Theo báo cáo thị trường mới nhất của Savills về giao dịch thuê văn phòng tại TP.HCM trong quý 3 năm 2024, có tới 73% giao dịch diễn ra với mục tiêu di dời sang các tòa nhà chất lượng cao hơn. Ngành Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm và Bất động sản (FIRE) dẫn đầu với 39% thị phần, theo sau là lĩnh vực CNTT với 31% và sản xuất chiếm 13%.
Một điểm đáng chú ý là 75% khách thuê đến từ các công ty nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi các doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm 25%. Xu hướng chuyển dịch này càng rõ nét hơn khi chứng nhận xanh trở thành mối quan tâm hàng đầu trong các dự án văn phòng cao cấp tại TP.HCM, với 63% nguồn cung hạng A và B sắp được ra mắt sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững để thu hút khách thuê lớn từ nước ngoài.
Trong phân khúc căn hộ dịch vụ tại khu vực phía Nam, nhóm khách thuê chủ yếu là các chuyên gia và nhân viên công tác tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Mặc dù dòng vốn FDI đang thúc đẩy nhu cầu lưu trú của chuyên gia, nhưng tổng vốn FDI tại TP.HCM đã giảm 11% so với năm trước, chỉ đạt 1,8 tỷ USD. Ngược lại, Đồng Nai ghi nhận mức tăng 41% lên 1,3 tỷ USD, còn Bình Dương cũng tăng 7% lên 1,4 tỷ USD.
Tại phía Bắc, nguồn FDI chủ yếu tập trung ở Hà Nội và đã lan tỏa ra các tỉnh như Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc, từ đó làm gia tăng nhu cầu về nhà ở cho nhóm chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, báo cáo của Savills cho thấy, các tỉnh lân cận vẫn gặp khó khăn về nguồn cung căn hộ dịch vụ chất lượng, khiến cho nhu cầu của các chuyên gia nước ngoài vẫn tập trung chủ yếu tại Hà Nội.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam. |
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định, mặc dù tốc độ tăng trưởng FDI đang chậm lại so với những năm trước, một phần do giảm các dự án đầu tư lớn vào năng lượng, đặc biệt là các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng, nhưng xu hướng đầu tư nước ngoài vẫn duy trì và cho thấy triển vọng tích cực.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, với các chính sách mới từ Chính phủ đã tạo ra một không khí mới cho môi trường kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Những nỗ lực chống tham nhũng thành công đã tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế, cùng với sự tham gia tích cực của các nhà lãnh đạo cấp cao, thể hiện quyết tâm của đất nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Dòng vốn FDI đổ vào các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Hà Nội đã thúc đẩy sự phát triển hạ tầng. Sự cải thiện về cơ sở hạ tầng tạo đà cho quá trình đô thị hóa, làm tăng nhu cầu về nhà ở, văn phòng, và các dịch vụ bất động sản khác.
Trong đó, FDI tập trung vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là công nghệ cao, đã thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp. Các khu công nghiệp mới được mở rộng, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài thiết lập cơ sở sản xuất. Cùng với đó, nhu cầu về văn phòng cao cấp cũng tăng do sự hiện diện của nhiều công ty đa quốc gia.
Khi chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng lên kéo theo nhu cầu lớn về căn hộ dịch vụ. (Ảnh: Internet). |
Lượng chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng lên kéo theo nhu cầu lớn về căn hộ dịch vụ, đặc biệt ở các khu vực như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương. Những căn hộ này không chỉ đáp ứng nhu cầu lưu trú mà còn đòi hỏi tiện nghi và chất lượng cao.
Với sự gia nhập của các nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển, tiêu chuẩn phát triển bền vững và chứng nhận xanh trở thành xu hướng chủ đạo. Các dự án văn phòng cao cấp ngày càng chú trọng đến việc đáp ứng tiêu chuẩn này để thu hút khách thuê quốc tế.
Mặc dù có những tiềm năng lớn, một số khu vực tại Việt Nam vẫn đối mặt với thách thức về nguồn cung bất động sản chất lượng cao. Điều này đặc biệt rõ ở các tỉnh lân cận Hà Nội, nơi nguồn cung căn hộ dịch vụ còn hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu của chuyên gia nước ngoài.
Vậy nên, sự chuyển dịch từ các ngành truyền thống sang công nghệ cao đã ảnh hưởng tích cực đến bất động sản. Việc đầu tư vào sản xuất điện tử, linh kiện tạo ra nhu cầu lớn về mặt bằng sản xuất và không gian làm việc hiện đại.
Ngoài ra, chính sách cải cách hành chính và nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư cũng đóng vai trò quan trọng. Những điều này không chỉ giúp thu hút FDI mà còn tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước.
Nhìn chung, FDI đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại thị trường bất động sản Việt Nam. Mặc dù còn nhiều thách thức phải đối mặt, nhưng với sự tăng trưởng bền vững và chính sách hỗ trợ, thị trường này hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.