Không thể vừa thúc đẩy sản xuất rượu bia, vừa bảo vệ được sức khỏe người dân

00:00 12/10/2020

Rượu bia không thể cấm sản xuất, càng không thể cấm uống. Nhưng muốn bảo vệ sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc của người dân thì không thể thúc đẩy ngành công nghiệp phi nhân bản này phát triển.

Ảnh minh họa

Dù quá trình xây dựng dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu bia đã đi gần đến cuối chặng đường, nhưng những ngày vừa qua, những vấn đề chính của dự thảo này mới thực sự thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận sau khi 2 luồng ý kiến gần như trái ngược hoàn toàn xuất hiện trên diễn đàn Quốc hội, trong đó phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc đã khiến nhiều người bị “sốc”.

Một trong hai luồng ý kiến là ủng hộ quan điểm xuyên suốt của ban soạn thảo, đó là lấy sức khỏe cộng đồng là ưu tiên số một và muốn vậy, phải có những biện pháp mạnh đảm bảo giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia; quản lý chặt chẽ việc cung cấp và hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực để phòng chống tác hại của rượu bia.

Những ý kiến này hết sức đau xót trước những tác hại lớn của rượu bia không chỉ đến sức khỏe, tính mạng của người dân, sự ổn định của xã hội mà còn là ảnh hưởng về lớn về kinh tế, làm nghèo hóa nhiều gia đình và tiêu tốn nhiều nguồn lực của xã hội.

Còn luồng ý kiến thứ hai nêu ra tất cả những trở ngại (có thể có) đối với sự phát triển của các doanh nghiệp rượu bia nếu ban hành luật, trong đó có cả những trở ngại “không có thật”, ví dụ như việc cấm sản xuất, cấm uống...

Điển hình trong số các ý kiến thuộc quan điểm thứ hai này là của ông Dương Trung Quốc, khi vị đại biểu này ngoài việc ca ngợi những “tác lợi” của rượu bia (hoàn toàn không dựa trên cơ sở khoa học mà dự trên... thơ”, thì còn nâng quan điểm một cách hết sức vô lý, lên mức gọi là “đưa rượu bia lên đoạn đầu đài. Ông Dương Trung Quốc sau đó đã công khai thừa nhận mình bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất rượu bia để nó “phát triển tích cực”.

Vậy, trên thực tế, có chuyện “doanh nghiệp rượu bia phát triển” mà vẫn không mâu thuẫn với lợi ích về sức khỏe của người dân cũng như các lợi ích khác của xã hội hay không?

Hãy nghe ý kiến của TS-BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Cơ quan điều phối liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm NCDs-VN, Trưởng khoa Khoa học Sức khỏe, Đại học Tây Bắc: “Doanh nghiệp rượu bia thực chất thuộc nhóm có lợi ích mâu thuẫn với lợi ích y tế công cộng. Họ càng tăng trưởng thì giá trị sức khỏe của cộng đồng càng giảm đi. Chi phí càng tăng, hậu quả xã hội càng lớn.”

Nhận định này được chứng minh bởi thực tế, các doanh nghiệp bia rượu hiện đang kinh doanh có lãi và rất thuận lợi. Sabeco có lợi nhuận sau thuế năm 2017 là 4.562 tỷ đồng; Habeco lãi 658 tỷ; còn Chủ tịch Heineken châu Á & Thái Bình Dương - Frans Eusman cho biết, hãng đang đổ tiền vào Việt Nam - thị trường có khả năng sinh lời lớn thứ 2 cho họ, chỉ sau Mexico.

Ngược lại, chi phí cho tiêu thụ bia ở Việt Nam khoảng trên 4 tỷ USD/năm (2018 với 4,67 tỷ lít, chưa kể đến 70 triệu lít rượu công nghiệp & hàng trăm triệu lít rượu thủ công …), bình quân khoảng 420 USD/người/năm trong khi chi tiêu cho y tế theo Tài khoản y tế Quốc gia vào thời điểm 2013 chỉ có 113 USD/người/năm đó là chưa kể đến chi tiêu gián tiếp cho giải quyết hậu quả do rượu bia

 

Năm 2017 ngành công nghiệp rượu bia nước giải khát nộp ngân sách nhà nước là 50.000 tỷ VN đồng (=2,17 tỷ USD), tương đương 0,9% GDP; trong khi phí tổn do rượu bia gây ra ở nước ta giả sử với mức trung bình của thế giới là 2% GDP & chi phí cho tiêu thụ rượu bia cùng kỳ là trên 4,3 tỷ USD, như vậy là nhiều gấp hơn 2 lần so với mức nộp ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, tổn thất tổn thất do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia ước tính chiếm khoảng 1% GDP (WHO); Tổng chi phí trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính, là 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP (năm 2012)

Ngoài ra, chi phí y tế trực tiếp chưa kể đến chi phí nuôi dưỡng & chăm sóc bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần do rượu rất cao (500.000 - 1.000.000đ/ngày), gây gánh nặng kinh tế rất lớn cho gia đình và xã hội.

Đặc biệt, hậu quả đối với kinh tế gia đình do rượu bia cũng rất kinh khủng. Ước tính, tổng thiệt hại kinh tế do 5 loại hậu quả này đối với hộ gia đình ở nước ta là 8.882 tỷ đồng trong năm 2017 (xấp xỉ 0,2% GDP). Ít nhất 25,3 triệu ngày công lao động của thành viên hộ gia đình (chỉ tính trên người có tai nạn) đã mất đi trong năm 2017 do phải giải quyết 5 hậu quả trên. Con số thực tế  về thiệt hại kinh tế đối với hộ gia đình do các hậu quả này này có thể còn cao hơn.

Nghiên cứu cho thấy 11,6% hộ nghèo & cận nghèo đã bị thiệt hại về  kinh tế do các hậu quả của sử dụng rượu bia; 9,1% hộ nghèo & cận nghèo cho biết người lao động chính trong gia đình đã mất thu nhập do nghỉ lao động để giải quyết hậu quả; 3,9% hộ nghèo đã phải vay mượn tiền để trang trải các khoản chi phí liên quan…

Nghiên cứu cũng cho thấy, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống. Theo đó, khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng có các hành vi bạo lực sau khi uống cao gấp 6 lần; Khả năng bị/gây tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp hơn 6 lần; Khả năng bị chấn thương do uống gấp gần 5 lần.

Có thể thấy rõ ràng, rượu bia gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, khiến người dân bị tổn thất về tài sản, tiền bạc, bị nghèo hóa; bị bạo hành, bị phá vỡ các mối quan hệ, trật tự an toàn xã hội...

Cho nên, có thể khẳng định một lần nữa, dù không được và cũng không thể cấm, nhưng không thể vừa thúc đẩy sản xuất rượu bia, để cho ngành sản xuất này mặc sức tăng trưởng sản lượng sản xuất, tăng trưởng lượng tiêu thụ một cách chóng mặt mà lại vừa bảo vệ được sức khỏe người dân.

Từ đó, rất cần một Luật đủ mạnh để kiểm soát sự bùng nổ của ngành công nghiệp phi nhân bản này nhằm giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia; quản lý chặt chẽ việc cung cấp và hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực để phòng chống tác hại của rượu bia, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ và nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh không lây nhiễm cho người dân.

Để làm được điều này, rất cần có sự công tâm, vì dân của những vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng luật.

Xuân Hưng