Đời móc cống

00:00 12/10/2020

 Lâu nay, nói đến nghề móc cống (khai thông ống thoát nước ở các  dô thị) ta đã biết, đó là nghề cực nhọc và nguy hiểm. Hàng ngày, công nhân phải tiếp xúc với thứ nước đen sì, hôi thối và biết bao nguy cơ xảy ra tai nạn từ khí độc, từ mảnh vỡ chai lọ, bơm tiêm… Đã có nhiều phóng sự miêu tả công việc cự nhọc, nguy hiểm của nghề thông cống và đề cao người thợ làm nghề này. Tuy nhiên, trong số họ, không phải ai cũng vất vả như vậy; thậm chí, có kẻ còn kiếm tiền dễ như trở bàn tay vậy.

moc-cong

   Anh Thắng thu dọn phương tiện sau chừng 10 phút làm việc. 

Trận mưa vừa rồi khiến hệ thống thoát nước nhà tôi lại bị tắc. Theo số điện thoại quảng cáo trên cột điện, tôi bấm máy. Chừng mươi phút sau, hai thanh niên mang đến nhà chiếc máy nén khí. Vợ tôi thắc mắc, hỏi:

     -Lần trước tôi thấy họ thông cống bằng cái dây xoắn xoắn, nom như lò xo cơ mà?

     Anh thanh niên, nói giọng miền Nam, đặt máy nén khí xuống, rồi rằng:

     - Thông cống như zậy có ngày chết, chị ơi.

     - Chết là chết thế nào?- Vợ tôi ngạc nhiên, hỏi.

    - Là zì đường ống thoát nước là ống nhựa. Khi luồng dây xoắn zào, nó xoắn, nó za đập, zở đường ống như chơi. Chị hỉu không?

     Chỉ tay vào máy nén khí, anh ta tiếp:

     -Cái máy nén khí này, nom zậy thôi, nhưng nó thổi bay tất cả những thứ cặn bã bám trong đường ống đấy nghen.

     Tôi vốn là dân kỹ thuật ngành mỏ, không lạ gì những thiết bị khoan sử dụng năng lượng khí ép, liền đồng tình với gã thanh niên người miền Nam:

     - Em yên tâm. Khí nén tới áp suất 30 át - mốt – phe là bắn thủng cả đá cơ mà. Mở nắp hố ga, cầm cái que khều mấy đám bọt trắng lều bều bên miệng ống thải, gã thanh niên hỏi vợ tôi:

     -Nhà mình có dùng men phân hủy không, chị?

Vợ tôi bảo nhanh nhảu:

     -Có, có.

     -Dùng mấy gói rồi?

    -Không nhớ, chắc vài ba gói.

Gã thốt lên:

    -Thôi, chết rồi!

    -Sao lại chết? Quanh đây nhà nào cũng dùng. Người ta còn quảng cáo nó trên ti vi.

    -Chị tin gì ba thứ quảng cáo tùm lum. Cho cái men ấy zào, nó đóng bánh, càng chết.

    Tôi quán triệt vợ:

    -Em thấy chưa! Chẳng tìm hiểu gì cả, cứ thấy ai mách cái gì cũng làm.

    Anh thanh niên bắt đầu thực hiện quy trình công nghệ. Đưa máy nén khí vào nhà vệ sinh rồi anh ta sai tôi đi lên các tầng xả van nước. Khi tôi trở xuống, đường ống đã khai thông. Toàn bộ thời gian thông cống chỉ mất khoảng mười phút. Vợ tôi mở ví, hỏi:

    -Bao nhiêu tiền hả, em?

    -Tám trăm ngàn chị ạ

    -Cái gì? Sao mà đắt thế? Trước đây thôi thông cống chỉ hết có hai trăm nghìn.

Gã giải thích:

    - Đấy là chị thông bằng công nghệ cũ. Thông cống kiểu ấy nhỡ may đường ống bị xở, còn tốn kém hơn, không khéo phải đục tung cả nhà chứ bộ…

    Tôi can:

    -Thôi em ạ, đắt rẻ mấy trăm bạc, quan trọng gì, miễn là mình được việc.

   Khi hai thanh niên ra về, vợ tôi làu bàu:

    -Mẹ chúng nó chứ! Làm có mấy phút lấy người ta tám trăm bạc bạc!

    Hơn tuần sau, tôi đi công tác về, thấy thảm phơi đầy sân, nền nhà lênh láng. Vợ tôi cằn nhằn:

    -Anh thấy chưa, cứ bênh chúng nó, công nghệ cái chết tiệt. Được ba bữa, lại đâu vào đấy. May em ở nhà còn kịp dọn đồ đạc, chứ không á….

    Tôi bực mình, bấm số máy điện thoại quảng cáo trên cột điện. Đầu dây nói là giọng phụ nữ. Tôi trình bày sự việc, yêu cầu họ đến làm lại. Chị ta thẳng thừng, Công ty họ chỉ bảo hành trong một tuần.

     Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi tra trên mạng, tìm được Công ty Vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội, có trụ sở chính tại đường Giải phóng. Lần này tôi yêu cầu rõ là thông cống bằng giây xoắn như trước đây nhà tôi từng thuê. Chừng mươi phút, hai thanh niên mang máy đến nhà. Hỏi mới biết, một trong hai thanh niên này là Giám đốc Công ty. Anh ta tên là Thắng. Nhìn thấy chiếc máy ảnh của tôi, Thắng trầm trồ, ông bác có máy ảnh oách quá. Bây giờ loại này mấy nghìn hả bác? Tôi bảo, mình không biết, cơ quan trang bị cho, dùng vài năm rồi. Thắng nói, riêng ống kính vạch đỏ của bác, cách đây vài năm, gần hai nghìn đô. Tôi ngạc nhiên, cậu có vẻ thạo máy ảnh nhỉ? Trước đây em làm nghề này. Lại hỏi, làm ở đâu? Em làm bên Lào. Bên ấy em làm chủ một dây chuyền in phóng ảnh. Sau đó chuyển về làm ảnh ở Hà Nội. Lại hỏi, sao bây giờ chuyển sang nghề này? Thắng bảo, bây giờ làm ảnh khó sống lắm anh ơi.

     Đúng vậy. Ông Giám đốc này và cậu công nhân chỉ làm trong khoảng 10 phút, vợ tôi lại móc hầu bao trả cho họ 700 nghìn. Thời gian, công sức và phương tiện kỹ thuật bỏ ra như vậy, so với tiền công thu về thì chỉ có buôn lậu mới sinh lời như thế- nghề ảnh sao bì được! Tôi hỏi Thắng, vậy thông cống xong có bảo hành không đấy? Có chứ. Bọn em làm đảm bảo uy tín mà. Vậy thời gian bảo hành trong bao lâu? Trong mười ngày! Tôi thốt lên, vậy mười ngày sau nó lại tắc, gọi anh đến thông, tôi lại mất ngần này tiền à? Vâng. Chúng em chỉ bảo hành khi cống đã thông, còn sau đó nếu bị tắc, do rất nhiều nguyên nhân, làm sao chúng em chịu trách nhiệm!

     …Tôi mang chuyện móc cống của nhà mình sang nhà hàng xóm kể. Họ bảo, về giá, hình như những người làm nghề thông cống đã thống nhất giá với nhau hay sao ấy. Nếu thông cống thoát nước hộ gia đình, ở đâu cũng giá cao như vậy, không tương xứng với công sức và trình độ công nghệ của nghề này. Lạ một điều, họ tùy tiện đặt giá và không hề có hóa -nghĩa là lượng tiền thuế khá lớn từ nghề này không nộp cho Nhà nước, nhưng dường như không ai “sờ” đến.

     Đang nói chuyện, điện thoại của tôi chợt rung. Nghe xong điện thoại, tôi xin phép mọi người về lo bài vở. Bà vợ tôi nói đùa, tôi bỏ quách cái nghề làm báo. Đi biền biệt, về nhà suốt ngày ngồi máy tính, đầu tóc bơ phờ, bụng ngày một xệ ra. Chi bằng bỏ ra mấy chục triệu, mua cái máy nén khí, đi móc cống như họ. Đời móc cống thế mà sướng…

Bài và ảnh: Cao Thâm