Miền Tây sẵn sàng sản xuất sau nước rút

00:00 12/10/2020

Không như dự đoán của nhiều chuyên gia và nhiều người, năm nay mùa nước nổi tại đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn lên cao. Như vậy sau 10 năm, ĐBSCL mới có lũ lớn. Những yếu tố ấy đang tác động mãnh liệt đến người trồng lúa ĐBSCL với tham vọng đạt được năng suất cao nhất. Dù vậy để sản xuất có hiệu quả nông dân cần chủ động cho một mùa vụ mới.

Cơ hội lớn và những mặt trái của mùa nước Theo PGS.TS. Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, giá trị lớn nhất của lũ là... nước lũ. Nước lũ là nước ngọt, độ pH từ 6,5-7 nên chúng có tác dụng tháo chua, rửa phèn cùng bao độc tố khác phát sinh trong quá trình sản xuất được tống ra biển, đồng thời mầm bệnh, chuột bọ lưu tồn trong tàn dư thực vật, trong đất cũng sẽ được làm sạch. Giá trị lớn thứ 2 là phù sa. Về mặt dinh dưỡng, giá trị của phù sa có thể đo đếm được. Nếu ruộng ở đầu nguồn tiếp giáp với sông cái thì sau mùa lũ lớn mặt ruộng sẽ được bồi đắp một lớp phù sa dày 1 cm, nếu ruộng ở giữa nguồn thì lớp phù sa chỉ dày 0,55 cm và cuối nguồn chỉ được 0,3 cm. Lượng phù sa nhiều ít còn theo thời điểm, nếu nước đầu mùa lũ hàm lượng phù sa cao và giảm dần đến cuối mùa. Theo TS.Nguyễn Đức Thuận, chuyên gia thổ nhưỡng, mỗi ha ở ĐBSCL bình quân nhận được 6 tấn phù sa/năm. Phân tích của Trường Đại học Cần Thơ thấy rằng, nước đầu nguồn có hàm lượng khoáng cao, từ 100-200 mg/l, giữa nguồn 50 mg/l và cuối nguồn chỉ có 37 mg/l, trong đó hàm lượng đạm (N) là cao nhất với 0,4%, lân (P2O5) 0,11%, kali (K2O) 0,12%, MgO 0,05%, CaO 0,02%... Như vậy, nếu ruộng ở đầu nguồn thì được lũ cấp không 9-10 kg N/ha, có giá trị bằng 10% nhu cầu dinh dưỡng của lúa cao sản ở vụ đông xuân ngay sau đấy. Có nghĩa là nếu vụ đông xuân tới, người trồng lúa ở khu vực đầu nguồn có thể giảm 10% lượng phân cần bón nhưng vẫn bảo đảm được năng suất. Tuy có nhiều mặt tích cực cho canh nông nhưng nước lũ cũng là tác nhân phát tán ốc bươu vàng. Ốc bươu vàng hình như có “giác quan thứ 6 với lũ”, trước lúc lũ rút khoảng 10 ngày thì ốc bắt đầu đẻ trứng hàng loạt và sẽ nở rộ khi gieo mạ. Nước lũ nhiều phù sa sẽ là tác nhân dễ đưa đến hiện tượng dư thừa phân đạm mà người nông dân khó nhận biết. Khi dư phân đạm thì lá lúa sẽ mềm yếu, nằm ngang và đấy chính là điều kiện thuận lợi cho các loại bướm đẻ trứng như sâu cuốn lá nhỏ, muỗi hành phát triển mạnh. Lũ lớn có tác dụng như tổng vệ sinh đồng ruộng đồng loạt trên cả vùng nên mật số rầy nâu sẽ giảm. Tuy nhiên, do thời vụ mùa vụ của ĐBSCL chênh nhau nhiều, trong thời điểm tháng 11 này vẫn còn 300.000 ha lúa thu đông và 20.000 ha lúa mùa đang trong giai đoạn sắp thu hoạch và rầy nâu trong diện tích này sẽ là nguồn rầy di trú gây hại cho lúa đông xuân và truyền virus vàng lùn, lùn xoắn lá. Hiện nay giá lúa vẫn đứng ở mức cao, người bán và người mua đang có ý thăm dò nhau, tuy nhiên việc các nước Đông Nam Á bị hụt khoảng 5 triệu tấn gạo do lũ lụt chắc chắn sẽ đẩy giá gạo lên cao hơn, bởi vậy đây là thời cơ hiếm hoi cho người trồng lúa nên cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật để đạt năng suất cao nhất.
Chăm sóc lúa (1)
Nông dân ra đồng chăm sóc lúa. Ảnh: Hoàng Huy
Chuẩn bị sẵn sàng cho mùa vụ mới Chuẩn bị cho nước rút, người nông dân cần xuống giống đồng loạt, né rầy đúng thời vụ là rất quan trọng bởi thời điểm xuống giống vào thời điểm tháng 11 và tháng 12 là quãng thời gian cho chất lượng ánh sáng và nhiệt độ phù hợp nhất cho sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Ngoài ra, xuống giống đông xuân đúng thời vụ cũng sẽ không làm cho người nông dân phải cập rập ở vụ hè thu tiếp theo (khoảng thời gian giãn cách giữa 2 vụ tối thiểu 21 ngày). Do được nước lũ ngâm lâu nên việc trang bằng đồng ruộng sẽ dễ dàng hơn, cần tranh thủ. Do lượng đạm có trong phù sa những ruộng đầu nguồn có tới 10% nhu cầu của cây lúa nên nếu không muốn bị lốp đổ thì cần phải giảm theo tỷ lệ tương đương. Mặt khác, nông dân cũng cần cảnh giác với hiện tượng thiếu lân. Phân tích thấy rằng để có tổng năng suất khoảng 17 tấn/ha, thì lúa cần 78 kg P2O5/năm, trong đó có 8 kg đất nhận từ phù sa nên phải bón thêm 70 kg P2O5 nữa (tương đương 440 kg lân supe). Ngoài ra, lượng kali trong phù sa cũng không đáng kể nên dễ xảy ra hiện tượng phân bón không cân đối. Khi ấy sẽ là điều kiện tốt cho sâu cuốn lá nhỏ và nhất là muỗi hành phát triển. Đặc biệt muỗi hành rất khó phát hiện, khi phát hiện được muỗi hành thì đã muộn. Bởi vậy, điều chắc chắn và bảo đảm nhất vẫn là dùng phân NPK chuyên dùng cho lúa mà các sản phẩm của Bình Điền như NPK + TE, Agrotain Lúa 1, Lúa 2 + TE là tiêu biểu. Để chuẩn bị tốt cho vụ đông xuân này, Hợp tác xã Tân Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung vật tư, phương tiện kỹ thuật cho vụ mùa tới. Ông Nguyễn Văn Trải, Giám đốc Hợp tác xã Tân Cường cho biết: “Năm nay thuận lợi cho việc sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ do lượng nước vừa đủ để rửa trôi những phế phẩm có trên đồng ruộng. Hợp tác xã có phương án sản xuất giống, sản xuất lúa sạch trên quy mô lớn. Chúng tôi đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho một mùa vụ mới”. Trong khi đó tại các tỉnh hạ nguồn như Hậu Giang, Cần Thơ, nước rút tới đâu, người dân làm đất, vệ sinh đồng ruộng tới đó để xuống giống. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang, cơ quan này khuyến cáo người dân xuống giống đồng loạt trên từng cánh đồng để dễ kiểm soát ốc bươu vàng và tránh sâu bệnh có khả năng bùng phát sau này.
Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền: Cần tranh thủ sạ giống khi nước rút Mùa lũ năm nay, mực nước cao hơn năm ngoái nhưng phù sa bồi đắp không nhiều bằng các năm có mực nước cao tương đương của các thập niên trước đây, do các đập ở thượng nguồn giữ lại đáng kể lượng phù sa vốn có. Tuy nhiên, có lũ về, bà con ở ĐBSCL vẫn hưởng được những lợi ích nhất định. Trong lúc này, bà con nên tranh thủ, nước rút đến đâu tổ chức sạ tập trung đến đó, đồng thời củng cố đê bao nội đồng để giữ nước ngọt cho ruộng lúa sử dụng được lâu dài.
Lê Quốc Phong
Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền
Dù vụ mùa này có những thuận lợi hơn vụ hè thu vì nhiệt độ ngày - đêm rất phù hợp cho cây lúa, ánh sáng lại dồi dào nên cường độ quang hợp của cây lúa cao hơn, cây hút thức ăn cũng thuận lợi hơn, thời gian làm đồng, trổ bông cũng lý tưởng và năng suất luôn cao hơn các vụ khác từ 20-30%. Tuy vậy, bà con cũng cần áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm và lưu ý bón phân cân đối. Lượng đạm do lũ mang về nằm ở dạng hữu cơ nhiều hơn, những vùng ngập sâu và ngập lâu mới có các chất dinh dưỡng cao, do đó tùy theo từng vùng mà bà con giảm lượng phân bón cho phù hợp. Theo các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về chất đạm, vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL chỉ cần giới hạn bón trong phạm vi từ 80-100kg (N) nguyên chất trên/ha, chất lân (P2O5) cần 30-40 kg/ha, Kali (K2O) cần 30-40 kg/ha. Năng suất cho bình quân từ 7-8 tấn/ha để tính đủ lượng N-P-K, nếu bà con bón phân đơn thì 2,7 kg Ure bằng 1 kg đạm (N) nguyên chất, 6,7 kg super lân bằng 1 kg ( P2O5) nguyên chất, khoảng 1,7 kg Kali bằng 1 kg (K2O) nguyên chất. Trong trường hợp bà con sử dụng phân hỗn hợp N-P-K thì nên theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, nên chọn sản phẩm của các nhà sản xuất có uy tín trên thị trường, tránh việc bón không đúng liều lượng, không cân đối, hoặc bón các loại phân không bảo đảm chất lượng, vừa gây lãng phí vừa độc hại cho lúa, vừa dễ bị bệnh hại tấn công và năng suất sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến tổn thất cho bà con. Vụ mùa đã đến gần, công việc chuẩn bị rất quan trọng, do đó bà con cần nghe theo khuyến cáo của các nhà khoa học và các cơ quan nông nghiệp địa phương để nắm bắt mọi diễn biến nhằm ứng phó kịp thời, tránh thiệt hại để bà con mình có một vụ mùa bội thu.
(Theo nguoitieudung.com.vn)