Hải Dương: Cụm công nghiệp bộc lộ nhiều bất cập

00:00 12/10/2020

Thời gian qua, nhiều Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Hải Dương, dù đã được quy hoạch nhưng đang phải “dậm chân tại chỗ”. Bởi nguyên nhân chính chưa có chủ đầu tư và cơ chế phù hợp, gây lãng phí về nguồn tài nguyên, do đất đai bị bỏ hoang, thất thoát nguồn thu ngân sách… Nhiều CCN dù đi hoạt động nhưng lại “bộc lộ” yếu kém gây ảnh hưởng môi trường, bất cập cần có cơ chế, chính sách phù hợp.
Nhiều CCN ở Hải Dương doanh nghiệp thuê đất đến đâu giải phóng mặt bằng đến đó
Nhiều CCN ở Hải Dương doanh nghiệp thuê đất đến đâu giải phóng mặt bằng đến đó
Sau khi rà soát, điều chỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn 33 CCN đã được UBND tỉnh có quyết định thành lập, tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư và khai thác hạ tầng kỹ thuật. Trong 33 CCN hiện có  31 CCN đang hoạt động, thu hút được 305 dự án đầu tư thứ cấp, tổng vốn đăng ký trên 8.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động. Tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt gần 65% tổng diện tích 1.416 ha đã quy hoạch... Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng hoạt động của các CCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã “bộc lộ” nhiều bất cập, như: Chưa có hệ thống xử lý rác, nước thải tập trung, chưa có đường giao thông, chưa có nhà quản lý... Bên cạnh đó, Hải Dương hiện có 28 CCN chưa có chủ đầu tư, không có ban quản lý chuyên nghiệp. Nhiều CCN không tạo mặt bằng sạch, nhà đầu tư thuê đất đến đâu, giải phóng mặt bằng đến đó, khó thu hút dự án thứ cấp. Việc thực hiện quy chế quản lý CCN còn nhiều yếu kém, không còn phù hợp với các quy định mới của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường. Trong quản lý các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án sản xuất kinh doanh trong CCN ở các địa phương chưa thống nhất cơ quan đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan... Để các CCN hiệu quả theo ông Mạc Thế Phương, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương Hải Dương, ngoài các chính sách hỗ trợ của các nhà đầu tư, nhà quản lý… khi quy hoạch CCN, cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng các CCN chuyên ngành và bảo đảm các điều kiện cơ sở hạ tầng trong và ngoài CCN (nhà ở cho công nhân; các dịch vụ công cộng đồng bộ; hệ thống cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất). Trong đó, đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải cho các doanh nghiệp trong CCN. Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp.. cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với CCN đúng mức; đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, cấp phép xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ... (theo tainguyenmoitruong.vn)