năm 2030, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại, giám sát toàn diện từ khai thác đến tiêu thụ. Điều này không chỉ đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng mà còn gia tăng giá trị xuất khẩu của gỗ Việt trên thị trường quốc tế.
Gần đây, Nghị định 120/2024/NĐ-CP đã sửa đổi và bổ sung các quy định trong hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), mở rộng đối tượng phân loại doanh nghiệp và chuyển đổi từ xác minh từng lô gỗ sang đánh giá sự tuân thủ của toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là một bước tiến lớn, giảm tải gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý ngành gỗ.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), nhấn mạnh rằng, năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn. Các doanh nghiệp ngành gỗ cần đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). Đặc biệt, việc phát triển các nhà máy xanh, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về môi trường không chỉ giúp doanh nghiệp thích nghi tốt hơn với các chính sách thương mại mới mà còn gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là nhiệm vụ chiến lược của ngành. Việt Nam đang thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng tại một số tỉnh phía Bắc, tiến tới mở rộng ra toàn quốc. Những mã số này sẽ là cơ sở để phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ, đồng thời đáp ứng các yêu cầu quốc tế về đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon từ rừng trồng.
Ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và các xu hướng tiêu dùng bền vững. Sự kết hợp giữa nỗ lực cải tiến của doanh nghiệp, hỗ trợ chính sách từ chính phủ và hợp tác quốc tế hứa hẹn sẽ đưa ngành gỗ vượt qua thách thức, khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu và mở rộng chinh phục các thị trường khó tính nhất.