![]() |
Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) |
Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới” diễn ra chiều ngày 8/7, ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế; đồng thời đề xuất các định hướng chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong những năm qua, nhưng để thực hiện hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, tăng trưởng cao là con đường duy nhất. “Các quốc gia muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên thành nước phát triển đều phải duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số trong một thời gian dài, không có ngoại lệ,” ông khẳng định.
Theo số liệu, trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 6,4%/năm. Tuy nhiên, nếu không có tư duy mới, cách tiếp cận đột phá và hành động quyết liệt hơn, Việt Nam sẽ không thể đạt được những mục tiêu chiến lược đã đề ra.
“Đó là lý do chúng ta phải hướng tới mức tăng trưởng cao, dẫu biết rằng thách thức là vô cùng lớn trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu đang diễn biến phức tạp. Dù vậy, mục tiêu vẫn giữ nguyên, kể cả trong các định hướng của Đại hội XIV sắp tới,” Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, muốn đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới, Việt Nam cần đặt mục tiêu cán mốc tăng trưởng trên 8% ngay từ năm 2025 để tạo nền tảng. Và thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng của Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong 15 năm qua, một kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn. Điều này cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước đang phát huy hiệu quả rõ rệt.
Phân tích môi trường vĩ mô, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 5 xu hướng toàn cầu đang tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế: Thứ nhất là sự bất định toàn cầu gia tăng. Các cú sốc chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị, bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu, thiên tai... đang xảy ra với tần suất cao và mức độ nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Các cấu trúc kinh tế và chuỗi giá trị toàn cầu đang bị định hình lại.
Thứ hai là suy giảm động lực tăng trưởng truyền thống. Sự phân cực chính trị và địa chính trị, địa kinh tế và khủng hoảng niềm tin đang tác động tiêu cực tới triển vọng của nhiều nền kinh tế.
Thứ ba là suy giảm niềm tin và hiệu quả hợp tác đa phương: Cạnh tranh chiến lược khiến các cơ chế phối hợp quốc tế trở nên yếu ớt, không kịp thời ứng phó với các cú sốc bất ngờ.
Thứ tư là chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy. Điều này đang thách thức trật tự quốc tế và làm suy yếu hiệu quả quản trị toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).
Cuối cùng là gia tăng các thách thức phi truyền thống: Biến đổi khí hậu, già hóa dân số, suy giảm tài nguyên, thiên tai, dịch bệnh... đang làm trầm trọng thêm khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, nhất là với các nước nghèo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đứng thứ 32 thế giới về quy mô GDP, nằm trong top 20 quốc gia về thương mại và FDI, với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 USD - tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao. "Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, với thu nhập bình quân đầu người trên 13.000 USD, Việt Nam cần một tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới và hành động mới – nhanh hơn, quyết liệt hơn và đồng bộ hơn", Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Chính phủ hiện đang tập trung triển khai ba đột phá chiến lược và bốn trụ cột phát triển, với một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thể chế hóa mạnh mẽ: Quốc hội khóa XV đã thông qua 34 luật và nghị quyết – một con số ấn tượng. Dự kiến tại kỳ họp thứ 10 tới sẽ thông qua thêm khoảng 30 luật khác nhằm cải cách toàn diện thể chế, đồng bộ với tinh thần đổi mới tư duy.
Phân cấp, phân quyền rõ ràng, xác định rành mạch vai trò giữa Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác tối ưu các nguồn lực.
Xử lý hơn 2.800 dự án chậm triển khai, với tổng vốn khoảng 235 tỷ USD, việc tháo gỡ các nút thắt này sẽ tạo thêm không gian phát triển mới cho nền kinh tế.
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) |
Cũng tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Chính phủ đang tập trung triển khai 7 trụ cột chiến lược, xem đây là kim chỉ nam cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Trụ cột đầu tiên là thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong các dự án hạ tầng trọng điểm. Ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện và mở rộng toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025, bảo đảm kết nối liên hoàn trục kinh tế quốc gia. Đây không chỉ là nền tảng phát triển kinh tế vùng mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Song song với đó, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt tốc độ cao, tập trung vào các tuyến kết nối với Trung Quốc, tuyến Bắc - Nam và mạng lưới đường sắt đô thị tại các thành phố lớn. Cùng với đó là phát triển đồng bộ hệ thống sân bay, cảng biển, giao thông liên vùng và hiện đại hóa các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Một trụ cột quan trọng khác là tái cấu trúc không gian phát triển, thông qua việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Việc này không chỉ tạo dư địa phát triển mới cho các địa phương mà còn mở ra cơ hội hình thành các cực tăng trưởng mới như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều đô thị đang chuyển mình mạnh mẽ. Việc sáp nhập các địa phương vùng đồng bằng, ven biển, miền núi sẽ tạo hiệu ứng cộng hưởng tích cực, thúc đẩy tăng trưởng vùng và liên kết quốc gia.
Trụ cột tiếp theo là phát triển các động lực tăng trưởng mới, trong đó lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, công nghệ lượng tử, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo làm nền tảng. Đi kèm với đó là việc xây dựng các mô hình kinh tế hiện đại như khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đặc biệt, chiến lược đào tạo 100.000 kỹ sư ngành bán dẫn đang được triển khai, trong đó khoảng 10.000 kỹ sư sẽ phục vụ các dự án công nghệ mũi nhọn, giúp Việt Nam bắt kịp làn sóng công nghiệp mới.
Trụ cột thứ năm là phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế gồm khu vực tư nhân, khu vực nhà nước và doanh nghiệp FDI, tạo sức mạnh tổng hợp cho nền kinh tế. Chính phủ đang hoàn thiện các chính sách đặc thù cho từng khu vực, đồng thời xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các startup tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp đó là thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ chiến lược. Chính phủ đã ban hành danh mục 30 sản phẩm công nghệ trọng điểm và giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án thu hút 100 nhà khoa học trong và ngoài nước để triển khai các công trình quan trọng liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn – được xem là nền móng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cuối cùng, trụ cột không thể thiếu là đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới. Đây là động lực quan trọng để Việt Nam tiếp cận công nghệ, tri thức, vốn đầu tư toàn cầu và mở rộng thị trường, từ đó hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.