Tàu vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tàu vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nhiều bất cập, kẽ hở Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản (từ tháng 7/2014) trong sự háo hức của nhiều ngư dân để đóng tàu vươn khơi. Tuy nhiên, khi “chạy” được một thời gian, chính sách này đã gặp nhiều “sóng gió”, đặc biệt là vụ hàng loạt tàu cá vỏ thép bị gỉ sét, hư hỏng nặng, khiến ngư dân “ngồi trên đống lửa” ở Bình Định, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Nam... Trong báo cáo Thủ tướng mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết, tổng số tàu cá được đóng mới theo nghị định trên được phân bổ cho các địa phương là 2.284 chiếc, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 2.079 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần là 205 chiếc... Đến hết tháng 5/2017, các tỉnh đã phê duyệt 1.948 chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn, trong đó chủ tàu đủ điều kiện đóng mới là 1.510 tàu (619 tàu vỏ thép, 149 tàu vỏ composite và 742 tàu vỏ gỗ); nâng cấp 438 tàu. Trong số 1.948 chủ tàu đã được phê duyệt, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 981 chủ tàu, số tiền cam kết cho vay tới 9.710 tỷ đồng, đã giải ngân 8.783 tỷ đồng... Đến nay, số tàu đóng mới đi vào hoạt động là 666 tàu, trong đó có 297 tàu vỏ thép, 347 tàu gỗ và 22 tàu composite. Theo đánh giá từ các địa phương, đa số tàu cá đóng mới hoạt động hiệu quả khá. Nhiều tàu đã trả nợ vốn và lãi cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng, như ở Nam Định, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu... Nghị định 67 có một số chính sách đã hết thời hạn trong năm 2016, sau đó, Chính phủ cho phép kéo dài thực hiện đến hết 31/12/2017. Tại dự thảo tờ trình sửa đổi nghị định trên, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần sửa đổi. Bộ NN&PTNT cho biết, việc cân đối, bố trí kinh phí đối với các công trình đầu tư hạ tầng cho ngành thủy sản chưa được bố trí vốn theo đúng quy định tại Nghị định 67. Dù vậy, tiến độ và khả năng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, đặc biệt là nơi neo đậu tàu cá có kích thước lớn, tàu vỏ thép... đã bị ảnh hưởng. Tham khảo kỹ ý kiến ngư dân Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, trong thủy sản, lĩnh vực nuôi trồng có thể đóng góp nhiều tỷ USD xuất khẩu, nhưng nhiệm vụ quan trọng, đóng góp vào chiến lược phát triển biển Việt Nam lâu dài, chính là đẩy mạnh nghề cá xa bờ. “Biển là mặt tiền, là sự thể hiện vững chắc về hiện tại và là tiền đồ của Việt Nam sau này”-ông Thắng nói. Ông Thắng cho rằng, Nghị định 67 có nhiều nội dung nhằm giúp nghề cá hiện đại lên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có lúc chưa đồng bộ, lúc nhẹ cái này, nặng cái kia. “Chúng ta cứ lo chạy theo việc đóng cái tàu nhiều hay ít, nhưng cũng quên mất cơ sở dịch vụ hậu cần phải đầu tư gấp 3 lần con tàu. Đó là hệ thống đóng mới, sửa chữa tàu, đào tạo nhân lực, cảng cá, bến cá, cơ sở chế biến để giúp sản phẩm bắt được cao lên… Đây cũng là cơ hội chúng ta rà soát lại hệ thống đó”- ông Thắng nói. Còn ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho rằng, hai năm qua, nghị định 67 chỉ mới giải quyết được một nội dung là đóng tàu mới, nhưng việc đó cũng chưa làm xong, nhất là hàng loạt tàu vỏ thép bị hư hỏng, lộ ra nhiều bất cập khác... “Nghị định 67 có nhiều kẽ hở bị lợi dụng. Chưa kể, các cơ sở đóng tàu họ còn có kiểu là nâng khống giá tàu lên, để đảm bảo phần 10% đối ứng của ngư dân đã có trong đó, ngư dân không cần nộp tiền… Từ đó, họ bằng nhiều cách để “mua chuộc” ngư dân như đi tham quan này nọ, rồi giành lấy phần đóng tàu về họ”- ông Lĩnh nói. Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cũng cho biết, lâu nay Nghị định 67 xảy ra nhiều kẽ hở, hệ lụy vì sản phẩm ra đời rất nhanh chóng từ ý đồ tốt, nhưng chưa được thảo luận và lấy ý kiến từ ngư dân một cách cặn kẽ. “Do vậy, sửa đổi lần này cần tham khảo kỹ hơn ý kiến của ngư dân thông qua các hiệp hội, hội của họ, chứ không phải là các sở. Các cơ sở là quan quản lý, vừa là cấp dưới, tính phản biện vừa không khách quan, không mạnh mẽ”- ông Lĩnh nói. (Theo Nam Khánh - Tienphong.vn)