Người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén qua báo chí

00:00 12/10/2020

“Thưa công dân Huỳnh Văn Nén”…Để được nghe câu nói đó, ông Huỳnh Văn Nén và người thân của ông đã chịu bao nhiêu đắng cay, tủi nhục trong 17 năm, 6 tháng, 11 ngày. Ông đã đi vào lịch sử  ngành Tư pháp Việt Nam - là người mang 2 án oan giết người. Tờ Tiền Phong nhận định: Việc ông Huỳnh Văn Nén được tuyên vô tội trong vụ án vườn điều và vụ bà Lê Thị Bông được xin lỗi công khai là thắng lợi của công lý, là thắng lợi công cuộc cải cách tư pháp, thắng lợi của những người có lương tâm biết yêu thương con người

.ong-huynh-van-nen-duoc-cong-khai-xin-loi-tren-bao-1641

Tờ Lao Động bình luận: hơn 17 năm cuộc đời một con người phải ngồi tù oan và một buổi xin lỗi chưa tới 30 phút và không có lấy một bó hoa tặng người bị oan sai. Nhưng ông Huỳnh Văn Nén vẫn nói rằng : “Tôi rất hài lòng khi được xin lỗi công khai !”. Trong lời xin lỗi đại diện TAND tỉnh Bình Thuận đứng trước bục, đọc lời xin lỗi: “Chúng tôi với tư cách là các cơ quan đã gây oan cho ông Huỳnh Văn Nén tiến hành xin lỗi công khai khôi phục danh dự người bị oan là ông”.  “Chúng tôi hiểu rằng, suốt thời gian dài ông Huỳnh Văn Nén phải sống thiếu tự do, nhọc nhằn trong trại giam, tinh thần và tâm lý bị ảnh hưởng, điều kiện gia đình ly tán, cha xa con, vợ xa chồng, xa cả người thân, người còn kẻ mất, kinh tế gia đình giảm sút – thật là oan trái ! Những lời xin lỗi của chúng tôi hôm nay chỉ là sự bù đắp vô cùng nhỏ bé so với những gì ông Huỳnh Văn Nén và người thân đã phải chịu đựng. Thưa công dân Huỳnh Văn Nén, chúng tôi thừa nhận sai sót đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng này, thừa nhận khuyết điểm và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật” – bà Trần Thị Kim Hương đại diện TAND Bình Thuận nhận lỗi. Báo Lao Động ghi lại những cảm xúc của ông Huỳnh Văn Nén: Tại buổi xin lỗi ông không cầm được nước mắt và chia sẽ : “Mười bảy năm qua, gia đình tôi đã tan nát, các con tôi lớn lên mà không được cha dạy dỗ, đến miếng ăn cũng không đủ no. Hơn 17 năm sau, tôi trở về làng xóm thay đổi, chỉ có nhà tôi là xơ xác. Ở trong tù hơn 17 năm cha tôi không được một giấc ngủ ngon. Lẽ ra phải đang được an nhàn bên con cháu thì ông phải bươn chải lo cho con. Mười bảy năm qua khi tôi ở tù, mẹ tôi ra đi với nỗi lo đau đáu. Đến khi chết bà vẫn nói với cha tôi hãy lo cho tôi. Có ai trên đất nước này khổ như tôi !” Câu hỏi vô cùng ngắn gọn nhưng trở nên ám ảnh. Bởi nó gói gọn cả chặng đường 17 năm chịu đựng oan khiên. Thế nhưng cái điều mà sau đó người tù oan ấy nói lại càng đáng chú ý: “Tôi mong rằng, bằng những đòn roi tôi đã nhận, những oan ức tôi đã trải qua, những tan nát tôi và gia đình đã phải nếm trải, các điều tra viên, các thẩm phán khi đặt bút phán quyết một điều gì phải công minh, suy nghĩ thật kỹ để không làm oan sai cho người khác. Bởi dù oan ức một ngày thì có thể tiêu tan cả đời” Vậy, đó là một thông điệp quá nhân văn và khiến mọi người khâm phục, không phải là sự giận dữ, sự thù hận hay là bắt ai đó phải trả giá. Điều không mong muốn nhất chính là đừng để ai phải oan, phải khổ như mình. Công việc đó khiến mọi người mà đặc biệt là những người thừa hành pháp luật khi điều tra, nhân danh nhà nước khi tuyên mỗi bản án phải suy ngẫm. Tờ Đại Biểu Nhân dân đặt câu hỏi: Nếu không có người ra nhận tội thì các cơ quan thực thi pháp luật ở Bình Thuận vẫn cứ một hai là làm đúng quy trình tố tụng trong thực thi pháp luật. Nghĩa là, cơ quan chức năng bao giờ cũng đúng. Nhìn xem cứ xì ra vụ việc nào là các cơ quan chức năng cũng bảo chúng tôi làm đúng quy trình hết. Vậy, cái quy trình ấy ai đặt ra?- Nếu không phải chính con người chúng ta. Đúng quy trình mà vẫn phơi ra oan sai thì phải xem lại cái gọi là quy trình đặt ra ấy đã chuẩn chưa?. Liệu còn lĩnh vực kinh tế xã hội khác có còn như cái chưa đúng, chưa chuẩn mà vẫn đúng quy trình mà không ai chịu trách nhiệm hay không? Qua tờ Đại Đoàn kết: Cơ quan cảnh sát sau này đã thừa nhận lời khai nhận tội giết người cướp tài sản của ông Nén là không có chứng cứ khác chứng minh và không khớp với lời khai nhân chứng tại hiện trường, có căn cứ kết luận ông Nén không thực hiện tội phạm. Vậy, vì sao những chứng cứ tình tiết như trên không được điều tra viên, kiểm sát viên, tòa án xem xét thấu đáo?! Tờ Nông Thôn Ngày nay nhấn mạnh : Ông Nén oan sai như thế nào không cần phải nói nữa. Nhưng có những câu hỏi được đặt ra phải được trả lời. Câu hỏi thứ 1 là những ai tham gia điều tra truy tố xét xử ông Huỳnh Văn Nén. Câu hỏi thứ 2 ai trong họ có trách nhiệm liên quan đến hai vụ án oan tày trời này. Dư luận đang mong mỏi câu trả lời cho tất cả câu hỏi này, không chỉ trả lại công bằng cho ông Huỳnh Văn Nén mà là trả lại công lý cho xã hội. Đại tá Phạm Thật – người ký quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén đã khẳng định các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tỉnh Bình Thuận sẽ xem xét một cách nghiêm túc, công minh về trách nhiệm của Cơ quan điều tra, điều tra viên đã gây nên những thiệt hại, oan ức cho ông Nén nguồn gốc của oan sai. Và cũng xin khép lại bài viết này bằng một bài viết của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM đăng trên báo Tuổi Trẻ: “Nguồn gốc của oan sai chính là thói quen bạo hành thay vì đấu trí và đấu lý, não trạng “suy đoán có tội” thay vì kỹ năng nghi ngờ hợp lý và tấm lòng công tâm, chỉ biết truy tìm và công nhận sự thật khách quan, cho dù đó là chứng cứ buộc hay gỡ tội. Công cuộc cải cách tư pháp được triển khai từ nhiều năm nay chính là để công lý được bảo đảm, cuộc sống của người dân được bảo vệ một cách “dân chủ, công bằng, văn minh” và do đó ít oan sai nhất.

Hoàng Hữu Hiệp

(Tp. Hồ Chí Minh)