Hãy lên tiếng, đừng im lặng trước nạn bạo lực học đường

00:00 12/10/2020

Chuông báo động về bạo lực học đường lại được gióng lên thành những chuỗi dài giòn giã…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong thời gian gần đây, dư luận không khỏi bức xúc trước những cảnh bạo lực diễn ra trong môi trường giáo dục. Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia: tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).

Trên thực tế, chuyện thầy đánh nhau, thầy đánh trò, trò đánh thầy, học sinh đánh đập – làm nhục học sinh, thậm chí dùng điện thoại ghi lại rồi trưng bày trên Ineternet như khoe thành tích đã trở thành bình thường. Điểm lại những vụ bạo lực học đường tiêu biểu gây chấn động dư luận trong năm 2018: Giáo viên phạt học sinh quỳ ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ngay sau đó là sự việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ để xin lỗi phụ huynh; Cô giáo bị học sinh bóp cổ ngay trong lớp tại Bến Tre; tại Nghệ An xảy ra 2 vụ việc liên quan đến bạo hành giáo viên. Một thầy giáo ở Trường THCS Tân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, bị người nhà học sinh đánh dập sống mũi phải nhập viện điều trị. Ngay sau đó vài ngày, một giáo sinh tại trường mầm non ở TP Vinh lại bị người nhà học sinh hành hung đến dọa sẩy thai; Giáo viên im lặng khi vào lớp giảng dạy suốt hơn một học kỳ tại TPHCM. Theo các chuyên gia giáo dục, thì đây là hình thức giáo viên bạo lực tâm lý đối với học sinh. Sự việc chỉ được phát hiện khi tại một học sinh đứng lên chia sẻ tại buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM; Giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng ở trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng);Thầy giáo dâm ô 7 nữ sinh lớp 3 ở Hà Nội; Cô giáo mầm non để cả lớp đánh hội đồng một trẻ ở Ninh Bình...

Và mới đây nhất là câu chuyện một nữ sinh lớp 9 của trường Trung học Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bị 5 nữ sinh cùng lớp đánh đập, lột quần áo hôm 22 tháng 3, dùng điện thoại ghi lại toàn bộ cảnh hành hung rồi đưa lên Internet đã khiến cả xã hội sôi sùng sục…

Trước nạn bạo lực học đường, ngày 2/4, Chính phủ đã phát đi tín hiệu rằng sẽ mạnh tay xử lý những sai phạm tại chốn học đường, sau khi báo chí đưa tin về một loạt vụ việc gây rúng động ở các trường khác nhau trong vài tuần trở lại đây.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối ngày 2/4, liên quan về vấn đề bạo lực học đường ở Hưng Yên và một số địa phương, đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội những ngày qua, báo giới đặt câu hỏi: Vấn đề bạo lực học đường, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xảy ra tình trạng bạo lực học đường như thế nào? Chính phủ giải quyết thế nào?

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Thủ tướng có đặt vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra làm sao, cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào, các đoàn thể, các cơ quan có chức năng trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương lo vấn đề tăng trưởng kinh tế, nhưng không được quên các vấn đề xã hội. “Nếu chúng ta coi nhẹ các vấn đề xã hội, thì đến lúc nào đó kinh tế cũng sẽ không thể phát triển được nữa”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đến nay, có nhiều văn bản được ban hành về vấn đề này như Nghị định 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, hay Thủ tướng có Quyết định 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các bộ, ngành đã ban hành 11 thông tư liên quan về vấn đề này. Theo Bộ trưởng, việc tổ chức thực hiện các văn bản này chưa nghiêm. Về phân cấp, trách nhiệm từng bộ, ngành địa phương phải xử lý nghiêm khắc, trách nhiệm của các lãnh đạo tỉnh, UBND các địa phương. Quan điểm của Bộ là tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh kết hợp với xử lý nghiêm khắc những vi phạm.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Cần xử lý ở mức cao nhất có thể đối với giáo viên, những người làm việc trong nhà trường có hành vi xâm hại trẻ em. Người quản lý cơ sở giáo dục, kể cả mầm non, nếu để xảy ra vi phạm, cũng phải chịu trách nhiệm. “Chúng ta cần xử lý nghiêm minh thì mới ngăn chặn được chuyện này”.

Tới đây, Bộ trưởng cho biết sẽ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo lập các đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm trong vấn đề này.

Thiết nghĩ, để ngăn ngừa bạo lực học đường, cần phải mạnh dạn đưa ra các giải pháp một cách đồng bộ, có sự chung tay của cả một hệ thống gồm gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt biện pháp căn cơ nhất trong việc phòng chống bạo lực học đường chính là tăng cường giáo dục đạo đức học sinh cùng với những dịch vụ sức khỏe tâm thần, từ tham vấn đến y tế, cũng giúp trẻ em nạn nhân cũng như trẻ bắt nạt có cơ hội giải quyết những vấn đề nội tâm, từ đó làm chủ được bản thân và gia tăng các kỹ năng xã hội như giải quyết xung đột tốt hơn.

Thu Giang