Khai thác đá tàn phá môi trường vịnh Hạ Long:  Lấy gì “trả nợ” tương lai?

00:00 12/10/2020

 Sau này, trước thế hệ tương lai, những người có trách nhiệm lấy gì để “trả nợ” khi những quả núi trong vịnh Hạ Long bị tuyệt diệt?

Những hình ảnh khai thác đá tại khu vực Cửa Bé trên vùng vịnh Hạ Long (thuộc phường Hà Tu, TP.Hạ Long và phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả), thuộc khu vực quản lý của Lữ đoàn Hải quân 170 (Bộ Quốc phòng) đang bùng nổ trên mạng xã hội. Nó thực sự như những “vết cắt” vào trái tim, tình yêu của những người yêu thiên nhiên, nặng tình với vẻ đẹp của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long! Hạ Long thập kỷ 90 thế kỷ trước – những hình ảnh chỉ còn là dĩ vãng… Sẽ mất bao nhiêu tỷ đồng để có thể khôi phục lại được những ngọn núi, quả đồi, khung cảnh nên thơ mà tạo hóa đã ban tặng? 10, 100 hay 1000 tỷ đồng? Câu trả lời là không thể, bởi đó là vô giá! Vậy mà, chính quyền TP. Hạ Long lại gần như “tê liệt”, chỉ đến khi báo chí lên tiếng, việc “tận diệt” di sản này mới được dừng lại! Sẽ là nực cười nếu cứ đổ lỗi cho khách quan, khó khăn này khác mà không có trách nhiệm trực tiếp ở đây. Ấy là chưa nói đến nghi vấn “nhóm lợi ích”, sự bao che, dung túng cho việc làm nhức nhối kia? Vịnh Hạ Long không chỉ là di sản thiên nhiên thế giới mà còn là một vùng đất linh thiêng, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Ninh nói riêng và đất nước nói chung. Câu hỏi đặt ra: Suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh đã thực sự trân trọng, giữ gìn “báu vật” mà thiên nhiên ban tặng? Hãy nhìn rộng ra toàn cảnh vịnh Hạ Long khu vực TP. Hạ Long. Những ai yêu quý mảnh đất này, những người có trách nhiệm với môi trường, di sản thiên nhiên chắc đều phải giật mình trước tốc độ “đô thị hóa”, “bê tông hóa”, “lấp biển xây đô thị”… ở đây. Bức tranh trầm mặc vịnh Hạ Long tại đây giờ đã biến thành loang lổ. Hàng trăm, hàng nghìn ha vịnh Hạ Long đã nhanh chóng bị các dự án “nuốt chửng”. Hãy so sánh bức tranh Hạ Long của thập kỷ 90 thế kỷ trước và hiện nay, ta không khỏi bùi ngùi tiếc nuối… Lấy gì “trả nợ” tương lai? Mấy năm nay, Quảng Ninh chuyển hướng phát triển chiến lược “từ nâu sang xanh”- nghĩa là chuyển từ khai thác than sang phát triển du lịch, phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách nội địa ở Quảng Ninh nhờ đó tăng vọt. Nhưng, nếu xem xét kỹ thì chủ yếu là nhờ đóng góp từ các dự án đô thị, bất động sản quanh khu vực vịnh Hạ Long. “Tăng trưởng nóng” theo kiểu “ăn xổi” có thể đem lại hiệu quả trước mắt nhưng hậu quả để lại chắc không hề nhỏ. Du khách quốc tế cũng như người Việt Nam đến Hạ Long là đến với sự hùng vĩ của thiên nhiên, đến với vẻ đẹp nguyên sơ ít nơi có được chứ không phải đến với những “khối bê tông cốt thép” khổng lồ. Nếu cứ tốc độ “san biển, lấp biển” rồi cả tình trạng “phá núi” như hiện nay, chỉ 10 – 20 năm nữa, vịnh Hạ Long sẽ ra sao? Lúc ấy, du khách có còn “mặn nồng” với Hạ Long nữa? Lúc ấy, những người có trách nhiệm ở Hạ Long chắc đã nghỉ hưu. Họ sẽ trả lời thế nào trước câu chất vấn của thế hệ tương lai: Tại sao không gìn giữ di sản cho con cháu? Đó thực sự là câu hỏi đau đáu. Bởi, của quý trời ban chính là “của để dành” cho đất nước, cho tương lai. (Theo Hồng Quang - Congluan.vn)