Thanh Hóa: Loay hoay bài toán xây dựng chợ an toàn thực phẩm (ATTP)

00:00 12/10/2020

Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chợ ATTP là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2019. Ngày 2/1/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 01 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó đặt mục tiêu xây dựng 169 chợ ATTP trên địa bàn tỉnh.

Chợ Quảng Cư- Tp Sầm Sơn. 

Tuy nhiên, hiện nay các huyện, thị xã, thành phố đang loay hoay tìm giải pháp cho mục tiêu này. Điều đáng nói, nguyên nhân được coi là “gây khó” lại xuất phát từ sự ràng buộc, áp dụng cứng nhắc của các quyết định, văn bản liên quan đến  chợ.

Theo 33 chỉ tiêu xây dựng chợ ATTP quy định tại TCVN 11856;2017, ngoài các tiêu chí nghiêm ngặt khác thì tiêu chí cứng về cơ sở vật chất là nền tảng và khó thực hiện hơn các tiêu chí mềm. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 398 chợ đang hoạt động, chủ yếu các chợ là chợ hạng 2 và hạng 3 cơ sở, vật chất kỹ thuật bị xuống cấp. Để xây dựng chợ ATTP cần  có nguồn vốn lớn phục vụ  xây dựng, bổ xung, mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, theo quy định nguồn kinh phí chỉ được giải ngân khi chợ  được công nhận là ATTP. Như vậy, để xây dựng được chợ ATTP, cần phải kêu gọi đầu tư . Lúc này, Nghị định số 173/2010/NQ-HĐND ngày 8/12/2010 ban hành chính sách  hỗ trợ đầu tư  xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Nghị quyết số  29/2016/NQ- HĐND ngày 8/12/2016 ban hành một số chính  sách đối với đối tượng tham gia đầu tư xây dựng chợ trở thành “cứu cánh” cho việc xây dựng chợ ATTP. Nhưng tại Quyết định số 08/2018/QĐ- UBND ngày 19/3/2018 về việc hướng dẫn quy trình chuyển đổi mô hình kinh doanh chợ lại đang bộc lộ những bất cập, làm chậm quá trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ đồng thời gián tiếp làm chậm thời gian thực hiện kế hoạch xây dựng chợ ATTP 

 Cụ thể, tại khoản 5 Điều 1 QĐ 08/ 2018 nêu: “ Đối với chợ thuộc khu vực thành phố, thị xã, thị trấn  và chợ nằm ở vị trí  có giá trị thương mại cao thuộc địa bàn xã của các huyện: áp dụng lựa chọn nhà đầu tư, quản lý kinh doanh khai thác chợ theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư” nhưng quyết định này không kèm theo  khung tiêu chuẩn cho việc đánh giá như thế nào là “vị trí thương mại cao”, như vậy việc đánh giá chỉ là định tính sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhà đầu tư.

Tirong QĐ 08, cũng không quy định về mặt thời gian, trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi xử lý hồ sơ của các chợ thuộc diện đấu thầu phải thực hiện, dẫn đến tình trạng kéo dài trong việc thực hiện kế hoạch dự án của các đơn vị cơ sở. Đặc biệt là thời gian xử lý hồ sơ đối với các nhà đầu tư đã xây dựng  chợ  và thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm tiền thuê đất.

Chợ Chớp, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa

Hơn nữa, theo quyết định này, việc cập nhật kế hoạch sử dụng đất áp dụng cho các chợ mở rộng diện tích, thay đổi vị trí xây dựng chợ và cả chợ không thay đổi diện tích, vị trí. Nội dung này thực hiện theo đúng luật đấu thầu, nhưng có phần cứng nhắc. Bởi vì, mục đích chỉ chuyển đổi mô hình kinh doanh và quản lý, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu áp dụng quy định này, nên chăng chỉ áp dụng cho các chợ thay đổi diện tích và vị trí. Được biết, kế hoạch sử dụng đất chỉ cập nhật 1lần/năm, như vậy gây mất rất nhiều thời gian .

Theo ông Nguyễn Minh Long - Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Thanh Hóa, thành phố Thanh Hóa được giao xây dựng 25 chợ ATTP trong năm 2019. Nhưng để đạt được mục tiêu là rất khó, bởi khoảng 2/3  chợ  trên địa bàn cơ sở vật chất xuống cấp, cần phải đầu tư xây dựng để thực hiện các tiêu chí mềm khác. Điển hình như chợ Chớp tại phường Tào Xuyên, để đầu tư xây dựng, kinh phí ước tính khoảng 2 tỷ, nếu không kêu gọi đầu tư thì không thể xây dựng chợ ATTP, nhưng  khâu thủ tục, hồ sơ  lại khó khăn, kéo dài thời gian nên việc kêu gọi không phải là câu chuyện dễ,  

Cũng đang tìm hướng đi cho việc xây dựng chợ ATTP, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sầm Sơn cho biết, thành phố được giao xây dựng 5 chợ ATTP trong năm 2019, nhưng một số  chợ cũng đang trong tình trạng tạm bợ, thiếu thốn cơ sở vật chất, chẳng hạn  như chợ Quảng Cư- thành phố Sầm Sơn, các chợ rất cần nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Trên đây là hai thành phố phát triển của tỉnh Thanh Hóa nhưng việc xây dựng chợ ATTP đang gặp nhiều vướng mắc, còn những huyện vùng sâu, xa thì việc xây dựng chợ ATTP lại khó khăn hơn gấp bội. Tựu chung lại, để tạo hành lang thông thoáng thực hiện kế hoạch xây dựng 169 chợ ATTP trong năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung Quyết định 08 để kịp thời tháo gỡ, nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng chợ ATTP trên địa bàn tỉnh. 

Phương Giang