Kiểm tra cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên

00:00 12/10/2020

Vừa qua, thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về việc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại Bắc Cạn và Thái Nguyên đã diễn ra chương trình Kiểm tra cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" dưới sự giám sát của TS. Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

TS. Tô Hoài Nam Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Tại chương trình kiểm tra CVĐ, Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động 2 tỉnh đã báo cáo những kết quả và tồn tại của CVĐ trong năm 2018 và phương hướng thực hiện trong toàn tỉnh năm 2019.

* Tại Bắc Cạn: Trong năm 2018, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Bắc Cạn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hội nghị, sinh hoạt tại khu dân cư, treo băng rôn, pano, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin…phối hợp với cơ quan chức năng giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền Cuộc vận động tại xã Nguyên Phúc (Bạch Thông) và xã Đại Sảo (Chợ Đồn) thu hút 180 đại biểu tham dự, tham gia khai mạc 01 Hội chợ Thương mại xúc tiến đầu tư,phối hợp với Sở Công thương tổ chức 3 Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn với 36 đơn vị tham gia, 72 gian hàng và phiên chợ đã thu hút trên 160.000 người dân tham quan, mua sắm, doanh số ước đạt trên 4 tỷ đồng. Những mặt hàng của các đơn vị tham gia phiên chợ phong phú, đa chủng loại có chất lượng và độ bền, được phép lưu thông trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khu vực miền núi, vùng cao, giá cả phù hợp...

Các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tích cực tuyên truyền lồng ghép Cuộc vận động với nội dung nhiệm vụ của Hội. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng.

* Tại Thái Nguyên: Ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục được kiện toàn đã chủ động triển khai kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Công tác tuyên truyền cuộc vận động tiếp tục được triển khai đạt nhiều kết quả. Người tiêu dùng có nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần nâng cao số người mua sắm hàng Việt. Các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tích cực đưa hàng Việt đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng được tăng cường thực hiện.

Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến thương mại với chủ đề: “ Thái Nguyên – tiềm năng phát triển và đầu tư” với 456 đoàn, 1.370 đại biểu tham dự hội nghị để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, dấu ấn sâu sắc. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công các hội chợ triển lãm “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2017 và năm 2018 với quy mô khoảng 250 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề địa phương trong và ngoài tỉnh…

Tại chương trình kiểm tra CVĐ, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn trong thực hiện Cuộc vận động và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự trở thành phong trào mang tính tự giác của mỗi người dân.

Phát biểu kết luận tại buổi kiểm tra CVĐ, TS. Tô Hoài Nam thay mặt Đoàn công tác đánh giá cao báo cáo tổng kết 2 tỉnh và cho biết: Trong báo cáo đã nêu được những kết quả nổi bật và những hạn chế tồn tại, bài học kinh nghiệm. CVĐ của hai tỉnh làm rất tốt, các văn bản chỉ đạo điều hành, triển khai từ cấp ủy chính quyền đều gắn phát triển kinh tế xã hội nên rất logic và có những bước đi bền vững góp phần phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt, khẳng định tiềm năng về năng lực kinh doanh, phân phối của các doanh nghiệp và doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

"Cuộc vận động không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa hết sức lâu dài, bởi vậy tôi đề nghị: tập trung đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về CVĐ; xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể, lâu dài, đổi mới cả về thời lượng, nội dung, hình thức. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, theo chuyên đề để nâng cao nhận thức, trách nhiệm với hàng Việt của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Về đối tượng, cần tập trung tuyên truyền sâu hơn tới giới trẻ; đối với các doanh nghiệp cần đẩy mạnh một số hoạt động như công tác điều tra khảo sát thị trường, điều tra người tiêu dùng, mạng lưới phân phối, tổ chức hội thảo, hội chợ, hỗ trợ đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất và sản xuất các hàng hoá có chất lượng cao; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kinh doanh các mặt hàng bình ổn giá bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu về chất lượng, giá cả, mẫu mã. Triển khai quy chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu..." - ông Nam nhấn mạnh.

PV