Góc nhìn khác về vụ "tai nạn xe Camry"

00:00 12/10/2020

(DNHN.) Trong vụ tai nạn giao thông do lái xe Camry gây ra tại Gia Lâm ngày 29/02/2016 vừa qua. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng không khỏi đau lòng, thương xót cho những nạn nhân xấu số và cảm thấy bất bình trước hành vi gây tai nạn của lái xe.

tai-nan-qiao-thong

Tuy nhiên, chúng ta cũng không khỏi “ớn lạnh” trước sự “vô tình” của những người xung quanh qua lời kể của cô giáo K.L. tại hiện trường vụ án. Xin trích lại một phần tâm sự của cô giáo trên facebook cá nhân như sau:

“Mình xin chia sẻ chuyện xảy ra với học sinh của mình sáng nay. Điều mình muốn chia sẻ không chỉ là nỗi đau của gia đình những nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn, mà là nỗi đau của cá nhân mình chứng kiến không ít những trái tim vô cảm.

15 phút sau khi tai nạn. Mình bỗng thấy cháu gồng bụng lên đầu lắc lắc. Mình gọi những người xung quanh thông báo cháu còn sống. Lúc này công an đã xuất hiện.

Mình bấm máy gọi 115 và đề nghị công an chặn nhờ xe đưa cháu đi ngay. Công an nói: cần giữ nguyên hiện trường đợi cảnh sát giao thông đến. Mình yêu cầu công an cứu người là trên hết.

Mọi người chặn được một chiếc xe taxi. Khi mấy người bế cháu lên đưa ra xe thì taxi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi.

Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát…” 

Nếu sự việc diễn ra đúng như lời kể của cô giáo K.L, thì những người từ chối đưa cháu bé đi cấp cứ rất có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 102.

Về vấn đề này, Luật sư Lê Hồng Ngọc, công ty Luật HILAP Hà Nội cho biết: Bộ luật Hình sự quy định về tội phạm này như sau

Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1, Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”

Xét trong trường hợp này, người có “điều kiện” –là người lái xe ô tô có thể đưa cháu bé đi cấp cứu (là việc không gây nguy hại cho bản thân người đó)– nhưng lại không cứu giúp dẫn đến hậu quả thực tế là cháu bé đã chết (hậu quả chết người là cấu thành bắt buộc phải có theo quy định của điều luật) trước khi được đưa vào bệnh viện, thì rất có thể người đó đã phạm vào tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Luật sư Lê Ngọc cũng lưu ý thêm rằng: để xác định những người từ chối chở cháu bé bị tai nạn có phạm tội nêu trên hay không thì cần phải được cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh.

Bở lẽ, không phải trường hợp nào từ chối đưa người đi cấp cứu cũng có thể bị truy tố về tội này. Việc di chuyển nạn nhân tai nạn giao thông khi chưa được thực hiện các bước sơ cứu cần thiết cũng như đảm bảo những yêu cầu nhất định có thể khiến nạn nhân bị thương nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, cần tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể để xác định việc không cứu giúp như trên có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.

Thanh Huyền