Ông David Dương: Nếu có "sự cố", chúng tôi chịu thiệt hại nặng nhất!

00:00 12/10/2020

Thời gian vừa qua, dư luận đang đặt nghi vấn mùi hôi phát tán nhiều trong khu vực Nam Sài Gòn có thể xuất phát từ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư. Trước hiện tượng này, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của TP.HCM đã rất quan tâm, tích cực vào cuộc kiểm tra, phân tích, đánh giá và sẽ có báo cáo kết quả kiểm tra mang tính khách quan, khoa học trong thời gian sớm nhất, đồng thời báo cáo Chính phủ theo yêu cầu của Thủ tướng.
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đang tiếp nhận rác
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đang tiếp nhận rác
Chủ đầu tư nói gì về mùi hôi phát tán ở khu Nam Sài Gòn? Trước hiện tượng nêu trên, nhằm tìm hiểu thông tin, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã đi thực tế tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước nhiều lần; đồng thời, có cuộc trao đổi với ông David Dương – Tổng giám đốc VWS về nguyên nhân hiện tượng mùi hôi phát tán tại khu Nam Sài Gòn và thực tế hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Ông David Dương cho biết: “Ngay sau khi có thông tin về mùi hôi, VWS đã tìm đến tận nơi những người bạn bè, bà con nhân dân và các chuyên gia của chúng tôi ở trong các khu vực này để tìm hiểu thì được biết, có nhiều mùi khác nhau. Trong đó, thỉnh thoảng nghe mùi rác nhẹ nhưng mùi gần nhất nghe được gần đây là mùi phân heo, nước tiểu heo và cá chết sình. Một số người cho biết mùi hôi rất nồng nặc. Theo tôi, nếu vậy chắc chắn mùi hôi phải xuất phát ở gần nơi họ sinh sống, bán kính tối đa chỉ trong vòng 1 km. Trong khi đó từ Đa Phước tới khu vực có mùi ở quận 7 có nhiều khoảng trống, khu công nghiệp, khu nuôi heo... Hơn nữa, khu Đa Phước được quy hoạch tới hơn 1.000 ha với rất nhiều hoạt động, còn chúng tôi chỉ có 128 ha mà thôi. Công ty VWS chúng tôi không đổ lỗi cho ai cả, chúng tôi chỉ nói trên phương diện là có mùi, cả những công nghệ sản xuất phân, chuyên chở phân cá, nước rỉ rác... Riêng về phía VWS, chúng tôi chỉ làm hết cách là kiểm soát tối đa tất cả những hoạt động của mình để hạn chế tối đa mùi. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tìm ra nguyên nhân để xử lý mùi hôi chứ không phải đổ lỗi cho ai. Bởi trong các trường hợp xảy ra sự cố về môi trường, thì bản thân chúng tôi là người sẽ chịu thiệt hại trước tiên và hậu quả nặng nề nhất, vì toàn bộ tài sản, vốn liếng và cả uy tín của Công ty VWS đã đều “đặt cược” hết cả vào đây!”. Trao đổi với PV về những công việc cụ thể mà Công ty VWS đã làm để phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cùng khẩn trương truy tìm nguyên nhân mùi hôi phát tán, ông David Dương cho biết: “Từ ngày 20/8/2016, chúng tôi đã thuê Công ty bảo vệ Nhật Việt Yuki Sepre 24 đặt một số chốt kiểm soát tại những vị trí mà người dân gọi báo có mùi hôi, đặc biệt là quận 7 và  huyện Nhà Bè. Các chốt này hoạt động 24/24, khi có điện thoại gọi vào thì nhân viên bảo vệ sẽ tiếp nhận cuộc gọi và nếu có thể sẽ tiếp cận trực tiếp với người gọi để ghi lại giờ, nồng độ cảm nhận được. Đồng thời, người trực này sẽ thông báo cho Quản lý đang trực tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để báo cáo tình hình và kiểm chứng với Trạm quan trắc thời tiết đặt tại Khu liên hợp để kiểm tra hướng gió, tốc độ gió, tình hình thời tiết và hoạt động trên công trường tại thời điểm đó. Những thông tin này sẽ giúp Công ty VWS kiểm soát quy trình vận hành và mùi hôi của những xe rác mới đổ được khống chế tốt cỡ nào và phát tán đi hướng nào, bao xa... Đây là phương cách thí nghiệm và cũng còn một vài thí nghiệm sắp tới chúng tôi sẽ thử xem chiều gió đẩy như thế nào. Cũng từ những phản ảnh của người dân tại quận 7 cho rằng, mùi hôi tanh, nồng nặc phát tán từ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, Ban quản lý VWS đã tiến hành những thử nghiệm theo tính toán khoa học để xác minh xem mùi hôi rác từ khối lượng rác tiếp nhận mỗi đêm có bị phát tán vượt quá sự khống chế của công nghệ mà VWS đang áp dụng hay không. Kết quả cho thấy, việc phát tán mùi hôi của rác này được xác nhận chỉ ảnh hưởng đến khu vực xung quanh bán kính khoảng 300m trong phạm vi quy hoạch vành đai cây xanh cách ly Khu liên hợp. Chúng tôi cũng đã chủ động có văn bản gửi UBND TP.HCM thông báo về những phản ánh của người dân và hoạt động của Công ty VWS. Đồng thời, đề nghị Thành phố chỉ đạo gấp các cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm tra, kiểm soát và tìm nguyên nhân phát tán mùi tanh hôi. Bản thân Công ty cũng sẽ phối hợp kiểm tra vận hành tại nhà máy cũng như phối hợp với cơ quan chức năng để tìm ra nguyên nhân. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có đoàn kiểm tra xuống nhà máy của Công ty nhiều lần và liên tục kiểm tra việc vận hành, từ khâu tiếp nhận rác, phun xịt, bao phủ rác ra sao. Thậm chí đoàn kiểm tra còn đi xung quanh vành đai bãi rác Đa Phước để nhận biết mùi hôi phát tán đi bao xa. Sau đó đoàn có đưa ra những yêu cầu sơ bộ như cần tăng cường nhiều hơn thuốc phun xịt khử mùi, tiếp nhận rác ở dưới thấp đừng để trên cao... và chúng tôi luôn luôn hợp tác, tuân thủ các yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM”. Ông David Dương cũng cho biết thêm: Công ty VWS đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng của TP.HCM sớm giải tỏa, tái định cư cho các hộ dân sống trong vùng cách ly cây xanh ở khu vực Đa Phước để giao các đơn vị trồng cây xanh cách ly giảm phát tán mùi ra các khu dân cư. Theo quy hoạch, Thành phố có trách nhiệm triển khai xây dựng vành đai cây xanh cách ly 300m xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa triển khai, mặc dù VWS đã kiến nghị nhiều lần. Để hỗ trợ cùng Thành phố triển khai gấp việc này, Công ty đã tiến hành đền bù, giải tỏa 40 ha đất nhằm triển khai sớm vành đai cây xanh cách ly tại Khu liên hợp.
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đã và đang hoạt động hiệu quả, ổn định.
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đã và đang hoạt động hiệu quả, ổn định.
Khoanh vùng, khẩn trương truy tìm nguyên nhân Những thông tin mà ông David Dương cung cấp nêu trên hoàn toàn đúng với những nội dung mà ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cung cấp cho các cơ quan báo chí trưa ngày 31/8/2016. Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, sau khi tiếp nhận đơn cầu cứu của người dân khu Nam Sài Gòn, đặc biệt là cư dân ở Phú Mỹ Hưng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cử 16 cán bộ tham gia ghi nhận tình hình. “Chúng tôi đã cử cán bộ túc trực 24/24 giờ tại khu vực Nam Sài Gòn. Ban đầu xác định mùi hôi không phải xảy ra liên tục mà chỉ xuất hiện thỉnh thoảng. Chúng tôi đã khoanh vùng những nơi có khả năng phát sinh mùi” – ông Thắng nói. Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết 2 tháng qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn về khí tượng nhận thấy thời tiết có nhiều thay đổi nên đã chỉ đạo các đơn vị xử lý chất thải phải tăng chế phẩm sinh học để giảm bớt mùi hôi, thời gian đóng - mở bãi ngắn nhất để giảm thấp nhất ô nhiễm. “Để xác định mùi hôi, đòi hỏi phải dựa vào cơ sở khoa học. Chúng tôi đã phối hợp với chuyên gia, cơ quan dự báo và quan trắc để xác định nguyên nhân. Quan điểm của Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường là phải nhanh chóng xác định nguyên nhân để tìm hướng khắc phục” – ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh. Được biết, trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Công ty VWS, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình về việc kiểm soát và khống chế ô nhiễm mùi hôi trong hoạt động xử lý chất thải của nhà máy. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công ty VWS xem xét, nghiên cứu giảm thời gian hoạt động của nhà máy; bố trí thời gian, nhân sự, trang thiết bị, phương tiện tiếp nhận và xử lý chất thải hợp lý sao cho bảo đảm chất thải được xử lý nhanh nhất khi đến nhà máy; tăng cường phun xịt chế phẩm sinh học khử mùi, phun xịt liên tục khu vực ô chôn lấp đang tiếp nhận chất thải và khu vực hồ chứa nước thải… Đối với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình bố trí thời gian tiếp nhận bùn thải hợp lý, không tiếp nhận bùn vào ban đêm. Bố trí nhân sự, trang thiết bị và phương tiện để tiếp nhận bùn thải vào khu vực xử lý một cách nhanh chóng nhất. Tăng cường phun xịt chế phẩm sinh học khử mùi khu vực tiếp nhận, xử lý bùn thải. Có các giải pháp bao phủ, che kín các khu vực tiếp nhận và xử lý bùn thải.
VWS là Công ty tư nhân đầu tiên thực hiện thành công xã hội hóa xử lý chất thải tại Việt Nam
VWS là Công ty tư nhân đầu tiên thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa xử lý chất thải tại Việt Nam
Công ty tư nhân đầu tiên thực hiện thành công xã hội hóa xử lý chất thải Theo ông David Dương, hưởng ứng chủ trương xã hội hóa công tác xử lý chất thải, qua sự kêu gọi đầu tư của Chính phủ, Công ty California Waste Solutions – CWS (Hoa Kỳ) – Công ty mẹ của VWS đã đề nghị được thực hiện Dự án xử lý chất thải rắn tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM với 100% vốn nước ngoài. Tại thời điểm năm 2005 - 2006, tốc độ đô thị hóa TP.HCM tăng nhanh, việc xử lý rác thải tại Thành phố hết sức bức bách, trong khi khả năng xử lý rác của các bãi rác hiện hữu do ngân sách Nhà nước đầu tư còn hạn chế. Do vậy, việc khẩn trương xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước là một công việc cấp thiết, quan trọng của Thành phố để giải quyết trước mắt 6.000 tấn rác/ngày. Trong điều kiện ngân sách Thành phố còn gặp nhiều khó khăn, việc huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động xử lý rác với các công nghệ tiên tiến là điều rất cần thiết. Dự án đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của Công ty VWS đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư tháng 12/2005. Như vậy, Công ty VWS là đơn vị đầu tiên thực hiện chương trình xã hội hóa, tự bỏ vốn đầu tư 100% vào lĩnh vực xử lý rác tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung thời điểm năm 2005. Theo đó, đơn giá xử lý rác của Công ty VWS đã được UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xem xét thẩm định trên cơ sở hồ sơ trình của chủ đầu tư. Sau đó, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Tại Công văn số 6869/VPCP-QHQT ngày 25/11/2005, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Đồng ý về nguyên tắc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước – Bình Chánh – TP.HCM, với những nội dung cơ bản của Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và UBND TP.HCM kiến nghị cụ thể…”. Sau khi dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư, UBND TP.HCM đã ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết Hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn với Công ty VWS ngày 28/2/2006 với giá xử lý ban đầu là 16,4 USD/tấn và được điều chỉnh hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố nhưng không được tăng quá 3%/năm và nếu CPI là âm sẽ giữ nguyên mức giá năm trước. Được biết, đơn giá xử lý rác hiện nay của Công ty VWS là 20,166 USD/tấn. Đơn giá này của VWS đã được các Sở, ngành có ý kiến, xem xét, phân tích, dựa trên các yếu tố về quy môi đầu tư, công nghệ vận hành, tiêu chuẩn bảo đảm về mặt môi trường, thời gian thực hiện dự án, điều kiện cơ sở hạ tầng của khu vực thực hiện dự án, các chi phí khác có liên quan… Đơn giá xử lý rác 20,166 USD/tấn của Công ty VWS (đã bao gồm chi phí vận hành 28 năm sau khi đóng bãi) cũng tương đương với đơn giá xử lý rác hiện nay của một số nhà máy xử lý rác khác trên địa bàn TP.HCM (từ 19 USD – 20,38 USD/tấn). Như vậy, đơn giá xử lý rác của Công ty VWS đã được xây dựng và thẩm định trên cơ sở chi phí đầu tư, xây dựng và vận hành trước và sau khi đóng bãi; đồng thời, đã được các Sở, ngành chuyên môn của TP.HCM tham gia đóng góp ý kiến và đã được UBND TP.HCM báo cáo xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đơn giá xử lý rác của Công ty VWS do Tổ công tác liên ngành thẩm định phù hợp với điều kiện thực tế tại thời điểm ký hợp đồng, đến thời điểm này không có diễn biến bất thường so với các quy định tại Hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, từ khi bắt đầu tiếp nhận, xử lý rác cho TP.HCM từ năm 2007 đến nay, quy trình vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước luôn hoạt động rất tốt và ổn định. Trước thời điểm 30/11/2014, để chuẩn bị tiếp nhận thêm khối lượng rác 2.000 tấn/ngày từ Khu xử lý rác Phước Hiệp chuyển qua, VWS đã mua sắm thêm một số trang thiết bị máy móc chuyên dụng và tăng cường số lượng công nhân viên kiểm tra, kiểm soát và phun xịt thêm hóa chất thân thiện với môi trường để khống chế tối đa mùi hôi của rác và diệt côn trùng. Công việc này được thực hiện thường xuyên và liên tục 24/24 giờ. (theo tainguyen&moitruong.vn)