Vụ chứng thư bảo lãnh khống: Ai phải bồi thường?

00:00 12/10/2020

Chứng thư bảo lãnh tuy khống với ngân hàng nhưng lại thật từ phôi đến con dấu và chữ ký của người có thẩm quyền của ngân hàng nên nếu nói ngân hàng vô can là không thấu lý đạt tình.

Sau bài “ Tin chứng thư bảo lãnh (CTBL), MobiFone mất gần 40 tỉ” (Pháp Luật TP.HCM ngày 5-6), chúng tôi nhận được nhiều ý kiến xung quanh giá trị pháp lý của CTBL cùng trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan xung quanh vụ án lừa đảo khiến MobiFone bị thiệt hại gần 40 tỉ đồng.

Thiện chí ban đầu và phán quyết của tòa sơ thẩm

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, Công ty Thìn Phát và Công ty Eapay (do Trương Phú Cường làm giám đốc và phó giám đốc) được Techcombank Phòng giao dịch (PGD) An Lạc cấp CTBL để hai công ty này thường xuyên mua thẻ cào từ MobiFone khu vực (KV) 2. Giai đoạn đầu, các giao dịch liên quan đến CTBL được tiến hành suôn sẻ, đúng quy định.

Đến tháng 2-2012 thì Trần Văn Quân (cựu giám đốc Techcombank PGD An Lạc) và Trần Văn Phước (cựu chuyên viên phòng khách hàng Techcombank PGD An Lạc) làm thủ tục, ký phát hành 26 CTBL khống tổng giá trị 57 tỉ đồng để Cường mua thẻ cào trả chậm của MobiFone KV2… Tháng 1-2013, Techcombank phát hiện và gửi đơn tố cáo đến công an việc Quân, Phước phát hành các chứng thư khống bảo lãnh cho hai công ty để chiếm đoạt gần 40 tỉ đồng.

Sự việc bắt đầu giằng dai: MobiFone KV2 nhiều lần yêu cầu Techcombank thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo các CTBL khống nêu trên. Phía Techcombank thì cho rằng các CTBL ấy không có giá trị pháp lý ràng buộc trách nhiệm của Techcombank.

Mãi đến tháng 10-2013, trên cơ sở thỏa thuận đạt được để không ảnh hưởng đến “mối quan hệ hợp tác khách hàng chiến lược giữa hai bên”, Techcombank đã chuyển cho MobiFone hơn 39 tỉ đồng coi như khắc phục hậu quả.

Sau khi chuyển tiền theo thỏa thuận, bất ngờ phía Techcombank yêu cầu phong tỏa số tiền này trong tài khoản của MobiFone KV2.

Xử sơ thẩm, ngoài việc tuyên phạt Quân 12 năm tù, Phước tám năm tù và Cường 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, TAND TP.HCM còn tuyên không chấp nhận yêu cầu của MobiFone về việc buộc Techcombank bồi thường số tiền bị chiếm đoạt. Từ đó, tòa buộc MobiFone phải trả cho Techcombank hơn 39 tỉ đồng.

Vụ chứng thư bảo lãnh khống: Ai phải bồi thường? - Ảnh 1.

Các bị cáo vụ làm khống chứng thư bảo lãnh để lừa đảo sau phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: HY

Chứng thư khống nên ngân hàng vô can?

Trong vụ này, có quan điểm cho rằng các bị cáo làm CTBL khống để lừa MobiFone nên các bị cáo phải liên đới bồi thường cho MobiFone, chứ không phải Techcombank phải bồi thường.

Luật sư Trần Hữu Nghiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM, lập luận: Vì các chứng thư là do các bị cáo lấy danh nghĩa Techcombank PGD An Lạc lập khống, không có giá trị pháp lý, các bị cáo sử dụng làm công cụ để lừa đảo, chiếm đoạt thẻ cào của MobiFone. Do đó, tài sản các bị cáo chiếm đoạt là của MobiFone chứ không phải của Techcombank.

“Theo các quy định liên quan đến việc ủy quyền trong BLDS 2005 thì Techcombank không phải chịu trách nhiệm thanh toán CTBL khống cho MobiFone, vì các CTBL này do Trần Văn Quân ký phát hành vi phạm ủy quyền của Techcombank. Techcombank không có lỗi, không vi phạm các quy định trong việc quản lý hoạt động bình thường của mình” - luật sư Nghiệp nhận định.

Tuy nhiên, theo luật sư Nghiệp, phần nhận định trong bản án sơ thẩm không thấy HĐXX nêu việc ngân hàng có yêu cầu MobiFone KV2 trả lại số tiền đã chuyển hay không. “Đáng lý, án phải nhận định là tại phiên tòa, ngân hàng có yêu cầu MobiFone KV2 hoàn trả số tiền 39,8 tỉ do các chứng thư không có giá trị pháp lý. Từ đó tòa mới buộc MobiFone KV2 trả lại cho ngân hàng số tiền này. Còn nếu ngân hàng không yêu cầu MobiFone KV2 trả lại số tiền này mà tòa tuyên trả là sai vì giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự” - luật sư Nghiệp nói.

Ngân hàng phải có trách nhiệm

Trái ngược với quan điểm nói trên, nhiều ý kiến cho rằng trong vụ án này, ngân hàng không thể không có trách nhiệm.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP có hội sở đặt tại TP.HCM nói: Xét từ góc độ của khách hàng (người thụ hưởng), họ chỉ biết rằng đơn hàng giao cho người mua đã được bảo đảm bằng CTBL do ngân hàng phát hành với đầy đủ chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền. Người thụ hưởng đã cẩn thận liên hệ với nơi phát hành CTBL để xác nhận và đã nhận được phúc đáp chứng thư đó là thật. Như thế là đã ổn, đã đủ giá trị pháp lý.

“Do vậy, khi xảy ra rủi ro với bên thụ hưởng thì ngân hàng phải là người chịu trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Bởi cán bộ, nhân viên của ngân hàng đã vi phạm thì đó cũng là lỗi do khâu quản lý rủi ro của ngân hàng đã thiếu chặt chẽ” - vị tổng giám đốc bày tỏ quan điểm.

Đồng tình, luật sư Bùi Viết Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng: Pháp nhân phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do người của mình gây ra và có quyền yêu cầu những người gây thiệt hại phải hoàn trả. Trong vụ án này, CTBL tuy không có tài sản đảm bảo, không hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán của ngân hàng… nhưng đó là chuyện của nội bộ ngân hàng, rủi ro đạo đức và tác nghiệp của ngân hàng. “CTBL thật từ phôi chứng thư, thật từ con dấu đến chữ ký của người có thẩm quyền, lại được người có thẩm quyền ký xác nhận chứng thư này là thật khi MobiFone gửi văn bản kiểm tra tính xác thực của chứng thư. Bên bán hàng là MobiFone chỉ cần căn cứ những điều có thật này để đặt niềm tin, từ đó xuất hàng cho khách” - luật sư Nông nói.

Tương tự, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích thêm: Quân và Phước cấp CTBL cho Cường là thực hiện nhiệm vụ của Techcombank. Bởi lẽ Quân là giám đốc PGD An Lạc của Techcombank, có chức năng cấp CTBL đúng phân cấp thẩm quyền theo Quyết định số 015375/QĐ-TGĐ ngày 26-12-2011 của tổng giám đốc Techcombank, chữ ký của Quân là có giá trị pháp lý. Tiếp nữa, con dấu đóng trên CTBL là thật và của Techcombank…

“Ngoài ra, bản án sơ thẩm cũng xác nhận Quân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do đó việc cấp CTBL cho Cường (dù không đúng điều kiện để cấp) vẫn là thực hiện nhiệm vụ của Techcombank. Như vậy, CTBL của Techcombank có giá trị pháp lý đối với MobiFone và MobiFone cũng không cần phải biết điều kiện để được cấp CTBL của Techcombank như thế nào, vì đó là việc quản lý nội bộ của Techcombank. Do có CTBL này nên MobiFone mới bán thẻ cào trả chậm cho Cường và mới bị chiếm đoạt. Vì vậy, về mặt dân sự, Techcombank phải liên đới bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra” - TS Phan Anh Tuấn.

MobiFone không thể biết được chứng thư bảo lãnh bị làm khống

Theo Quyết định số 26/2006 của Ngân hàng Nhà nước, các quyết định của hội đồng quản trị và tổng giám đốc Techcombank thì (giám đốc) Techcombank PGD An Lạc có thẩm quyền ký phát hành CTBL với giá trị, điều kiện và thủ tục theo quy định. Đó là lý do ở giai đoạn đầu, Quân (với tư cách giám đốc PGD An Lạc) đã phát hành nhiều CTBL cho Cường và mọi giao dịch diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, Quân và Phước đã làm 26 CTBL khống (không tài sản đảm bảo, không hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán của ngân hàng). Các CTBL này có pahôi hoàn toàn thật, chữ ký thật của người có thẩm quyền (giám đốc Quân) và con dấu thật của Techcombank PGD An Lạc đóng vào.

Cũng theo án sơ thẩm, đối với 26 CTBL khống, MobiFone cũng đã gửi văn bản yêu cầu PGD An Lạc xác nhận và Quân (với tư cách giám đốc PGD ) đã ký xác nhận và dùng con dấu của PGD đóng vào. Chính vì vậy, án sơ thẩm cho rằng MobiFone "mặc dù đã làm đúng thủ tục xác nhận chứng thư theo quy định của MobiFone nhưng không thể biết được các chứng thư do Cường, Quân, Phước câu kết lập khống, không có tài sản bảo đảm nên đã bán thẻ cào trả chậm nhiều lần cho Công ty Thìn Phát và Eapay".

Theo Phương Loan - T.Linh

Tags: