Bài liên quan |
Du lịch San Hô Đà Nẵng bị phạt hơn 220 triệu đồng vì vi phạm môi trường và an toàn thực phẩm |
Phú Thọ siết chặt quản lý giết mổ, bảo vệ an toàn thực phẩm từ gốc |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, hoạt động chất vấn lần này tập trung vào hai nhóm vấn đề lớn: tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa từ kỳ họp thứ 20, và chất vấn trực tiếp về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm – lĩnh vực vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng lại thiếu tính ổn định trong quản lý liên ngành.
Theo chương trình kỳ họp, nhóm vấn đề an toàn thực phẩm được lựa chọn đưa ra chất vấn là kết quả tổng hợp từ các ý kiến đề xuất của đại biểu HĐND, các Ban HĐND và kiến nghị từ cử tri Thủ đô trong nhiều kỳ tiếp xúc. Thực tiễn cho thấy, dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm và chế tài, tình trạng vi phạm về nguồn gốc thực phẩm, tồn dư hóa chất trong rau quả, thịt, cá… vẫn tái diễn tại các chợ truyền thống, cơ sở nhỏ lẻ.
“Đây là nội dung thiết thực, có tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân và đang được Thành phố tập trung chỉ đạo sát sao. Việc đưa vào chương trình chất vấn thể hiện rõ trách nhiệm của HĐND trong giám sát, phản biện và kiến nghị chính sách kịp thời,” ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
![]() |
Hà Nội mở phiên chất vấn về vấn đề an toàn thực phẩm |
Các đại biểu HĐND được kỳ vọng sẽ chất vấn sâu về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn như Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường trong phối hợp thanh tra, kiểm tra; cơ chế truy xuất nguồn gốc thực phẩm; hiệu quả công bố và xử phạt các cơ sở vi phạm. Đồng thời, vấn đề liên thông dữ liệu giữa các ngành và chính quyền cấp quận – huyện – xã cũng sẽ là điểm nóng được đề cập.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng qua phiên chất vấn, Hà Nội có thể đưa ra khuyến nghị cụ thể để hoàn thiện cơ chế giám sát từ khâu sản xuất – phân phối – tiêu thụ; thúc đẩy minh bạch thông tin nguồn gốc thực phẩm thông qua chuyển đổi số; tăng cường chế tài đủ mạnh để răn đe hành vi vi phạm.
Theo giới chuyên môn, an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề y tế công cộng, mà còn gắn bó mật thiết với các mục tiêu phát triển bền vững đô thị, bao gồm sức khỏe dân cư, năng lực tiêu dùng bền vững và hình ảnh thành phố trong mắt nhà đầu tư. Việc HĐND Hà Nội lựa chọn chất vấn nội dung này cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận: không chờ “bức xúc bùng phát” mới xử lý, mà chủ động đặt vấn đề sớm, thảo luận chính sách từ gốc rễ.
Cùng với đó, kỳ họp cũng thông qua nhiều nghị quyết quan trọng khác về tài chính – ngân sách, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội và triển khai mô hình chính quyền 2 cấp. Tuy nhiên, hoạt động chất vấn sẽ là điểm nhấn thể hiện rõ nét vai trò giám sát của HĐND trong bối cảnh Hà Nội đang đổi mới mô hình quản trị địa phương, hướng tới hiệu lực – hiệu quả và lấy người dân làm trung tâm.