Bài liên quan |
Hà Nội mở phiên chất vấn về vấn đề an toàn thực phẩm |
Hà Nội đề xuất đình chỉ kinh doanh vĩnh viễn với vi phạm nghiêm trọng an toàn thực phẩm |
Ngày 9/7, trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 25, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào nhiều vấn đề cử tri quan tâm, trong đó có nội dung nổi cộm liên quan đến an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô. Các đại biểu đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thịt gia súc không rõ nguồn gốc, rau quả sử dụng hóa chất không kiểm soát và đặt câu hỏi về hiệu quả thực thi các chính sách kiểm soát an toàn thực phẩm tại cơ sở.
Đại biểu Trần Khánh Hưng dẫn vụ việc vừa được Công an TP. Hà Nội triệt phá – một đường dây giết mổ, tiêu thụ heo bệnh hoạt động tại xã Thắng Lợi, xã Hoàng Xá (huyện Thường Tín cũ) và phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm cũ) – để đặt vấn đề về lỗ hổng trong quản lý thịt gia súc tiêu thụ hàng ngày. Theo số liệu báo cáo của UBND thành phố, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 550 tấn thịt gia súc, gia cầm đã được kiểm soát, nhưng con số này chỉ mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thực tế của người dân. “Với 40% thịt còn lại chưa rõ nguồn gốc, câu hỏi đặt ra là nguồn thực phẩm này đến từ đâu và đang được quản lý như thế nào?”, ông Hưng chất vấn.
![]() |
Thịt heo bệnh tuồn ra bán tại chợ Phùng Khoang |
Tương tự, đại biểu Nguyễn Quang Thắng cảnh báo về tình trạng người dân phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng chỉ sau một đêm đã thu hoạch rau để bán ra thị trường, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ông cũng yêu cầu làm rõ tỷ lệ thực phẩm rau quả an toàn so với tổng lượng tiêu thụ tại Hà Nội và tình hình quy hoạch vùng sản xuất rau sạch có kiểm soát nguồn gốc.
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hà Nội - cho biết, lượng thịt được kiểm soát hiện nay chỉ chiếm 60% tổng lượng tiêu thụ. Phần còn lại chủ yếu đến từ các tỉnh ngoài hoặc nguồn nhập khẩu, trong đó có một phần không rõ nguồn gốc và không qua hệ thống kiểm dịch chính thức. Mặc dù thành phố đã ký kết liên kết cung ứng thực phẩm với 40 tỉnh, thành trên cả nước, thực tế vẫn còn tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thịt trôi nổi trên thị trường chưa được giám sát chặt chẽ.
Liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, ông Đại thừa nhận, đã có tình trạng người dân phun thuốc bảo vệ thực vật vào ban đêm và sáng hôm sau thu hoạch rau mang ra tiêu thụ, như trường hợp tại phường Phúc Lợi. Khu vực này có 51ha đất nông nghiệp, trong đó khoảng 8,5ha trồng rau, riêng rau muống chiếm 1,5ha. Tuy nhiên, đất trồng rau lại nằm rải rác xen kẽ với khu trồng cây ăn quả nên việc quản lý tập trung gặp nhiều khó khăn. Giải pháp được ngành nông nghiệp đưa ra là tiếp tục quy hoạch vùng trồng rau an toàn, kết nối chuỗi canh tác sạch và tăng cường thanh kiểm tra kết hợp các chế tài xử phạt đủ mạnh.
Phát biểu làm rõ thêm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, để kiểm soát hiệu quả an toàn thực phẩm cần có giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu dùng. TP. Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị lớn, dân số đông, trong đó thực phẩm được cung ứng từ nhiều địa phương và nguồn nhập khẩu. “Thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng cơ quan có đủ thẩm quyền và năng lực giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng thực phẩm, bảo đảm sức khỏe người dân Thủ đô”, ông Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.
Việc các đại biểu đồng loạt đề cập đến vấn đề an toàn thực phẩm ngay sau khi Hà Nội phát hiện và xử lý một vụ tiêu thụ thịt heo bệnh quy mô lớn cho thấy mức độ bức xúc trong dư luận và tính cấp thiết của việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát.
Với dân số gần 10 triệu người, Hà Nội không thể phụ thuộc vào biện pháp xử lý vụ việc đơn lẻ, mà cần một hệ thống giám sát chặt chẽ, liên ngành, có chế tài đủ mạnh để răn đe vi phạm và bảo vệ người tiêu dùng.