Bài liên quan |
Hà Nội thí điểm 155 khu đất làm các dự án nhà ở thương mại |
Hà Nội vào cuộc "hồi sinh" sông Tô Lịch cấp tốc trước ngày 30/8 |
Hà Nội mở phiên chất vấn về vấn đề an toàn thực phẩm |
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, hiện toàn thành phố có hơn 80.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong khi lực lượng chuyên trách về an toàn thực phẩm chỉ khoảng 250 người, chiếm chưa đến 2,5% trong tổng số hơn 10.000 cán bộ liên quan. Đa số cán bộ đều kiêm nhiệm, khiến công tác giám sát gặp không ít khó khăn.
Trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay, các cấp của thành phố đã tiến hành hơn 200.000 lượt kiểm tra, phát hiện và xử phạt hơn 12.900 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền xử phạt lên tới hơn 52 tỉ đồng. Một số cơ sở vi phạm nghiêm trọng đã bị đình chỉ hoặc buộc ngừng sản xuất.
Tuy nhiên, tình trạng lách luật, chuyển địa điểm kinh doanh, hoặc mở cơ sở mới với pháp nhân khác sau khi bị xử phạt vẫn phổ biến. Đặc biệt, các nhóm sản phẩm dễ bị làm giả như thực phẩm chức năng, sữa, đồ uống, thực phẩm bán rong trước cổng trường tiếp tục là “điểm nóng”.
![]() |
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng |
Để tăng hiệu quả răn đe, ông Hưng đề xuất một loạt giải pháp mạnh tay. Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị: Tăng gấp đôi mức xử phạt hiện hành đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; gắn vi phạm với mã định danh cá nhân hoặc tổ chức, đảm bảo truy vết trách nhiệm rõ ràng; đình chỉ kinh doanh vĩnh viễn đối với các cá nhân, tổ chức tái phạm nghiêm trọng.
“Không thể để tình trạng tước giấy phép xong lại ‘mọc’ lên cơ sở mới ở nơi khác. Cần quản lý bằng định danh, chặn từ gốc hành vi lợi dụng kẽ hở pháp luật để tái phạm”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng trong phiên thảo luận, nội dung về chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh nhận được sự quan tâm. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn – Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội – cho rằng, đây là một chính sách nhân văn, nhưng không thể dừng lại ở việc “có bữa ăn” hay “miễn phí”.
Theo ông Tuấn, để chính sách này phát huy hiệu quả, cần đảm bảo nhiều yếu tố: Dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp thể trạng trẻ em và điều kiện cơ sở vật chất tại trường học. Bên cạnh đó, tâm lý, giới tính, thói quen sinh hoạt, điều kiện nghỉ trưa của học sinh, đặc biệt ở cấp tiểu học và mầm non, cũng cần được chú trọng.
Hiện nay, gần 100% trường tiểu học tại Hà Nội đã tổ chức bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm trường chưa đủ điều kiện về bếp ăn, bàn ghế, không gian nghỉ ngơi. Việc bảo đảm suất ăn nóng, đúng giờ, đủ dinh dưỡng cho hàng trăm nghìn học sinh là bài toán không đơn giản, nhất là tại khu vực ngoại thành và vùng khó khăn.
Để triển khai hiệu quả chính sách, thành phố Hà Nội đang thực hiện hai giải pháp song song: Hỗ trợ tài chính cho bữa ăn học sinh, với mức hỗ trợ 100% (30.000 đồng/suất) cho học sinh vùng khó khăn và 70% (20.000 đồng/suất) cho học sinh khu vực nội đô; triển khai cơ chế đấu thầu minh bạch, lựa chọn nhà cung cấp suất ăn đủ điều kiện về chất lượng, an toàn thực phẩm và đúng quy định.
Sự kết hợp giữa chính sách tài chính hợp lý, giám sát chặt chẽ nguồn cung và nâng cấp cơ sở vật chất tại trường học sẽ là những yếu tố then chốt để bảo đảm sức khỏe, sự phát triển toàn diện của học sinh – thế hệ tương lai của Thủ đô.