Truyền thông 2015: Sức mạnh từ độc giả!

00:00 12/10/2020

 Trong một môi trường tin tức đầy biến động, phức tạp và đa chiều, báo chí Việt Nam đang có những bước đi đầy khó khăn để thích ứng với hoàn cảnh. Với sự thống lĩnh của mạng xã hội, ranh giới giữa thông tin tốt và xấu trở nên quá mong manh. Và sức mạnh của độc giả đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các tờ báo.

Truyền hình thống lĩnh, mạng xã hội thẳng tiến. Cũng như ở những nước có tỷ lệ thâm nhập Internet cao, hành vi và thói quen sử dụng tin tức tại Việt Nam đang chuyển biến theo hướng di động, đa phương tiện, đa thiết bị và mạng xã hội. Nhưng truyền hình vẫn là “vua”: tuyệt đại đa số dân (96%) tiếp nhận tin tức ít nhất là hàng tuần (mỗi tuần một lần) qua máy truyền hình. Khi được yêu cầu nêu tên ba nguồn tin cụ thể “quan trọng nhất”, những người tham gia khảo sát của BBG/Gallup chọn bốn kênh truyền hình là VTV, đài địa phương, VTC và HTV, nhiều nhất. Theo sau truyền hình không phải là một phương tiện thông tin đại chúng khác mà là bạn bè/người thân (75% lấy tin từ nguồn này hàng tuần). Nghĩa là tương tác xã hội đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với phần lớn các cơ quan báo chí chính thống. Nhưng tác động từ những công cụ trực tuyến này có lẽ sẽ không nhỏ. Trên thực tế, Facebook dù còn non trẻ đã xếp thứ sáu trong danh sách 10 nguồn tin quan trọng nhất với người Việt. Facebook cũng là ứng dụng (app) được sử dụng thường xuyên nhất trên ĐTDĐ (47%, bỏ xa ứng dụng thứ hai là Google với 16%). Vừa qua, một số tờ báo hàng đầu của Mỹ như The New York Times đã phải ký kết với Facebook một thỏa thuận để Facebook xuất bản trực tiếp một số bài báo của họ. Có thể đây là bước khởi đầu cho một tiến trình thay đổi phương thức xuất bản và phát hành báo chí mà chưa ai biết nó sẽ đi về đâu, hình thù như thế nào.
55555
Một số tờ báo lớn hiện nay.
Điều này cho thấy, trên thực tế các nguồn tin phi chính thống cần được nghiêm túc nhìn nhận như là một dòng chảy văn hóa chính danh, với những giá trị riêng của nó, trong xã hội số. Nhìn nhận để có cách làm tin bài nhạy bén hơn trong các tòa soạn, để đưa ra cách tiếp cận hợp thời hơn trong tư duy và chính sách quản lý môi trường thông tin và truyền thông. Nỗi niềm báo in: Ngược với truyền hình, báo in rơi vào chót bảng trong các phương tiện truyền thông, tin tức được người Việt sử dụng (19%), cách xa thiết bị di động (48%) và Internet (38%), thậm chí bị cả radio (21%) lấn lướt. Trong 10 nguồn tin cụ thể “quan trọng nhất”, không có tên tuổi báo in nào. Tỷ lệ đọc báo in thấp không có gì đáng ngạc nhiên. Xưa nay báo in ở ta chỉ chăm chú phục vụ các vùng đô thị, nơi mà chi phí phát hành thấp và thị trường thích hợp hơn (trình độ giáo dục, khả năng đọc hiểu, nhu cầu tin tức, sức mua và sức hút quảng cáo… trong cư dân đô thị cao hơn nông thôn). Nhưng khó có thể phủ nhận rằng báo in, vốn đã tụt dốc từ khoảng 2008-2009 trở lại đây, có vẻ như đang tiếp tục hứng chịu “cơn lốc số”. Rất tiếc, qua quan sát các sản phẩm số mà các tờ báo in làm ra cũng như tiếp xúc trực tiếp với nhiều tòa soạn, báo in dường như vẫn chưa sẵn sàng thích ứng với thời đại. Phần lớn tham gia không gian đa phương tiện và đầy tính tương tác xã hội mà không thoát khỏi tư duy “độc thoại từ trên xuống” như lúc làm báo giấy. Điều này thể hiện ngay trong những điều cơ bản như cách thiết kế trang web, cách viết và trình bày bài báo… Ngay cả việc cung cấp ứng dụng tin tức (news app) để tận dụng xu hướng di động, hiện chỉ có một hai tờ báo là làm tương đối tốt (như Thanh Niên chẳng hạn). Một vài tòa soạn ý thức được thách thức và cơ hội, cũng chịu khó đầu tư nhưng sự đầu tư manh mún, thiếu nền tảng và hệ thống, với quá nhiều giằng co giữa phát triển cái mới (không có lợi nhuận trước mắt) và níu kéo cái cũ (vẫn là bầu sữa chính). “Lá cải” vẫn lên ngôi! Nhiều người đã lên tiếng về thảm trạng “lá cải” trong báo chí. Đứng thứ năm (sau bốn kênh truyền hình kể trên) trong danh sách 10 nguồn tin cụ thể quan trọng nhất là một tên tuổi còn lạ hoắc cách đây vài năm: 24h.com.vn (được 7.7% người Việt nêu tên). Cũng nằm trong danh mục này là ba trang tin trực tuyến khác: Dantri.com.vn (4,2%), Kênh 14 (4%) và Zing (3,2%). Ngay cả các báo trực tuyến lâu năm và tên tuổi như VnExpress hay VietNamNet đều không có mặt trong danh mục này. Nét chung giữa những trang web “quan trọng nhất” trên là gì? Vào là thấy ngay tin, bài về cướp – giết – hiếp, thấy đại gia này kiều nữ kia, thấy thân hình phụ nữ đem ra phô bày như vật thể trong triển lãm… Những trang web này đặc biệt phổ dụng trong hai nhóm độc giả trẻ 15-24 và 25-34 tuổi. Tỷ lệ tuổi 35 trở lên chọn chúng là nguồn “quan trọng nhất” đều rất thấp. Làng báo Việt Nam trong những năm tới sẽ chịu nhiều biến động, các tờ báo mang tính giải trí thuần túy sẽ nở rộ trong đó dần dần tư nhân sẽ nắm phần chi phối. Đừng tưởng các tờ này sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến xã hội! Chúng sẽ định hình như đang định hình các chuẩn mực văn hóa theo hướng chủ nghĩa tiêu thụ, chạy theo hư danh phù phiếm. Lúc đó mọi người chỉ còn quan tâm đến các xì căng đan được liên tục tạo ra vừa để câu khách vừa để làm bệ phóng cho giới giải trí. Và sức mạnh từ độc giả: Khi truyền hình thống trị và mạng xã hội thăng tiến. Khi báo in với rất nhiều nỗi niềm chưa tìm ra hướng đi tốt nhất, các tờ báo lớn nhỏ, trong và ngoài nước đang phải chống chèo, ứng phó, thích nghi với trào lưu số hóa. Người đọc chuyển dần sang lướt web, lên mạng thay cho đọc báo giấy truyền thống, bởi đọc báo mạng vừa nhanh, vừa tiện lợi. Và cái chính là lên mạng, người đọc cảm nhận rõ ràng tính không chia cắt, không biên giới của thông tin. Báo giấy từ đó ngày càng trở nên thất bát, hầu như tờ nào cũng sụt giảm số lượng phát hành, có tờ phải rút lui, phá sản… Đó là một trong nhiều ví dụ cho thấy sức mạnh của độc giả đang làm lung lay những nền móng cơ bản mà mấy chục năm trước ai cũng nghĩ là vô cùng vững bền của báo chí truyền thống – gọi nôm na là báo chí “giấy trắng mực đen”. Và ngày càng rõ ra một điều: độc giả chính là người dẫn dắt, quyết định sự tồn tại và đường hướng phát triển của báo chí. Điều này thể hiện rõ nhất, sinh động nhất vai trò của người đọc, sức mạnh của độc giả. Bạn đọc là người chọn lựa, quyết định. Do vậy, báo chí phải được phục vụ bạn đọc rộng rãi và thông tin rộng khắp. Khánh An- congluan.vn