Những người phụ nữ có ảnh hưởng lớn đối với lịch sử Việt Nam dưới các triều đại phong kiến

00:00 12/10/2020

Dưới thời chế độ phong kiến, khi mà người phụ nữ không được xem trọng, bởi quan niệm “Nhất nam thì viết hựu, thập nữ viết vô” của Nho giáo nhưng những người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn khẳng định được vai trò, vị trí của mình đối với lịch sử, đối với dân tộc.

lac-long-quan

Từ thời hồng hoang, người phụ nữ đầu tiên có dấu ấn đặc biệt quan trọng đó là mẹ Âu Cơ. Mẹ Âu Cơ là quốc mẫu của dân tộc ta, người có công sinh thành nên dân tộc ta với truyền thuyết “sinh ra một bọc có trăm trứng, nở trăm con”. Từ đó, đất nước chúng ta  và có lẽ là đất nước duy nhất có hai từ “Đồng Bào” thân thương. Nhưng một người phụ nữ khác cũng theo truyền thuyết đã vô tình nhấn chìm cơ đồ của đất Việt xuống biển sâu đó là nàng Mỵ Châu. Chính nàng đã tiết lộ bí mật của nỏ thần để rồi nước ta bị Triệu Đà xâm chiếm. Nói về sự việc này, nhà thơ Tố Hữu đã viết: Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu; Trái tim nhầm chỗ để trên đầu; Nỏ thần vô ý trao tay giặc; Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.

mi-chau-trong-thuy

Sau khi Triệu Đà xâm chiếm nước ta, hai người phụ nữ khác đã đứng lên chống quân xâm lược giành lại độc lập cho dân tộc ta đó là hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị). Cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng đã giành lại nền độc lập cho dân tộc 3 năm từ năm 40-43, viết về sự kiện này, có lẽ không ai có lời bình hay hơn nhà sử học Lê Văn Hưu: Trưng Vương là dòng dõi bậc thần minh, nhân lòng dân oán hận, nổi giận, khích lệ người cùng chung mối thù. Nghĩa binh đi đến đâu gần xa đều hưởng ứng, 65 thành ngoài miền Ngũ Lĩnh một buổi sớm đều thu phục được, người dân chịu khổ từ lâu, không khác gì đã ra khỏi vực thẳm được thấy mặt trời. Bà quả là bậc anh hùng khí khái hơn người. Tuy rằng quân mới tập hợp, bị tan rã khi đã thành công, cũng làm hả được lòng căm phẫn của thần dân một chút... Khi đất nước bị chìm đắm, thì hầu như lại được khôi phục do một nữ chúa ở Mê Linh. Lúc đó bậc con trai mày râu phải cúi đầu ngoan ngoãn tuân theo không dám làm gì, chẳng đáng thẹn lắm sao?. Cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng cuối cùng bị dập tắt, nước ta lại bị các thế lực phương Bắc đô hộ. Nối gương hai Bà Trưng, vào năm 248, một cuộc khởi nghĩa khác đã diễn ra và cũng do một người phụ nữ khởi xướng đó là cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh. Với một ý chí: Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!. Đã làm nên cuộc khởi nghĩa vang dội, đánh cho quân Đông Ngô bạt vía, đến nỗi Ngô Vương Tôn Quyền phải cho Lục Dận (là cháu của Lục Tốn) đem 8.000 quân sang mới đánh lui quân khởi nghĩa.

hai-ba-trung Từ thời hồng hoang cho đến thời kỳ Bắc thuộc đã có 5 người phụ nữ có những ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của nước nhà. Người có công sinh thành và xây dựng đất nước, thì cũng có người làm tan nát cơ đồ và cũng có những người đã đứng dậy giành lấy lại cơ đồ đó. Bước sang thời kỳ độc lập từ thế kỷ X cho đến thế kỷ XIX, lịch sử nước nhà ghi nhận rất nhiều phụ nữ có công với dân tộc. Người đầu tiên đó là bà Hoàng hậu Dương Vân Nga, người đã có suy nghĩ vượt qua lề lỗi cũ để đưa ra quyết định sáng suốt khi trao Long Bào cho Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn để ông lên làm Vua khi nước nhà đứng trước nguy cơ bị quân phương Bắc xâm lược. Chính Lê Hoàn, người anh hùng dân tộc có  công “Phá Tống bình Chiêm” bảo vệ nền độc lập cho dân tộc đã chứng minh cho quyết định sáng suốt đó của bà Dương Vân Nga.

hoang-hau-duong-van-nga

Người phụ nữ thứ hai đó là bà Nguyên phi Ỷ Lan, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, có tài nội chính vào loại bậc nhất xưa nay. Bà đã 2 lần nhiếp chính, lần thư nhất là vào tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành; lần thứ hai vào năm 1073. Nói về tài của bà, chúng ta hãy đọc câu chuyện này: Một lần vua Lý Thánh Tông hỏi Ỷ Lan về kế trị nước, Ỷ Lan tâu: Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh... Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt trước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ vô địch”. Nghe xong Lý Thánh Tông rất phục.

tuong-nho-899-nam-mat-huyen-thoai-nguyen-phi-y-lan-h1

Người phụ nữ thứ ba đó là bà Trần Thị Dung hay còn gọi là Linh Từ Quốc mẫu, vợ của tướng Trần Thủ Độ. Bà là người đã có công trong việc bảo vệ  Hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp vào năm 1258. So với việc Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đem cả nhà đầu hàng giặc, các Hoàng thân như Trần Lộng, Trần Kiện… chạy theo giặc thì việc làm của bà Trần Thị Dung thật có ý nghĩa biết bao.

linh-quoc-mau

Người phụ nữ thứ tư đó là bà  Hoàng hậu Ngọc Trần, tên là Phạm Thị Ngọc Trần. Bà là vợ của vua Lê Lợi, không chỉ sớm hôm gánh vác việc thu xếp trang trại, coi sóc sản xuất, cấy trồng để chồng mưu việc lớn. Mà sau khi Lê Lợi dựng cờ dấy nghĩa, mộng thấy một vị thần yêu cầu hiến tế, bà Hoàng hậu Ngọc Trần đã tự nguyện hi sinh thân mình tế thần để có thể an lòng Lê Lợi cũng như quân sĩ trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Và sự hi sinh đó của bà đã được đền đáp, khi vào năm 1427, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, nước nhà giành lại độc lâp, Lê Lợi lên ngôi vua, lập nên triều đại phong kiến có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử dân tộc. Dẫu ở thời điểm nào của dân tộc, khi đất nước hòa bình, hay chiến tranh, lúc an cũng như lúc nguy, người phụ nữ đã sát cánh và luôn đồng hành cùng dân tộc. Họ cùng sống, cùng xây dựng, cùng bảo vệ và kể cả lúc cần hy sinh cho nền độc lập, họ - những người phụ nữ vẫn luôn sẵn sàng.  (Hoàng Kiểm)