![]() |
Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse chia sẻ tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) |
Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới” diễn ra chiều ngày 8/7, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse đã chia sẻ thẳng thắn về những cơ hội, thách thức và điều kiện cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh mới. Theo ông, muốn đạt được tăng trưởng hai con số, Việt Nam cần một chiến lược đồng hành toàn diện giữa Nhà nước và doanh nghiệp, thay vì để doanh nghiệp tự bơi trong cuộc đua toàn cầu hóa khốc liệt.
Ông Phú dẫn chứng rằng, chỉ có bốn nền kinh tế châu Á từng làm được điều mà Việt Nam đang hướng tới, đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc - những quốc gia, vùng lãnh thổ này đã duy trì được tốc độ tăng trưởng hai con số trong nhiều năm liên tục. Đây là những tấm gương tiêu biểu cho mô hình phát triển thần tốc dựa trên sự đồng hành chặt chẽ giữa chính phủ và khối doanh nghiệp.
Theo ông, nếu Việt Nam không nhanh chóng tận dụng được cơ hội trong vòng 10–12 năm tới, vốn được coi giai đoạn vàng để tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu thì sẽ khó có cơ hội bứt phá như các quốc gia nói trên đã từng làm.
Dẫn lại kinh nghiệm thực tế từ chính Tập đoàn Sunhouse, ông Phú cho biết, dù đã rất nỗ lực trong bốn năm qua và bước đầu tiếp cận được một số thị trường, nhưng việc tiếp cận được vào những chuỗi cung ứng lớn là điều vô cùng khó khăn. "Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo ra một cơ chế đủ sức cạnh tranh, thì doanh nghiệp khó lòng tự thân đi vào được các ngành công nghiệp công nghệ cao", ông Phú lý giải.
Ông chỉ ra rằng, Trung Quốc là một hình mẫu đáng học hỏi. Họ có chiến lược rõ ràng, chọn ra các doanh nghiệp có tiềm lực và tầm nhìn, sau đó Nhà nước đầu tư đồng hành từ đầu, từ đổi mới công nghệ, đào tạo kỹ sư trình độ cao, cho đến hỗ trợ vốn để doanh nghiệp có thể “chạy đà” ngay cả khi chưa có lãi. Mục tiêu không phải là lợi nhuận trước mắt, mà là giành được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Và khi đã chiếm lĩnh được vị trí, thì lợi nhuận sẽ đến sau.
“Chúng ta cứ muốn có lãi ngay thì sẽ rất khó chen chân vào được ngành công nghệ cao. Vì những đối thủ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã đi trước rất xa rồi”, ông nhấn mạnh.
Cơ hội lớn đang mở ra với Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà nhờ vào sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và các chính sách siết chặt quy tắc xuất xứ hàng hóa. Nhưng ông Phú cho rằng, để nắm bắt được cơ hội này, chúng ta cần phải hành động nhanh, có chiến lược rõ ràng và sự đồng hành thực chất giữa doanh nghiệp và chính sách vĩ mô.
Một trong những gợi ý cụ thể mà ông đưa ra là việc xác định các ngành nghề chiến lược để cùng nhau xây dựng lợi thế cạnh tranh dài hạn. Không thể để doanh nghiệp đơn lẻ tự xác định hướng đi trong khi chi phí đầu vào, hạ tầng, mặt bằng, logistics... đều bị đội lên cao hơn so với các nước cạnh tranh.
Ví dụ về giá đất, ông Phú cho rằng cần có cách tiếp cận mới: “Chúng ta không nên chỉ lo ngại là ‘hết đất’, mà cần xác định giá trị sử dụng thực sự của đất và tạo lập được mức giá sơ cấp phù hợp. So sánh với giá đất công nghiệp, giá nhà ở tại các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… để từ đó xây dựng mặt bằng giá cơ sở cạnh tranh là điều bắt buộc nếu muốn hút được đầu tư và mở rộng sản xuất.”
Khi nguồn cung được kiểm soát tốt, thị trường sẽ tự điều tiết để trở về mức giá hợp lý, đó là nguyên lý vận hành thị trường mà ông Phú nhấn mạnh.
“Kinh tế là một bức tranh tổng thể, không thể chỉ nói trong một vài hội thảo là đủ”, ông Phú chia sẻ. Ông đề xuất rằng nên có những chuyên đề bàn sâu, từ chính sách, ngành nghề, hạ tầng đến đào tạo nhân lực để cùng mổ xẻ và xây dựng năng lực cạnh tranh thực sự cho quốc gia.