Thương mại hóa tài sản trí tuệ trong Trường Đại học, Viện nghiên cứu trước bối cảnh hội nhập

00:00 12/10/2020

Trước xu thế hội nhập sâu rộng cùng kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam đã đặt ra bối cảnh phải cạnh tranh. Do đó, nhận thức về vai trò của đổi mới là xúc tác cho sự phát triển kinh tế đang ngày càng được thể hiện rõ. Việc thương mại hóa tài sản trí tuệ  trong Trường Đại học, Viện nghiên cứu để nâng cao tầm ảnh hưởng của việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng như áp dụng trong  đời sống kinh tế - xã hội cần phải được khai thác và phát huy triệt để.

Đó là ý kiến của TS Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học& Công nghệ) tại Hội thảo “Tăng cường khai thác tài sản trí tuệ trong các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu trong bối cảnh hội nhập quốc tế” được tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) ngày 27/4.

Cần thương mại hóa kết quả nghiên cứu của Trường Đại học, Viện Nghiên cứu

Theo đó, Trường Đại học, Viện Nghiên cứu được kỳ vọng sẽ đóng góp phần nhiều hơn cho sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế. Ở khía cạnh khác, hiện nay có một khối lượng lớn các nghiên cứu, tiến bộ khoa học và công nghệ trong các trường đại học và viện nghiên cứu không được sử dụng, chỉ một số được xem như những thành tựu mang tính hàn lâm, đặc biệt khi đã tiêu tốn rất nhiều ngân sách để hỗ trợ cho việc nghiên cứu đó. Vấn đề cốt lõi ở đây là những nỗ lực nghiên cứu không gắn liền với việc ứng dụng thương mại của các kết quả nghiên cứu.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để có thể thương mại hoá thành công các kết quả nghiên cứu. Những điều kiện nào cần có và những yếu tố nào cần được xem xét để có thể biến các kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm dịch vụ và từ đó thu được tiền. Việc thương mại hoá kết quả nghiên cứu của trường đại học, viện nghiên cứu cũng như các cách thức để thương mại hoá thành công kết quả nghiên cứu được bảo hộ dưới dạng quyền sở hữu trí tuệ.

Theo TS Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học& Công nghệ): “Dù có sự khác nhau ở chừng mực nào đó, trường đại học và viện nghiên cứu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều là cái nôi tạo ra những kết quả sáng tạo, bên cạnh hoạt động sáng tạo của doanh nghiệp và các chủ thể khác. Cũng giống như các nước trên thế giới, các trường đại học của Việt Nam không chỉ là nơi để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao mà còn là các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ”.

“Để có được các thành quả sáng tạo từ các công trình nghiên cứu, trường đại học, viện nghiên cứu phải đầu tư nhân lực, vật lực, thời gian. Yêu cầu của nhà nước cũng như từ cuộc sống là các kết quả nghiên cứu tốn kém đó phải được chuyển thành các sản phẩm dịch vụ hữu ích cho xã hội. Trường đại học, viện nghiên cứu cũng mong muốn như vậy, bên cạnh mong muốn thu hồi vốn đầu tư để trang trải chi phí nghiên cứu cũng như tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu. Đó chính là lý do cho việc cần phải thương mại hoá các kết quả nghiên cứu”. Ông Lâm nhấn mạnh.

Theo PGS - TS Nguyễn Anh Thi (ĐHQGTPHCM): “Bản chất của thương mại hoá kết quả nghiên cứu là biến kết quả đó thành sản phẩm và thu tiền. Đây là một quan hệ mang tính kinh tế. Trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường, cần có một cơ chế để tạo điều kiện và động lực cho hoạt động này và một trong số đó là cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”.

“Trong hoạt động nghiên cứu, sở hữu trí tuệ tạo ra một hệ thống giúp cho các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học thu được lợi ích từ chính những sáng tạo của mình. Bắt đầu bằng việc hệ thống sở hữu trí tuệ tạo ra cơ chế bảo vệ các thành quả sáng tạo, ở đây đối tượng chủ yếu được đề cập tới là sáng chế của các nhà khoa học, của các trường đại học, viện nghiên cứu”. PGS - TS Nguyễn Anh Thi cho biết thêm.

 Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm hạn chế vi phạm bản quyền

TS Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo hộ quyền sử hữu trí tuệ trước thực trạng vi phạm bản quyền tràn lan hiện nay: “Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chính là công cụ để ngăn chặn và trừng phạt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cũng như các hành vi gian dối khác liên quan đến các thành quả sáng tạo được bảo hộ. Các thành quả nghiên cứu, sáng tạo sẽ được bảo hộ theo các quy định của pháp luật. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể yên tâm trong việc sử dụng và khai thác, hoặc chuyển giao công nghệ và có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng các chế tài đối với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có hành vi xâm phạm”.

“Ngược lại, nếu không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo điều kiện cho các hành vi sao chép lậu, bắt chước của những người không tốn công sức và chi phí đầu tư nghiên cứu, sáng tạo. Không những thế, trong nhiều trường hợp các kết quả nghiên cứu không được bảo hộ kịp thời thì các cá nhân, tổ chức khác có thể lợi dụng thời cơ đăng ký và có khả năng được bảo hộ theo quy định của pháp luật thì nguy cơ bị mất những thành quả đầu tư sáng tạo sẽ rất lớn, hoặc sẽ gặp nhiều phiền toái trong việc kiện tụng đòi lại quyền hoặc thậm chí việc sử dụng, khai thác chính thành quả sáng tạo của mình cũng bị coi là xâm phạm quyền của người khác, điều này sẽ làm nhụt chí các chủ thể sáng tạo và làm triệt tiêu động lực sáng tạo”. TS Lâm phân tích.

TS Nguyễn Tường  Long, Đại học Bách Khoa (ĐHQGTPHCM) cho biết: “Một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh và thực thi phù hợp là điều kiện quan trọng cho hoạt động đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ mới. Không có sự bảo hộ độc quyền sáng chế thì không cá nhân, tổ chức nào yên tâm bộc lộ công nghệ của mình hoặc đầu tư cho phát triển công nghệ bởi bất kỳ người nào cũng có thể tự do sử dụng nó. Hệ thống bảo hộ độc quyền sáng chế sẽ giảm bớt rủi ro đến từ những hành vi "ăn cắp" công nghệ đó và nhờ vậy khuyến khích cá nhân, tổ chức đưa ra các quyết định đầu tư cho phát triển công nghệ mới”.

“Tuy nhiên, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không phải là điều kiện duy nhất để một kết quả nghiên cứu có thể được thương mại hoá thành công. Điều kiện đầu tiên và xuất phát điểm chính là kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đó có hữu ích với xã hội, có tính cạnh tranh trên thị trường để có thể tạo động lực cho việc thương mại hoá hay không? Một phần câu trả lời cho câu hỏi này là trường đại học, viện nghiên cứu cần phải sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ trong toàn bộ quá trình nghiên cứu, không chỉ dừng lại ở việc bảo hộ các kết quả nghiên cứu bằng các quyền sở hữu trí tuệ”. TS Long nhấn mạnh.

 Hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mang lại cho các chủ thể sáng tạo cơ hội để có thu nhập. Đó là thu nhập để tự bù đắp các chi phí trong quá trình nghiên cứu (vốn, nhân lực, thời gian, trang thiết bị) là lợi nhuận do ưu thế cạnh tranh trên thị trường (như sản phẩm độc quyền, doanh số hoặc giá bán cao hơn), đó còn là thu nhập từ việc chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng độc quyền cho người khác khai thác.

“Như vậy, cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tạo động lực cho sáng tạo, càng tạo ra các sản phẩm trí tuệ hữu ích càng có cơ hội thu được nhiều lợi ích. Phần thưởng cho họ là lợi ích về tài chính và được thúc đẩy để lặp lại quy trình sáng tạo, đầu tư một phần thu nhập của mình cho hoạt động nghiên cứu và triển khai để tạo ra thành quả sáng tạo mới. Và cứ như vậy, nếu chúng ta thừa nhận đúng là mọi người được thúc đẩy bởi lợi ích tài chính thì rõ ràng là cơ hội thu lợi từ sự đổi mới, sáng tạo sẽ có tác động kích thích hoạt động đổi mới, sáng tạo và nếu cơ hội đó diễn ra ở quy mô rộng lớn thì cũng kích thích nền kinh tế phát triển”. TS Lê Ngọc Lâm phân tích.

Tóm lại, có thể nhận định rằng, để góp phần thương mại hoá thành công các kết quả nghiên cứu, trước hết cần phải bảo hộ chúng dưới dạng quyền sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ là điều kiện để góp phần thương mại hoá thành công kết quả nghiên cứu, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bài và ảnh: Anh Đức (Văn phòng Đại diện phía Nam)