Trở về Phó Bảng

00:00 12/10/2020

Thời gian trôi qua đã hơn bốn mươi năm nhưng hình ảnh cha mặc bộ quân phục biên phòng mùa đông, đầu đội mũ vải bông, ôm súng AK, đứng đứng gác giữa lưng chừng vách núi cheo leo, dựng đứng bên đồn biên phòng Phó Bảng (Đồng Văn, Hà Giang) trong bức ảnh đen trắng vẫn in đậm trong tâm tưởng của tôi. Tấm hình ấy, một thời là niềm kiêu hãnh, tự hào của anh em tôi với bạn bè cùng trang lứa. Và, vách đá cheo leo bên cái đồn cha đứng ấy cũng là điểm đến trong ước mơ của tôi, suốt cả thời niên thiếu, cả sau này nữa, nhưng mãi đến tận bây giờ mới trở thành hiện thực. Đó là những ngày đầu tháng 12 năm 2015, tôi và đoàn công tác của cơ quan lên cao nguyên đá Đồng Văn đã được cha tôi đưa về thăm đơn vị cũ của ông. Đấy là đồn biên phòng Phó Bảng.

Trở lại với kí ức tuổi thơ, cái vách núi dựng đứng, cheo leo mà cha một thời đứng gác ở mãi tít xa của miền biên ải cực bắc ấy đã từng gợi lên trong trí tưởng tượng của tôi biết bao điều kì thú. Nó vừa là hiện thân của vẻ đẹp kì vĩ, hoang sơ, thơ mộng nơi miền biên viễn vừa gợi lên những vất vả, gian lao của những người chiến sĩ biên phòng. Cũng có khi, cái hình ảnh ấy còn làm tôi liên tưởng tới những vẻ đẹp oai hùng, dũng cảm, thông minh, không ngại gian khó hi sinh để bảo vệ biên cương tổ quốc của những người chiến sĩ biên phòng mà tôi vẫn thường nghe trong những câu chuyện cảnh giác vào mỗi tối thứ bảy trên làn sóng phát thanh của đài tiếng nói Việt Nam ở những thập kỉ bảy mươi, tám mươi của thế kỉ trước. Hôm nay, được cha đưa về Phó Bảng thân yêu, lòng tôi sao không khỏi bồi hồi, náo nức, xao xuyến. Tôi không bồi hồi, náo nức, xao xuyến sao được bởi Phó Bảng ấy trong tôi không chỉ là nơi bốn mươi năm trước cha tôi đã từng sống và chiến đấu, mà đó cũng là nơi anh trai tôi cũng đã từng công tác. Thế đấy, đồn biên phòng Phó Bảng, tôi tuy bây giờ mới đặt chân đến nhưng là nơi đã từng gắn bó với hai thế hệ gia đình tôi. Cho nên nó tuy có vẻ xa nhưng với tôi thực ra rất gần. doan-cong-tac Đoàn công tác cùng các đồng chi lãnh đạo Đồn biên phòng Phó Bảng. Lần đầu tiên đặt chân đến Phó Bảng, tất cả mọi người trong đoàn chúng tôi ấn tượng vô cùng với mảnh đất vốn đã từng được mệnh danh là thị trấn "ngủ quên" (hay còn gọi là thiếu phụ ngủ quên trong rừng). Đó là khung cảnh nhẹ nhàng, yên bình của một thung lũng như đang ẩn mình dưới những vách núi. Trên con đường vào đồn biên phòng, hiện ra trước mắt là hình ảnh của những phiến đá tai mèo dựng đứng, xám xịt; những nếp nhà ngói ống rêu phong và tường trình nứt nẻ với màu đất nâu nhạt hoặc vàng vọt có dán đôi câu đối chữ Hán đã ngả màu thời gian ở trước cửa. Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất với tôi; ngoài con đường ngoằn ngoèo, quanh co hiểm trở với một bên vách núi dựng đứng và một bên vực sâu thăm thẳm là khung cảnh của đồn Phó Bảng, với một không gian xanh, vừa giản dị vừa gọn gàng, ngăn nắp; đẹp đẽ và thơ mộng. Giữa cái mênh mông, bao la của thiên nhiên hùng vĩ, khuôn viên của đồn không rộng lắm nhưng cũng đủ gợi cho tôi cảm nhận được những cái rất riêng về nơi ở xưa của cha và anh (không biết có phải vì quá yêu nơi này không mà tôi lại có những cảm nghĩ như vậy). Từ dưới chân đồn đi lên là những rặng đào đã bắt đầu hé nở những nụ hồng chúm chím, những cây đào cổ thụ dáng vươn cao giữa mảnh đất biên cương khắc nghiệt của thời tiết như chứng tỏ sức sống mãnh liệt, rắn rỏi của cây cối và con người nơi đây. Xung quanh đồn là những núi đá, vách núi trập trùng; vách núi nào cũng dựng đứng giống như tấm hình tôi đã từng thấy trong bức ảnh cha chụp năm xưa. Trên sân đồn, các anh bộ đội đã trồng những vườn hoa, cây cảnh. Vườn hoa, cây cảnh ở đây được chăm sóc, cắt tỉa rất đẹp. Những giò hoa lan vừa đâm bông vừa nở hoa với đủ màu sắc như đang khoe sắc rất quyến rũ, đáng yêu; những cây đào phai gốc xù sì, gân guốc  được cắt tỉa đẹp chẳng kém gì những vườn hoa đào thế ở Nhật Tân của Hà Nội. Vượt qua một chặng đường dài ngót năm trăm cây số từ Hà Nội lên tới cao nguyên đá Đồng Văn, được gặp một không gian tuyệt đẹp như thế này ai chẳng thích. Các thầy giáo, cô giáo trong đoàn chúng tôi thi nhau chụp ảnh; ai cũng vui sướng, thích thú như không muốn để lỡ một cơ hội chụp hình hiếm hoi; mọi người tranh thủ chụp ảnh để lưu lại hình ảnh của mình với cảnh quan của đồn để làm kỉ niệm. Ấn tượng nhất với chúng tôi là cái dòng chữ mà các anh chiến sĩ biên phòng trang trí trên khuôn viên của trước đồn. Đó chính là dòng chữ "Đồn là nhà - Biên giới là quê hương". Mới đầu tôi cứ ngỡ đây là khẩu hiệu. Nhưng không, gặp các anh, nghe các anh tâm sự về công việc và cuộc sống ở đây thì chúng tôi mới thực sự thấu hiểu. Mái đồn ấy đúng là ngôi nhà chung của đại gia đình các cán bộ, chiến sĩ; dải đất biên cương nơi địa đầu tổ quốc yêu dấu ấy đúng là các anh đã coi như quê hương. Nếu không có sự đoàn kết, yêu thương; không có tình yêu với vùng đất biên viễn như máu thịt như thế chắc hẳn các anh sẽ khó lòng vượt qua những gian khó, thậm chí cả hiểm nguy ở nơi xứ lạ toàn đá với đá này. Cái dòng chữ "Đồn là nhà - Biên giới là quê hương" ấy là quan niệm về gia đình và cuộc sống của các anh bộ đội biên phòng. Nó giản dị mà thấm thía như một tuyên ngôn về phương châm sống, các anh giữ đồn, giữ vững biên cương cũng là giữ gìn sự bình yên cho gia đình, cho chính quê hương của mình. Một ấn tượng sâu sắc nữa đối với chúng tôi là tấm lòng cởi mở và chân thành. Tuy là lần đầu gặp nhau nhưng các chiến sĩ biên phòng đón tiếp rất chu đáo, tự nhiên như là đón những người đã từng quen biết nhau từ lâu lắm. Cách đón tiếp ấy làm cho tôi có cảm giác mình như được trở về nhà với những người thân trong gia đình sau những tháng ngày đi xa. Đến với đồn biên phòng Phó Bảng chúng tôi đã có dịp hiểu hơn công việc của những con người làm nhiệm vụ canh giữ biên cương; hiểu và trân trọng sự hi sinh thầm lặng của các anh cho sự bình yên của đất nước. Các chiến sĩ biên phòng đều phải sống xa nhà, xa gia đình, mỗi năm chỉ có một dịp nghỉ phép. Hàng ngày các anh làm nhiệm vụ tuần tra khắp các nẻo đường vùng biên (đồn Biên phòng Phó Bảng được giao nhiệm vụ quản lý 21,654 km đường biên với 39 cột mốc); đi dạy học xóa mù cho đồng bào các dân tộc (phụ trách gồm 4 xã và 1 thị trấn; có 10 thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn, trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng 80%, trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, đời sống khó khăn); phải đối phó với những âm mưu của kẻ địch và bọn tội phạm (Phó Bảng được xác định là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh quốc gia cũng như các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội). Qua những câu chuyện của các anh, cũng như sự trải nghiệm trên con đường xe chạy từ Thành phố Hà Giang lên Đồng Văn chúng tôi đã phần nào tưởng tượng và hình dung được những vất vả, gian lao, khó khăn mà các anh đã và đang phải trải qua hàng ngày. Gặp gỡ và trò chuyện cùng các chiến sĩ biên phòng đồn Phó Bảng, chúng tôi càng thấu hiểu những vất vả của các anh, hiểu hơn về cuộc sống và những con người ở đồn biên phòng nơi biên giới xa xôi. Chia sẻ với các anh nhưng cũng tự hào về các anh (trong đó có cả niềm tự hào về cha và anh) những người chiến sĩ đeo quân hàm màu xanh, đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ từng tấc đất biên cương của tổ quốc. Chúng tôi thầm cảm ơn các anh nhiều lắm, cảm ơn những con người đang ngày đêm thầm lặng làm nhiệm vụ, bảo vệ bình yên cho mọi người; cảm ơn những tình cảm chân thành mà các anh đã dành cho đoàn chúng tôi. Với tôi, chuyến thăm đồn Phó Bảng có lẽ là một kỉ niệm đẹp, thật vui và ý nghĩa, vì tôi đã được cùng cha trở về thăm đơn vị xưa, đến nơi tôi đã từng mơ ước cả một thời niên thiếu. Kỉ niệm này hẳn sẽ không thể nào quên. Mùa xuân lại sắp về, những nụ đào đang e ấp, chờ gió xuân để được khoe sắc trên khắp sân đồn và trên những nẻo đường tuần tra biên giới của các anh chiến sĩ. Còn chúng tôi vẫn luôn nhớ tới các anh, những người lính biên phòng đang ngày đêm thầm lặng hi sinh vì sự bình yên của đất nước ở nơi tuyến đầu tổ quốc thân yêu; những người lính trẻ trung, lạc quan, tinh tế, luôn dành cho mọi người những tình cảm ân tình, nồng thắm. Chia tay các anh chúng tôi thầm chúc cho các anh sức khỏe, bình an với nhiều chiến công mới và lại ao ước sẽ có ngày được trở về với Phó Bảng thân yêu. Tác giả bài viết: Giang Hiền Sơn (Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội)