Ngành Than – bài học xương máu - Bài 1

00:00 12/10/2020

(DNHN). Gần 20 năm làm nghề hầm lò và làm báo trong ngành Than, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những vụ tai nạn do nổ khí mê tan (CH4); do trúng khí độc và bục nước trong hầm lò vô cùng thảm khốc. Tập đoàn TKV (ngành Than) đã xác định, khí mỏ và bục nước là hai nguy cơ mất an toàn hàng đầu trong sản xuất than hầm lò.

Nhiều năm qua, ngành Than đã đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn; đã dốc không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức cho công tác an toàn mỏ hầm lò. Những buổi họp kiểm điểm công tác an toàn thường căng thẳng, nặng nề, u ám; tan họp, không ai muốn ăn cơm. Vậy mà tai nạn do nổ khí, bục nước vẫn xảy ra. Vì sao vậy? Liệu ngành Than có kiểm soát được những nguy cơ trên hay không?

 NhânTuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 18 năm 2016 (được tổ chức từ ngày 20/3/2016 đến ngày 26/3/2016), DoanhnghiepNet giới thiệu bài điều tra dài kỳ về vấn đề này nhằm cảnh báo cho cán bộ, công nhân hầm lò tực hiện tốt quy phạm an toàn và chia sẻ với lãnh đạo Tập đoàn TKV về khó khăn, gian khổ trong công tác quản lí an toàn sản xuất than hầm lò.

Bài 1. NHỮNG VỤ  NỔ  KHÍ KINH HOÀNG TRONG HẦM LÒ

 Từ trước đến nay, những vụ nổ khí, ngộ độc khí gây chết người trong hầm lò đều do nạn nhân họ hoặc đồng nghiệp của họ không chấp hành quy phạm an toàn. Tài liệu của chúng tôi thu thập được, đến nay, chưa có vụ tai nạn chết người do nổ khí, ngộ độc khí khí nói riêng và tai nạn trong hầm lò nói chung nguyên nhân từ bất khả kháng, do rủi ro - tức là do nguyên nhân khách quan. Hoàn toàn do công nhân, cán bộ chỉ huy sản xuất, cán bộ giám sát an toàn… vi phạm quy phạm an toàn!

Dưới đây là những vụ tai nạn do nổ khí điển hình

Ngày 11/1/1999, nổ khí mê tan tại Công ty than Mạo Khê, làm 19 người bị chết

Đây là tai nạn hầm lò gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành Than VN kể từ khi thành lập (10/1994) đến nay. Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra sáng sớm ngày 11/1/1999 làm 19 người chết. Khi đó, hàng loạt các báo đưa tin, bài về vụ tai nạn này. Tạp chí Than VN  (khi đó ông Đoàn Văn Kiển, Tổng giám đốc Tổng Công ty than kiêm Tổng Biên tập) cho ra hẳn số đặc biệt, nêu diễn biến, nguyên nhân, tường thuật Lễ truy điệu những thợ lò hi sinh và ghi nhận nghĩa tình cao đẹp của đồng bào cả nước với tổn thất của ngành Than - riêng báo Quảng Ninh không đưa tin.

images788477_05

Công nhân hầm lò  Công ty than Mạo Khê sử dụng máy thở (ảnh của Mạnh Hùng- Công ty than Mạo Khê)

Chúng tôi trích đăng bài viết  đăng trên Lao Động, thứ Tư, ngày 13.1.1999:

“Địa điểm chính xác của nơi xảy ra vụ nổ là lò thượng – nhánh của đường lò âm 25 (ở độ sâu 25m so với mực nước biển), vỉa 9 đông của mỏ than Mạo Khê. Chỗ này là một gương lò vừa kết thúc giai đoạn xây dựng cơ bản và đang chuẩn bị khai thác. Áp lực khí nổ cực lớn, gây chấn động toàn bộ đường lò âm 25 dài đến 1.200 mét. Những người có mặt tại hiện trường sau vụ nổ cho hay, hai quạt gió công suất 11 KW/chiếc đặt ở hai đầu đường lò này đều bị cong queo. Những chiếc ống dẫn không khí bằng vải bạt phun sơn rách tinh tươm. Chiếc goòng 3 tấn rưỡi bị hất tung đi một chỗ khác. Tất cả những thợ mỏ hy sinh đều bị bóc hết quần áo và da.

Ông Nguyễn Đăng Doanh, chủ nhiệm Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Thuỵ Điển ở thị trấn Uông Bí, người có mặt tại hiện trường ít giờ sau khi tai nạn xảy ra nói: “Hãy thử tưởng tượng thế này: Những người công nhân giống như những viên đạn bị bắn khỏi nòng đại bác”. Họ tử nạn vì một trong ba nguyên nhân sau đây (hoặc vì hai trong ba số đó, hoặc cả ba): do nhiệt độ quá cao, do áp suất quá lớn, và do va chạm.

… “Tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy thi thể của anh em được đưa ra” - Chủ tịch Công đoàn Mỏ than Mạo Khê, Lưu Công Tường nói với nhóm phóng viên báo Lao Động. Trong cuộc đời 38 năm làm thợ mỏ của mình, ông Tường chưa bao giờ nhìn thấy một thảm cảnh xót xa như vậy. Các công nhân hy sinh (ông Tường luôn tâm niệm như thế, bởi với người thợ mỏ “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”) không ai còn quần áo lành lặn. Da và tóc cháy hết, chỉ trừ phần hông vì có hai lần quần và đôi chân đi ủng cao su. Bụi than phủ đầy cơ thể họ. Cũng còn may là không có ai bị cháy đến mức không thể nhận diện được.

Thi thể của 16  công nhân hy sinh (sau đó, 3 người bị thương nặng không qua khỏi - TG) được các bạn bè và đồng nghiệp đưa đi tắm tại chính những nhà tắm mà họ vẫn sử dụng sau ca làm việc. Sau đó, họ được mặc quần áo mới, đội một chiếc mũ mềm để che phần tóc bị cháy. Mỗi người được đi hai đôi tất mới: một đôi đi vào hai bàn tay, vì những ngón tay co quắp không thể xỏ được vào bất kỳ loại găng tay nào.

 Theo quy định an toàn lao động thì trước khi bắt đầu một ca làm việc, các công nhân thử khí bao giờ cũng là những người tiên phong đi vào trong lò. Họ có trách nhiệm kiểm tra xem nồng độ khí metan (CH4) ở đó có ở mức an toàn hay không. Nếu nồng độ khí CH4 ở dưới mức 0,3% thì mới tiến hành sản xuất được. Ông Lê Văn Sinh, Trưởng nhóm cứu hộ thuộc Trung tâm Cấp cứu Mỏ (Tổng Cty Than VN) cho biết nồng độ khí CH4 đo được vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 11.1 là 9%, gấp gần 30 lần mức cho phép. Cũng theo ông Sinh, thì khi CH4 ở nồng độ 2% nếu có tia lửa sẽ xảy ra cháy. Còn khi nồng độ trên 4%, nếu có tia lửa sẽ phát ra nổ. Mà chỉ cần đá chạm vào nhau, hay choòng chạm vào đá cũng đủ phát ra tia lửa dẫn đến nguy cơ trên. Ông Sinh không loại trừ khả năng tia lửa đã phát ra từ sự va chạm của hai loại dụng cụ bằng sắt mà các thợ mỏ mang theo.

Nhưng tại sao một lượng khí metan lớn như vậy lại tích tụ trong hầm lò sáng 11.1, thì lại là một câu hỏi lớn mà các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra và chúng tôi chưa thu thập được những thông tin xác thực để cung cấp cho bạn đọc. Theo quy định chung của Tổng Cty Than, công nhân các mỏ đều được nghỉ hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Trong hai ngày này, hệ thống thông gió vẫn phải làm việc để không gây ra tích tụ lớn lượng khí có hại. Theo tìm hiểu sơ bộ từ những người có trách nhiệm của mỏ than Mạo Khê, hệ thống thông gió này vẫn hoạt động bình thường trong hai ngày 9 và 10.1.

Qua tiếp xúc với một số công nhân lò ở Mạo Khê, chúng tôi thấy có một điều đáng tiếc. Lẽ ra chỉ khi các công nhân thử khí kết thúc công việc của mình, công nhân thuộc các nhiệm vụ khác mới được vào lò. Nhưng buổi sáng 11.1, một số công nhân chống cuốc lò đã đi cùng một lúc với công nhân thử khí. Giá như họ đợi thêm một chút, thì thiệt hại đã không lớn như vậy”.

Ngày 19/12/ 2002: Xảy ra 2 vụ nổ khí tại Mỏ than Suối Lại và tại Xí nghiệp than 909 làm 11 người chết

 Điều đáng chú ý trong vụ nổ khí tại Xí nghiệp 909 là cả 6 nạn nhân đều không phải là công nhân thuộc quân số của Xí nghiệp. Khu vực Vỉa 41 chỉ là đường lò đang trong giai đoạn thăm dò. Sản lượng than tận thu mỗi năm khoảng 3.000 tấn. Thời điểm xảy ra tai nạn lò đã nghỉ hoạt động.

6/3/2006: Nổ khí tại Công ty than Thống Nhất làm 8 người chết

Bữa đó, tôi và nhà báo Giang Nam (nguyên PV Tạp chí Than) đang làm việc tại Công ty than Cọc Sáu thì nghe tin, lúc 8 giờ 30 phút ngày 6/3, tại công ty than Thống Nhất, một vụ nổ khí Mê tan (CH4) đã làm 8 thợ mỏ bị chết. Họ là những người thợ lành nghề thuộc công trường đào lò 3 thuộc khu Yên Ngựa. Nơi xảy ra vụ nổ là đường lò thượng dài 54 mét từ mức 0 đến mức +42. Theo đánh giá, công trường đào lò 3, nơi xảy ra tai nạn, nồng độ khí CH4 là rất thấp.

Ngày 9/12/2008: Nổ khí tại Công ty than Khe Chàm làm 9 người chết, 24 người bị thương

Trong 9 người chết có anh Nguyễn Ngọc Ký, Phó Giám đốc phụ trách an toàn Công ty than Khe Chàm. Lực lượng cứu hộ cũng tổn thất nặng nề: 1 người hi sinh và 3 người bị thương. Người hi sinh là anh Trần Văn Thản; 3 người bị ngộ độc khí CO suýt chết, phải cấp cứu tại bệnh viện là ông Phạm Văn Huyên, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ - TKV và  anh 2 anh: Nguyễn Văn Quân, Đặng Văn Thăng.

nganh-than-viet-nam

Lãnh đạo Tập đoàn TKV bàn phương án cứu hộ vụ nổ khí tại Công ty than Khe Chàm (ảnh: Báo Quảng Ninh)

Sau khi anh Trần Văn Thản hy sinh, Trung ương Đoàn đã truy tặng anh Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Chính phủ cũng đã ra Quyết định công nhận liệt sĩ và Bằng Tổ quốc ghi công cho anh Trần Văn Thản, SN 1978, quê  tại xã Tứ Xuyên, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, là chiến sĩ cấp cứu Mỏ - TKV đã hy sinh trong khi cứu hộ các nạn nhân trong vụ nổ khí mêtan (CH4) ngày 8/12/2008 tại Công ty than Khe Chàm.

Minh Cao  

Kỳ sau: 40 THỢ LÒ THAN CẨM THÀNH SUÝT BỎ MẠNG VÌ KHÍ ĐỘC