Thu thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại: "Vẽ đường" cho hàng lậu?

00:00 12/10/2020

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng như điện thoại, nước hoa được xem là hình thức "tận thu" và có thể tiếp tay cho hàng lậu, hàng xách tay tràn vào Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo TS Cấn Văn Lực, trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thì việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với di động thể hiện chính sách thiếu nhất quán, mâu thuẫn.

Mới đây, UBND TP.HCM đã đề xuất với Bộ Tài chính về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng, trong đó đáng chú ý có điện thoại di động. Lý do đánh thuế được UBND TP. HCM đưa ra là nhằm “giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên”. 

Muốn đẩy mạnh kinh tế số nhưng lại áp thuế

Trao đổi với PV báo Lao Động, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho biết: “Tôi không đồng tình với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại di động (ĐTDĐ). ĐTDĐ là công cụ rất phổ biến và cần thiết cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang muốn phát triển kinh tế số. 

Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trên Mobile Banking thì việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ĐTDĐ thể hiện chủ trương chính sách thiếu nhất quán, mâu thuẫn. Vừa muốn đẩy mạnh Mobile Banking nhưng lại áp thuế lên công cụ. 

Về mặt chủ trương, tôi đồng ý cần nghiên cứu để tăng cơ sở thuế lên. Qua nghiên cứu của chúng tôi, khả thi nhất có thể tăng cơ sở thuế ở 2 mảng là thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng xa xỉ và thuế thu nhập cá nhân. Đối với thuế VAT và các thuế khác đã hết dư địa để tăng.

Tuy nhiên, áp thuế tiêu thụ đặc biệt cần nghiên cứu kỹ từng mặt hàng và xu thế của mặt hàng đó. ĐTDĐ là công cụ phổ biến cho người dân. Với mức thu nhập theo đầu người tăng lên và với xu thế công nghệ phát triển thì ĐTDĐ không còn là mặt hàng xa xỉ nữa. Theo tôi, không nên tăng thuế với mặt hàng này”. 

Liệu có "vẽ đường" cho hàng lậu giá rẻ tràn vào?

Một chuyên gia khác cho rằng thuế TTĐB thường đánh vào những mặt hàng không khuyến khích có hại cho sức khỏe (như thuốc lá, bia rượu ...) hoặc những hàng hóa xa xỉ. Trong khi điện thoại, mỹ phẩm, nước hoa, thẩm mỹ là những hàng hóa, dịch vụ cần trong cuộc sống thì không nên tính thuế TTĐB.

Đồng quan điểm trên, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, điện thoại là mặt hàng phổ biến, là phương tiện liên lạc chủ yếu của mọi người trong xã hội, nó là mặt hàng cần được khuyến khích. Việc áp thuế quá nặng đối với điện thoại di động sẽ vô hình chung tạo điều kiện cho hàng xách tay, hàng lậu tràn vào Việt Nam. 

Thêm vào đó, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ tại. Thuế này do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hóa đó nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.

Ngoài ra, LS Diệp Năng Bình cũng bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất của UBND TP.HCM về đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước hoa, mỹ phẩm... Theo đó, các mặt hàng này đều đã phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng và cũng là nhu cầu chính đáng của con người. 

"Ngoài việc tìm các giải pháp để tăng thu cho ngân sách thì hãy kiếm tìm các giải pháp tiết kiệm ngân sách. Đó mới là sáng kiến hay nhất", LS Bình nói. 

Lan Hương - Phạm Dung