Tối 2/7, chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đăng trên mạng xã hội Truth Social thông báo rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ. Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ trong đợt đàm phán lần này, sau Vương quốc Anh và Trung Quốc.
Tuyên bố của Tổng thống Trump khép lại hơn ba tháng đàm phán căng thẳng, trong đó Washington từng xem xét mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh tại RMIT Việt Nam, gọi đây là “một sự thỏa hiệp có ý nghĩa chính trị”. “Việt Nam đã đạt được một bước đi tích cực để ổn định thương mại. Dù vẫn còn nhiều chi tiết kỹ thuật cần làm rõ, thỏa thuận sơ bộ này tạo ra một khoảng đệm quan trọng để doanh nghiệp chuẩn bị và thích ứng với môi trường thương mại đang thay đổi”, ông nói.
Theo Tiến sĩ Tuấn, thỏa thuận này là một bước đi mang tính chiến lược, được tính toán kỹ lưỡng để giảm thiểu rủi ro và duy trì ổn định thương mại. “Việt Nam đã giảm thiểu được rủi ro thương mại, điều mà nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ khiến chuỗi cung ứng đứt gãy và hàng loạt hợp đồng xuất khẩu bị hủy”, ông nhận định. Mức thuế mới, đây là một kết quả thỏa hiệp tích cực trong bối cảnh áp lực chính trị và thương mại leo thang.
![]() |
Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh tại RMIT Việt Nam |
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng đây mới chỉ là tuyên bố chính trị, chưa có bất kỳ văn bản pháp lý song phương chính thức nào được công bố. Điều này đồng nghĩa với việc các chi tiết kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cơ chế kiểm tra và tiêu chí phân biệt giữa hàng Việt Nam thực thụ và hàng “trung chuyển” vẫn đang trong quá trình đàm phán. Việc thiếu minh bạch về mặt thủ tục có thể tạo ra nhiều rủi ro đáng kể cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Một trong những điểm mấu chốt là theo các hiệp định như Hiệp định mới giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada (USMCA) hay Hiệp định Thương mại Tự do Trung Mỹ - Cộng hòa Dominica (CAFTA), Mỹ thường yêu cầu sản phẩm phải có tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa từ 35-45% mới được công nhận là có xuất xứ hợp lệ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được tỷ lệ này, sản phẩm có thể phải chịu mức thuế cao hơn.
Trước thực tế đó, Tiến sĩ Tuấn khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng, đầu tư mạnh hơn vào khâu nội địa hóa, minh bạch hóa quy trình sản xuất và đặc biệt là lưu trữ đầy đủ hồ sơ, từ giấy chứng nhận xuất xứ (CO), hợp đồng, hóa đơn đến vận đơn. Ông cũng lưu ý rằng Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) có quyền thực hiện hậu kiểm bất kỳ lúc nào, kể cả tại nhà máy sản xuất – do đó số hóa hồ sơ và quản trị minh bạch là yêu cầu bắt buộc.
“Không phải tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng như nhau”, Tiến sĩ Tuấn nói. Một số lĩnh vực như dệt may và giày dép – vốn đã quen với mức thuế MFN 10-20% – có thể hấp thụ thêm chi phí. Các doanh nghiệp lớn như Vinatex, TNG hay An Phước với mạng lưới khách hàng đa dạng và khả năng đàm phán tốt có thể thương lượng lại giá để chia sẻ chi phí thuế với đối tác Mỹ. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn hoạt động với biên lợi nhuận mỏng và phụ thuộc vào thị trường Mỹ, sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì đơn hàng và lợi nhuận.
![]() |
Các doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may và giày dép có thể chịu được mức thuế cao hơn, nhưng khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rủi ro lớn hơn về lợi nhuận và ổn định xuất khẩu. |
Ngành điện tử – đặc biệt là các nhà máy linh kiện và lắp ráp cho những tập đoàn lớn như Samsung, Apple hay LG – hiện vẫn duy trì được sự ổn định. Mặc dù thuế suất mới có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn, nhưng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc vẫn giúp Việt Nam giữ được vị thế hấp dẫn với dòng vốn FDI công nghệ cao. Nhiều tập đoàn đã thiết lập hệ sinh thái sản xuất ổn định tại Việt Nam và khó có khả năng rút đi chỉ vì biến động thuế ngắn hạn.
Ngược lại, các ngành như đồ gỗ nội thất, thủy sản (tôm, cá tra), nhựa gia dụng, xe đạp và thiết bị công nghiệp nhẹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Những ngành này trước đây được hưởng mức thuế rất thấp khi vào thị trường Mỹ. Đặc biệt khi so với các nước được hưởng ưu đãi thuế qua hiệp định như Mexico (USMCA) hoặc các đối thủ mạnh như Ấn Độ và Ecuador, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần nỗ lực gấp nhiều lần để giữ chân khách hàng.
Thêm vào đó, nhiều ngành, như nhựa và xe đạp, vẫn đang phụ thuộc đáng kể vào linh kiện từ Trung Quốc. Nếu không tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa, các doanh nghiệp này có nguy cơ bị xếp vào diện “trung chuyển”, phải chịu thuế, điều này sẽ ảnh hưởng thị phần tại Mỹ.
Tiến sĩ Tuấn cho rằng thỏa thuận Việt-Mỹ lần này không chỉ là câu chuyện song phương, mà phản ánh sự chuyển dịch trong chiến lược đàm phán của chính quyền Trump với các nền kinh tế mới nổi. Mỹ ngày càng sử dụng thuế cao như một “cây gậy” để thúc ép đối tác mở cửa thị trường và siết chặt kiểm soát chuỗi cung ứng – tạo áp lực không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn khu vực châu Á.
![]() |
Thỏa thuận của Việt Nam phản ánh sự dịch chuyển chiến lược thương mại rộng lớn hơn của Mỹ dưới thời Trump, trong đó nhiều nền kinh tế châu Á khác cũng đang đối mặt với áp lực thuế ngày càng gia tăng. |
Ông chỉ ra rằng Thái Lan và Malaysia – hai quốc gia có chuỗi cung ứng gắn chặt với Trung Quốc – hiện đang đối mặt với mức thuế cao tương ứng là 36% và 24%. Trong khi đó, Ấn Độ – nhờ quy mô thị trường lớn và vị thế địa chính trị – có khả năng đạt được thỏa thuận thuận lợi hơn. Ngược lại, đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản đang gặp khó: Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung thừa nhận khó đạt thỏa thuận trước thời hạn 9/7, còn Nhật Bản vướng vào yêu cầu Mỹ muốn áp hạn ngạch xuất khẩu ô tô.
Trong bối cảnh này, ASEAN đang áp dụng một chiến lược “lai”, vừa duy trì lập trường chung trong nội khối, vừa linh hoạt để từng quốc gia có thể đàm phán riêng với Mỹ, nhằm tránh bị cô lập trong quá trình thương thảo và giảm thiểu nguy cơ bị gây sức ép đơn phương.
Còn Liên minh châu Âu (EU) thì đang đàm phán từ thế mạnh nhờ thặng dư thương mại lớn với Mỹ và khả năng trả đũa cao. EU không chấp nhận mức thuế cơ sở 10–20% nếu không có nhượng bộ tương ứng từ phía Mỹ – đặc biệt về thuế kỹ thuật số, tiêu chuẩn ESG và quyền tiếp cận thị trường công nghệ. Do đó, đàm phán Mỹ-EU dự kiến sẽ phức tạp và kéo dài hơn, nhưng có thể đạt được một thỏa thuận hai chiều công bằng hơn so với các nước nhỏ và phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam.
Tiến sĩ Tuấn đưa ra bốn khuyến nghị trọng tâm cho doanh nghiệp Việt Nam: Thứ nhất là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ; Thứ hai là đẩy mạnh nội địa hóa và kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng; Thứ ba là số hóa toàn bộ hồ sơ chứng từ để sẵn sàng cho hậu kiểm và cuối cùng là chủ động thương lượng với khách hàng Mỹ về giá cả, thời gian giao hàng và chia sẻ chi phí thuế quan.
Ông cũng lưu ý rằng thỏa thuận lần này đã phần nào làm dịu lo ngại của giới đầu tư. VN-Index phục hồi nhẹ sau tuyên bố từ ông Trump, và một số tập đoàn FDI cho biết sẵn sàng nối lại kế hoạch mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, tâm lý tích cực này sẽ không kéo dài nếu các chi tiết của thỏa thuận không sớm được làm rõ.
“Các nhà đầu tư không muốn một hiệp định mang tính chính trị tạm thời,” Tiến sĩ Tuấn nói. “Họ cần một cam kết lâu dài, có hiệu lực pháp lý và thực thi được trong thực tế.” Dù vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng, ông cho rằng thỏa thuận lần này là khoảng đệm quý giá, giúp Việt Nam tránh được cú sốc thuế quan trừng phạt và mở ra thời gian để các doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, kiểm soát rủi ro về xuất xứ và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.
“Chúng ta chưa thắng. Nhưng ta đã giữ được cửa. Và nếu tận dụng tốt khoảng thời gian này, Việt Nam vẫn có thể bước vào kỷ nguyên thương mại mới với vị thế vững vàng hơn", ông kết luận.