Thương nhớ bác An Thuyên

00:00 12/10/2020

IMG_1769

Anh em đồng hương Nghệ An chúng tôi thường gọi Thiếu tướng – Nhạc sĩ An Thuyên là bác An Thuyên. Bác An Thuyên cũng gọi chúng tôi bằng chú. Trưa 3/7/2015, bác An Thuyên gọi điện cho tôi, bảo “Tám giờ tối nay chú ra Văn phòng Hiệp hội (hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp VN) họp với Ban Thường vụ nhé”.

Tôi không phải là Ủy viên BTV của Hiệp hội nhưng được bác An Thuyên (Chủ tịch Hiệp hội) mời dự họp, chắc là để tham góp ý kiến về công tác truyền thông của Hiệp hội chăng? . Trước đó, tôi cũng đã thống nhất với bác Bành Thông cùng đề nghị BTV Hiệp hội cho sáp nhập Chuyên đề TÁC PHẨM MỚI (bản in và trang điện tử tacphammoi.net – thuộc Công ty TÁC PHẨM MỚI và Hương Đất Việt, Sổ tay Người yêu thơ của CLB Thơ Việt Nam) thành một ấn phẩm chuyên về VHNT của Hiệp hội. Có lẽ, những đề xuất của chúng tôi sẽ được BTV Hiệp hội đưa ra bàn bạc vào tối 3/7 nên bác An Thuyên gọi điện mời tôi dự họp chăng? 5h chiều hôm đó, tôi đang đi trên đường, chợt điện thoại rung, liền táp xe vào lề đường. Giọng bác Bành Thông cũng rung lên, ngắt quãng: “Nhạc sĩ …An Thuyên…chết…chết”. Tôi giật giọng : “Sao? Bác nói sao? Bác nói lại đi! Bác An Thuyên làm sao?”. Bác Bành Thông hổn hển: “Nhạc sĩ An …Thuyên..chết rồi…”. “Trời! Sao có chuyện đó! Trưa nay bác An Thuyên còn gọi điện cho em…Bác nghe tin ở đâu?”. Bác Bành Thông, bảo: “Anh Đặng Văn Hùng vừa báo tin cho tôi”. Không thể tin nổi Nhạc sĩ An Thuyên tài hoa, sung sức, giàu lòng nhân ái lại đột ngột ra đi trong lúc này!.Tôi choáng váng! Nắng quái ngùn ngụt. Hai tròng kính của tôi mờ mịt. Dòng người vẫn dửng dương cuồn cuộn trong nắng. Tôi lau mắt kính vội tra danh bạ. Điện thoại của tôi không lưu số máy anh Hùng (Chánh văn phòng Hiệp hội); tôi liền gọi cho anh Phan Quốc Việt. Giọng anh Việt vẫn nồng nhiệt: “Tối nay nhớ đi họp nhé. Tám giờ nhé”. Vậy là anh Việt vẫn chưa biết tin dữ. Tôi hi vọng có sự nhầm lẫn. Bác An Thuyên còn sung sức lắm. Nhiều dự định, dự án của bác ấy còn đó. Vậy mà… Đã có rất nhiều bài báo ca ngợi công lao to lớn của Nhạc sĩ An Thuyên với nền âm nhạc Việt Nam và với sự phát triển của Trường Đại học VHNT Quân đội do bác ấy nhiều năm làm Hiệu trưởng. Nhưng ít người nói đến vai trò của bác An Thuyên trong việc thành lập Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp VN. Bác An Thuyên là người chủ trì vận động thành lập Hiệp hội và đã tập hợp được lực lượng đông đảo các doanh nghiệp, các trí thức VN tham gia. Qua mấy lần hội thảo; qua rất nhiều thủ tục hành chính, Ngày 27/12/2003, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 2179/QĐ –BNV thành lập Hiệp hội. Đại hội lần thứ Nhất của Hiệp hội diễn ra vào ngày 20/3/2014, tại Khách  sạn Mường Thanh, đã bầu bác An Thuyên làm Chủ tịch, nhiệm kỳ 2014 – 2019. Đây là một tổ chức phi chính phủ về văn hoá đầu tiên của VN, ra đời để cùng các doanh nghiệp và xã hội chăm lo cho nền kinh tế phát triển trên nền tảng văn hoá dân tộc Việt. Bác An Thuyên cho rằng, trong kinh doanh, nếu không coi văn hóa là cốt lõi, thì kinh tế sẽ không có nền móng để phát triển. Các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… đều coi văn hoá là nền tảng, đồng thời là động lực, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế. Ở ta, một số doanh nghiệp làm ăn tốt đã có văn hoá doanh nghiệp, nhưng chỉ giới hạn trong tập đoàn, công ty họ, mà chưa lan toả ra toàn quốc gia. Còn lại, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến văn hoá, chỉ đến khi kinh tế thất bại mới nhận ra rằng: Thiếu văn hoá trong kinh doanh, là nguyên nhân chính làm kinh tế thất bại. Hiệp hội ra đời trong bối cảnh đó. Tôi nhớ, hôm Văn phòng Hiệp hội nhận con dấu cũng là ngày Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 9 về xây dựng nền Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (thay thế Nghị quyết TW 5, Đại hội 7 về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc). Cho hay rằng, bác An Thuyên đã nắm bắt rất trúng và đúng xu thế của thời đại với tầm nhìn xa. Sứ mệnh của Hiệp hội quá lớn; nhiều việc lớn của Hiệp hội đã được Đại hội lầ thứ Nhất thông qua rất cần sự chèo lái của bác An Thuyên. Vậy mà... Nhiều bài báo cũng ca ngợi tình cảm cao đẹp của bác An Thuyên với bạn bè, với học sinh v.v nhưng chưa ai nói về tình cảm của bác ấy với người thầy. Tôi có người bạn đồng hương, đồng nghiệp là anh Nguyễn Minh Đức, Tổng biên Báo Kinh tế Đô thị. Anh Đức là cháu ruột cụ Nguyễn Trung Phong – tác giả vở chèo “Cô gái sông Lam” và kịch dân ca “Khi ban đội đi vắng”, trong đó trích đoạn “Giận mà thương” nổi tiếng. Qua tài liệu của anh Đức, tôi đã viết bài về cụ Nguyễn Trung Phong đăng trên các báo và in trong tập “Kí sự nhân vật” của tôi. Khi đọc bài viết  về cụ Nguyễn Trung Phong, bác An Thuyên xúc động, kể cho tôi nghe: cụ Nguyễn Trung Phong, nguyên Phó ty Văn hóa Nghệ Tĩnh, là “người thầy đầu tiên” đã dìu dắt bác An Thuyên từ khi bác An Thuyên làm việc ở Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh. Ngày ấy, với sự dìu dắt của cụ Phong, bác An Thuyên đã  lặn lội khắp nơi để sưu tầm các làn điệu dân ca xứ Nghệ. Bác An Thuyên nhận định, những tác phẩm nổi tiếng của cụ Nguyễn Trung Phong như “Cô gái sông Lam”; “Khi ban đội đi vắng (tập hợp những vở kịch dân ca Nghệ Tĩnh) v.v. chưa phải là lớn, mà công lao rất to lớn của cụ Phong là nghiên cứu, sư tầm, bảo tồn Dân ca Ví Gặm Nghệ Tĩnh. Cụ Phong còn là người đầu tiên đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu với loại hình nghệ thuật kịch hát dân ca. Bác An Thuyên khẳng định, cụ Nguyễn Trung Phong xứng đáng được Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng đến nay, công lao của cụ chưa được Nhà nước ghi nhận. Bác An Thuyêng nói với tôi, muốn dành tình yêu và vốn hiểu biết của mình để khẳng định công lao to lớn của cụ  Nguyễn Trung Phong với đất nước nhưng chưa thực hiện được. Rồi bác An Thuyên hỏi thăm tới chị Phương, chị Phương (con gái cụ Phong – bạn học với tôi). Sau khi dân ca Ví Giặm trở thành di sản của nhân loại (“Giặm” chứ không phải “Dặm” – đã có hội thảo thống nhất sử dụng chữ “Gặm”), Nhà báo Nguyễn Minh Đức bảo tôi viết tiếp bài báo về vai trò của cụ Nguyễn Trung Phong với việc nghiên cứu, bảo tồn dân ca Nghệ Tĩnh và nhờ tôi kết nối với bác An Thuyên để cùng nhau “làm cái gì đó” về cụ Phong. Nhưng chúng tôi chưa kịp làm gì cho cụ Nguyễn Trung Phong thì bác An Thuyên đột ngột ra đi. Bác An Thuyên ơi, ngày bác ra đi, em bận công tác ở miền Trung, không được tiễn đưa bác tới nơi an nghỉ cuối cùng. Hôm nay, Ban Chấp hành Hiệp hội lại họp mà không có sự chủ trì của bác- một khoảng trống vắng biết bao giờ lấp đầy!

 Sáng ngày 9/10/2015

 Bài và ảnh Cao Thâm

Chú thích ảnh: Thiếu tướng - Nhạc sĩ An Thuyên trả lời phỏng vấn báo chí sau khi kết thúc Đại hội Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp lần thứ Nhất,  ngày 20/3/2014.