Giám sát thi hành luật và xử lý vi phạm đất đai

00:00 12/10/2020

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại tố cáo của người dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Do vậy, tình hình khiếu nại mấy năm gần đây đã có xu hướng giảm. Song do Luật Đất đai mang tính chất phức tạp, thường xuyên thay đổi và “nợ đọng” văn bản nên vấn đề khiếu nại đất đai còn tiềm ẩn phức tạp...
Đô thị phát triển kéo theo nhiều vấn đề phát sinh trong lĩnh vực quản lý đất đai
Đô thị phát triển kéo theo nhiều vấn đề phát sinh trong lĩnh vực quản lý đất đai
Tố cáo cán bộ ngày càng tăng Theo Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai của Bộ TN&MT mới đây, từ năm 2005 - 2007, mỗi năm trung bình Bộ nhận được khoảng 10.000 lượt đơn về đất đai; từ năm 2008 - 2011, trung bình nhận được 6.000 lượt đơn; từ năm 2012 đến nay trung bình nhận được 4.000 lượt. Số lượng đơn thư này chiếm đến hơn 95% số lượng đơn thư về Bộ. Thống kê của Bộ TN&MT cũng cho thấy, số lượng đơn khiếu nại hành chính về đất đai chiếm 70% số đơn khiếu nại, trong đó khoảng 30 - 40% tập trung về nội dung thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. So với thời điểm trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, xu hướng khiếu nại với quyết định, trình tự, thủ tục thu hồi giảm, nhưng lại tăng về khiếu nại giá bồi thường, hỗ trợ và việc cấp Giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, số lượng đơn thư tố cáo cán bộ, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng, cụ thể, năm 2012 chiếm 4,3%; 6 tháng đầu năm 2016 chiếm gần 16%... Các đơn tố cáo tập trung vào việc cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm, chia chác ruộng đất; giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, quy hoạch, mục đích sử dụng đất; việc sử dụng quỹ đất công ích (5%) trái quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong mấy năm trở lại đây có nhiều đơn tố cáo về tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, cửa quyền trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, nhất là cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Nguyên nhân của việc này là do chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những vấn đề vướng mắc tồn tại trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhất là trong vấn đề bồi thường. Bên cạnh đó, do chính sách bồi thường, hỗ trợ ngày càng được quy định có lợi hơn cho người có đất so với trước đây, dẫn tới nhiều trường hợp đã nhận bồi thường nay lại tiếp tục đòi được áp dụng chính sách mới, khiến việc khiếu nại kéo dài. Việc tổ chức thực hiện quy định của Luật Khiếu nại, Tố cáo và các quy định pháp luật khác có liên quan tới giải quyết khiếu nại, tố cáo còn vướng mắc, chưa phù hợp với thực tế như: việc đối thoại giải quyết khiếu nại lần 2; việc ủy quyền tham gia tố tụng; trình tự, thủ tục, giải quyết khiếu nại lần 2; việc xem xét lại quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật… Một nguyên nhân khác được Bộ TN&MT chỉ ra là, công tác, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền các cấp ở một số nơi còn thiếu quyết liệt. Một số vụ việc, các địa phương dựa vào lý do hết thời hiệu để không xem xét, giải quyết, hoặc cho rằng, đã giải quyết hết thẩm quyền dù người dân đã cung cấp thêm thông tin, tài liệu dẫn chứng. Ngoài ra, một số cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương còn thiếu tinh thần trách nhiệm; thiếu quan tâm đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân; có động cơ không trong sáng nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác, kịp thời, chưa giải quyết hợp lý nên người dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại. Cán bộ ở một số nơi, nhất là cấp huyện còn thiếu, hoặc chưa đủ năng lực, kinh nghiệm… Tăng cường giám sát Để từng bước khắc phục và hạn chế tình trạng khiếu nại tố cáo trong quản lý, sử dụng đất, Bộ TN&MT mong muốn Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng chỉ đạo về công tác này. Các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước phải trực tiếp chỉ đạo, giải quyết; vụ việc ở cấp nào thì phải giải quyết dứt điểm ở cấp đó. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện có sai sót, bất hợp lý thì điều chỉnh, sửa sai, có phương án khác để đảm bảo quyền lợi của người dân, chấm dứt khiếu nại. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và tổ chức thực hiện tốt Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường giám sát thi hành Luật và xử lý vi phạm pháp luật đất đai. Đồng thời, tổng hợp vướng mắc để rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định; tăng cường phổ biến pháp luật đất đai. Ngoài ra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân. Cơ quan giải quyết có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi giải quyết, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân. Nhất là, các cơ quan Trung ương cần tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tại các địa phương, cơ quan, đơn vị xảy ra nhiều vụ việc này, hoặc chất lượng, hiệu quả giải quyết thấp, không chấp hành chỉ đạo của cấp trên…       (theo baotainguyenmoitruong.vn)