Vượt đèn vàng trong tình huống nào sẽ bị xử phạt?

00:00 12/10/2020

Luật Giao thông Đường bộ đã quy định người điều khiển phương tiện thấy đèn vàng, đèn đỏ trước vạch dừng thì phải dừng phương tiện.

Theo quy định của Nghị định 46 của Chính phủ, từ ngày hôm nay (1/8), người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn vàng và đèn đỏ sẽ bị xử phạt tiền lên tới hơn 2 triệu đồng đối với ô tô và 400.000 đồng đối với xe máy.

vuot den vang trong tinh huong nao se bi xu phat? hinh 0
Đèn vàng sáng sau khi phương tiện đi qua vạch dừng sẽ không bị xử phạt. (Ảnh minh họa: KT)
Theo Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, tại Điểm 3 Điều 10 đã quy định rõ: Khi gặp tín hiệu đèn vàng, người điều khiển phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng. Tuy nhiên trong trường hợp phương tiện đã đi quá vạch dừng sẽ được đi tiếp; Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Điều này được hiểu là trong trường hợp khi đèn tín hiệu đèn giao thông chuyển từ màu xanh sang màu vàng, nếu người tham gia giao thông đã điều khiển phương tiện đi qua vạch dừng thì có quyền cho phương tiện đi tiếp. Nếu phương tiện đang ở trước vạch sơn thì buộc phải dừng lại.

Từ năm 2014, tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, tại Điểm L Khoản 3 Điều 5 có quy định: Phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Điểm O Khoản 3 Điều 6 cũng quy định: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Mức phạt trên là mức trung bình giữa mức cao nhất và thấp nhất. Nếu người điều khiển phương tiện là ô tô vượt đèn vàng trong trường hợp không được phép sẽ bị phạt đến 500.000 đồng hoặc 150.000 đồng nếu là phương tiện mô tô hay xe gắn máy.

Tuy nhiên, theo Nghị định 46 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày hôm nay (1/8), mức xử phạt đối với những hành vi vượt đèn vàng, đèn đỏ đã được gộp lại chung lại trong trường hợp không được phép như quy định ở trên sẽ được gia tăng lên tới hơn 2 triệu đồng đối với ô tô và 400.000 đồng đối với xe máy.

Theo đại diện Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) thành viên ban soạn thảo nghị định 46/2016/NĐ-CP, tại nghị định 46/2016/NĐ-CP đã gộp hành vi vượt đèn vàng trong các quy định pháp luật đã có trước đó thành một hành vi chung là “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Vụ An toàn giao thông cũng cho biết, quá trình xây dựng nghị định đã được nghiên cứu kỹ, các nội dung dự thảo đã được đưa ra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân và các bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội thảo lấy ý kiến trong cả nước, sau đó mới tổng hợp để có đề xuất phù hợp nhất trình Chính phủ.

Đại diện Vụ An toàn giao thông cũng viện dẫn Khoản 3 điều 10 Luật giao thông đường bộ quy định: Tín hiệu đèn xanh là phương tiện được đi; tín hiệu đèn đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Do đó, căn cứ vào những quy định hiện hành, người điều khiển phương tiện giao thông hoàn toàn không bị xử phạt trong các trường hợp sang đường khi đèn vàng đang nhấp nháy và đèn vàng sáng sau khi phương tiện đã vượt qua vạch dừng./.

Theo vov.vn